Tòa soạn xin trích đăng bài phỏng vấn Thanh Lam của tác giả Hoàng Nguyên Vũ trích trong cuốn sách 'Thân phận và Hào quang' vừa phát hành.
Không thể sống giả
Nhìn lại, giai đoạn Thanh Lam của những năm 18 đến 30 tuổi, cái thời chưa “phá phách”, đáng yêu, trong trẻo và đàn bà lắm. Giờ đối diện với một Lam bỏng cháy, nhiều khán giả yêu chị lại tìm về với hình bóng ngày cũ. Chị hiểu họ chứ?
- Tôi nghĩ rằng, mỗi một giai đoạn tôi đi qua đều có những giá trị riêng. Từ 18 đến 28 tuổi là những năm tháng đặc biệt. Lúc đó, mọi thứ với âm nhạc còn đang rất mới, và khi đi biểu diễn mục tiêu không phải lợi nhuận gì lớn lao, nhưng khán giả rất nhiệt huyết.
Khi lao động nghệ thuật (tôi gọi là lao động, đối với những nghệ sĩ đích thực), với sự tự trọng của mình, ai cũng muốn vượt lên, không ai muốn mình tụt hậu. Nếu tụt hậu, thì bản thân người nghệ sĩ tự trọng cũng sẽ không muốn làm nữa.
Bao nhiêu năm qua tôi đi tìm sự thành công của một Thanh Lam trong đời thường và tôi nhận thấy rằng, để thành công như trên sân khấu, cũng phải có lửa trong đó. Bỏ lớp áo nghệ thuật để về làm những điều bình dị của một phụ nữ bình thường, mới thấy thời gian và cuộc sống thật đáng quý.
Hồi xưa tôi hát không hay bằng bây giờ vì bây giờ tiếng hát đi vào chiều sâu của sự cảm nhận, có những ẩn ý về triết lý sống, những thăng trầm của cuộc đời, những vui buồn được mất, khổ đau.
Tuy nhiên, nếu để tôi lấy lại được nét trong trẻo hay nhẹ nhõm như ngày xưa cũng khó. Nhưng Thanh Lam ở bất cứ giai đoạn nào, dù mang những sắc màu gì thì vẫn là Lam: chân thực và cháy hết mình. Cũng có thể, khán giả thường nghe ca sĩ bằng những rung cảm lẫn những định kiến.
Định kiến không hẳn đến từ cách hát, mà nhiều khi đến từ những sự “chưa khéo” của chị nữa, phải không nhỉ?
- Nếu tôi khôn khéo theo cách của mọi người muốn, và cũng có thể nếu tôi chịu để ý, tôi sẽ làm được. Nhưng mọi chiêu trò chỉ dành cho những điều không thật, những thứ vô giá trị mà thôi.
Tôi sợ nhất trên đời là sự giả dối. Cho dù cái thật nó có cái thô ráp, mộc mạc, vụng về, gai góc, thì nó cũng đáng yêu gấp vạn lần sự giả dối dù trơn tru ngọt ngào. Tôi không có khả năng làm điều giả. Và không khuyến khích mọi người dùng “hàng giả”.
Tôi sống vừa với mình, đúng với mình, không làm gì để phải hổ thẹn. Cuộc sống có kiếp này, nghiệp kiếp trước, theo triết lý nhà Phật, nhưng với con người, thì kiếp này, ta cũng chỉ sống đúng có một lần trên đời. Tại sao mình không sống đúng là mình?
Lý lẽ đó, nhiều người vẫn dùng để bao biện cho những cảm xúc quá cá nhân, hoặc những cá tính thái quá…
Sống để mà phải bao biện, cũng là sống giả. Sống thật, cũng cần phân biệt, không vì thẳng thắn mà tôi cho phép mình thẳng một cách thô bạo. Với người văn minh, cái thật ở đây là sự trung thực được nuôi dưỡng bằng những gốc rễ văn hóa sống.
Quan trọng nhất của mọi giá trị sống chính là cảm xúc của mình trước đã. Mình phải hạnh phúc, phải dễ chịu, thì mình mới biết yêu thương và cho người khác hạnh phúc.
Tôi không thể giả dối để mang niềm vui cho người khác được. Thế nên, hãy sống đúng là mình, với cảm xúc của mình để ta có những cảm xúc thật, vui buồn thật, đau khổ thật, hạnh phúc thật.
Và trả giá, cũng rất thật?!
- Đúng vậy. Không có cái gì trong cuộc sống mà ta không phải trả giá hết. Cũng như không một thứ gì đến dễ dàng và ở lại dễ dàng cả. Chọn một cái áo không vừa với mình, sống lúc nào cũng phải với, phải gò, phải quay cuồng, trăn trở, vật lộn với những ảo ảnh của đời sống. Nó không là vinh quang, cũng không là hạnh phúc đích thực. Đi qua mọi điều để thực hiện được hoài bão, thật đáng chứ, phải không?
Cũng đáng. Nhưng trả khá nhiều “lộ phí” cho hành trình sống vì hoài bão, cái cuối cùng mà chị muốn nhận, đó là điều gì?
-Những giá trị thật của cuộc sống. Giá trị thật của tôi là những cảm xúc thật, lao động thật, cống hiến thật và yêu thương thật. Để được nhận thì bạn phải “cho” thôi. Cho ở đây không có nghĩa chỉ ở sự bao dung, mà còn cả những mất mát mà bạn biết trước sẽ phải có, để thẳng thắn đối diện với bản thân.
Tôi không phải là người nổi loạn mặc dù người ta nhìn thấy tôi là muốn gán cho hai chữ đó. Từ nhỏ, tôi là một người con ngoan. Điểm yếu nhất của tôi là si tình. Khi yêu, nếu gặp phải một tình yêu đúng thì tôi sẽ đi đúng hướng.
Ưu điểm của tôi là sự nhạy cảm, nó là điểm mạnh trong nghệ thuật nhưng lại là yếu điểm trong tình yêu, nó khiến tôi thành một người phụ nữ yếu đuối. Và đúng, trong đời tôi, tình yêu mới khiến tôi đi sai hướng và làm nên những biến động của cuộc đời mình.
Kẻ si tình thường chiều chuộng sự mất mát của mình bằng một lập luận duy nhất: tình yêu có lý lẽ riêng.
- Tôi không thả trôi mình theo cảm xúc, mà là chọn cách đối diện. Nên dù có yếu đuối, có đau khổ tôi vẫn là người rất vững vàng. Hồi trẻ, tôi làm những điều táo bạo, dám đối đầu nhưng cuối cùng nhận ra nỗi đau là có thật và không ai có thể mạnh mẽ trước nó được.
Tôi gặp những sóng gió tình cảm, người ta nghĩ là không may nhưng tôi lại nhìn theo hướng tích cực rằng, đó chính là những thử thách của cuộc sống để mình trưởng thành hơn trong cuộc sống. Tôi biết trân quý hơn những giá trị mình có và đã nạp được rất nhiều dữ kiện, cảm xúc sống để sống hay hơn.
Hồi bố chị chưa mất, có lần tôi may mắn được cụ tâm sự: “Lam trông vậy nhưng lại rất khát khao một cuộc sống bình thường, mà số phận lại lái theo những chặng đời không bình thường…”
- Đó là cái khác giữa tôi và bố mẹ. Làm sao tôi không có cuộc sống bình thường được? Nếu ta chịu lắng nghe mình và cuộc sống, thì vui buồn hay đau khổ, hạnh phúc thì đều là những trạng thái bình thường đấy chứ. Vui quá, sung sướng quá hoặc cứ chìm ngập trong u buồn năm này qua tháng khác mà không có lối thoát mới là bất ổn, bất bình thường.
Nếu tôi không có cuộc sống bình thường thì làm sao tôi giữ được phong độ trong sự nghiệp trước những đào thải khắt khe của thị trường? Ba tôi suy nghĩ về tôi bằng cuộc sống mà ông đang có, bằng sự che chở, bằng những chuẩn giá trị của thế hệ trước.
Thực ra, những giá trị đó có cũ bao giờ đâu!
- Đúng. Nhưng bây giờ cuộc sống là một guồng chảy mạnh. Thế hệ ba mẹ dù cuộc sống có nhiều khó khăn, có thể trải qua xa cách bởi chiến tranh nhưng không chịu nhiều va đập như chúng tôi.
Dĩ nhiên, những gì đẹp nhất, giản dị nhất trong cuộc sống và tình yêu của ba mẹ tôi rất ngưỡng mộ. Tôi rất mê cảnh hai người già đi bên nhau, ông thì chống gậy, bà trễ nãi đi bên cạnh. Họ nhìn nhau một cách thân thuộc như không thể thiếu nhau như đôi tay, đôi chân, đôi mắt.
Hỏi tôi có muốn đạt một đích đến như vậy không, tôi muốn lắm chứ. Nếu tôi bình thường quá thì khó có thể có một Thanh Lam như bao năm qua trên sân khấu. Nhưng, nếu tôi bất bình thường, thì chắc chắn tôi cũng không thể ổn định được mọi mặt trong cuộc sống như bây giờ.
Tôi có lỗi với con
Sống bình thường theo lý lẽ của chị, nó có phần khác với việc trân trọng, và làm những điều bình dị, đơn giản trong cuộc sống?
- 5-6 năm nay tôi mới có cảm giác yêu quý và trân trọng những điều này. Lắng lại và đặc biệt là ý thức về sự cho và nhận, biết sống tâm linh hơn (không phải dị đoan), tôi mới thực sự thấy mình bình yên.
Đến một thời điểm nào đó với những chín muồi trong cảm xúc (có buồn vui và tổn thương), phụ nữ mới nhìn thấu mình. Có thể tôi hơi “ngược đãi” đời mình, nhưng nó không hề vô nghĩa. Nó là một hành trình để đi đến tôi của ngày hôm nay, biết trân trọng sự yên bình hơn.
Tuy nhiên, nếu để nhìn thẳng vào điều này, tôi trách mình ở chỗ, lẽ ra mình nên biết ngộ ra sớm hơn, thì tôi sẽ biết quý hơn tuổi trẻ của mình.
Vậy công thức “bình thường giản dị” trong cuộc sống của Thanh Lam bây giờ là như thế nào?
Là muốn cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi có ba con, một cháu giờ đang học thiết kế nội thất ở Úc, và hai đang theo học nhạc. Ở góc độ là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác, chắc chắn tôi có lỗi với con cái.
Bởi vì, nghề nghiệp không phải lúc nào cũng cho tôi một sự ổn định để dành thời gian cho con. Tôi luôn cố gắng để làm tròn bổn phận của người mẹ và là một người mẹ hết sức bình thường của những đứa con nhỏ bé. Và phải nỗ lực.
Phụ nữ thường dạy nhau những thủ thuật trong tình yêu nhưng tôi thấy điều đó không cần thiết. Ra xã hội mình đã phải chịu đựng biết bao nhiêu va đập, không phải ai cũng được nhìn thấy đời sống thực của mình, vậy thì hãy tha cho trái tim và đừng màu mè hay diễn trò với tình yêu nữa.
Sau những danh tiếng, tôi cũng mong mình là một phụ nữ bình thường, nấu cho chồng con một bữa ăn ngon. Bỏ lớp áo nghệ thuật để về khoác tấm áo tơ lụa của người phụ nữ gia đình, làm những điều bình dị của một phụ nữ bình thường, mới thấy thời gian và cuộc sống thật đáng quý. Tạo nên được những điều ấm cúng, là sự thành công trong đời sống.
Bao nhiêu năm qua tôi đi tìm những sự thành công của một Thanh Lam trong đời thường và tôi nhận thấy rằng, để thành công như trên sân khấu, cũng phải có lửa trong đó. Nấu một bữa ăn, bạn cũng phải có sự đam mê, sự đắm đuối mà quan trọng nhất, bạn phải biết bạn đang nấu cho ai ăn nữa.
Có dễ tin không, rằng Thanh Lam thích vào bếp nấu cho mọi người ăn?
- Tôi khá đảm đang đấy. Và luôn sắp xếp để gia đình có những bữa ăn vui. Khi cuộc sống còn nghèo thì bữa ăn quan trọng lắm. Thèm ăn thèm uống. Nhưng bây giờ, nó là một sự chia sẻ, một buổi giao lưu về tinh thần.
Khi còn nghèo bữa ăn quan trọng, nhưng giàu lên nó lại càng quan trọng chứ. Bởi vì giờ người ta mất nhau cũng chỉ vì để bếp nguội lửa và không còn nhiều phụ nữ chịu vào bếp nấu nướng cho gia đình trừ… người giúp việc!
Nhắc đến đây tôi cũng nói với bạn là, nhà tôi không có người giúp việc, vì tất cả những việc vặt tôi đều tự làm. Tôi luôn cố gắng để nạp thêm những dữ kiện mới của cuộc sống. Người phụ nữ khi tân tiến trong suy nghĩ, thì cũng phải có những lối sống, quyết định phù hợp, đúng đắn với xã hội mình đang sống.
Nhưng về trong gia đình, tôi luôn cố gắng làm những điều bình thường. Lên sân khấu hay vào bếp, bạn cũng phải có sự yêu đối với những người mà mình hướng tới. Ngừng yêu, bạn làm điều gì cũng nhạt nhẽo. Mà Lam thì không bao giờ ngừng yêu.
Nhưng yêu đã thực sự trọn vẹn hay chưa, thì… chưa chắc?
- Hồi còn trẻ, tôi từng yêu người khác hơn bản thân tôi. Có những lúc, đúng hơn là nhiều lúc, tôi không còn sống cho bản thân tôi mà tôi sống cho tình yêu của tôi. Như thế không phải là đúng.
Vì nếu sống vậy, mình sẽ phải tổn thương nhiều khi nhận những giá đắt cho các lựa chọn. Và rồi tôi nhận ra, mình phải công bằng với chính mình, tức là khi yêu ai cũng phải có sự tương tác. Vì nếu mình yêu người ta hơn yêu bản thân mình thì tình yêu đó cũng không phát triển bình thường được.
Là chị một thời ư - yêu người khác hơn yêu bản thân? Thế là người ta đã đổ oan cho chị, rằng một người đàn bà giàu năng lượng như chị, thường chỉ biết đến cảm xúc của mình mà không quan tâm lắm đến cảm xúc của người yêu mình?
- Điều mà tôi thấy mình lạc hậu chính là sự không yêu bản thân mình lắm - trước đây. Hay đúng hơn, đôi khi tôi đã không quý trọng những điều bình thường hiện hữu của mình, để yêu một cách đau đớn. Và rồi tôi nhận thấy, mọi thăng trầm bể dâu thường bắt đầu bằng chính bản thân mình.
Khi tôi đi những chuyến du lịch Phật giáo, tôi mới hiểu được một phần nào đó, những điều mình đang có bây giờ, cũng là sự tu tập của rất nhiều kiếp trước mình đã được nhận. Sự khỏe mạnh, trí tuệ sáng, thuận lợi trong sự nghiệp và được làm những điều mình thích, sống với những cảm xúc thật là những may mắn không phải ai cũng có. Thế nên, tôi đã biết trân trọng hơn những điều mình có chứ không lãng phí hoặc ngược đãi nó như trước đây.
Thiêu cháy và sưởi ấm
Người ta thấy Thanh Lam ở mỗi thời điểm thường có mỗi chân dung khác nhau. Nhưng một chân dung không bao giờ khác được, đó là một ngọn lửa. Mà đã là lửa, thì hoặc sưởi ấm cho người khác, hoặc có thể thiêu đốt người ta.
- Tôi là một người đàn bà vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Sự yếu đuối, nữ tính của mình là sự sưởi ấm. Nhưng sự mạnh mẽ là một ngọn lửa có thể đốt cháy một điều gì đó. Mà sự đốt cháy nhiều nhất, là đốt cháy chính nó.
Nhưng đốt cả đời, thì lãng phí lắm!
- Không có gì lãng phí cả. Hạnh phúc lắm khi được là một ngọn lửa luôn cháy.
Thế nên, Lam trên sân khấu, nóng quá nên khó gần với khán giả (đôi lúc). Còn Lam trong đời thường, nóng quá, sẽ đẩy xa mọi người vì: lại gần tôi, bạn sẽ chết cháy?
- (Cười). Và cuối cùng thì có đốt được ai đâu? Nói vậy thôi chứ tôi trong đời thường giản dị lắm. Tôi cảm ơn cuộc sống, vì sau một quãng đời rực cháy với những yêu thương nhen nhóm, ngọn lửa đó vẫn đủ sức làm ấm mình và những người tôi thương yêu chứ không phải xóa dấu tất cả bằng sự đốt của nó.
Quốc Trung vẫn ở lại với tôi như những người bạn dù không còn duyên vợ chồng, mà người bạn đó đã chấp nhận tôi hiện hữu như những gì tôi có. Và người đàn ông hiện tại, cho tôi được là Lam bình dị hơn.
Bạn bè tôi cũng vậy, dù không nhiều, nhưng đã yêu tôi đúng như tôi có, quý tôi đúng như tôi có, bằng những giản dị và chân thành chứ không màu mè khéo léo giả tạo. Mà thói đời thì thường là, người ta chỉ yêu một người khác theo yêu cầu của họ, hơn là yêu những thứ mà cái người đối diện với họ có.
Vậy Người đàn bà yêu của hôm nay hẳn khác Người đàn bà yêu của ngày trước nhiều lắm?
- Hồi trẻ, tình yêu chiếm 80% đời sống của tôi. Giờ thì tôi biết chế ngự những khoảnh khắc của đời sống và cảm nhận được nhiều điều mà không chỉ có tình yêu với người đàn ông thì mới là tình yêu. Tình yêu giờ đây nó phải đặt đúng giá trị của riêng nó, có góc riêng và chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá trị đời sống mà tôi đang sống chứ không phải sự quyết định toàn bộ. Tất nhiên, nó vẫn là cái dây cương làm cho tôi cân bằng.
Một cái dây cương không thể cân bằng con ngựa, nếu như không có người cầm cương giỏi?
- Đàn bà ngoài 40, phải dùng chính sự bình yên để kiểm soát mọi thứ, mà nhất là kiểm soát tình yêu. Người đàn ông tôi yêu và yêu tôi ở thời nào thì cũng phải yêu quý, trân trọng và chấp nhận được con người tôi như tôi có.
Trong tình yêu, tôi giản dị lắm. Phụ nữ thường dạy nhau những thủ thuật trong tình yêu nhưng tôi thấy điều đó không cần thiết. Ra xã hội mình đã phải chịu đựng biết bao nhiêu va đập, không phải ai cũng được nhìn thấy đời sống thực của mình, vậy thì hãy tha cho trái tim và đừng màu mè hay diễn trò với tình yêu nữa. Hãy sống thật với nhau, và hãy quý sự trung thực ở nhau.
Nhiều cặp vợ chồng cứ ngọt ngào với nhau nhưng chắc gì đã sống với nhau một cách trung thực? Cho dù khi chia tay một ai đó rồi, tôi vẫn giữ được những giá trị đẹp của mình trong con mắt và trái tim của những người đã từng yêu tôi.
- Khi mất mát, người ta ít đọng lại những chân dung đẹp về nhau, thậm chí là hơn thua lời lẽ hay thù hận. Chắc chắn đấy. Đừng hành hạ nhau khi tình cảm không còn. Sống hết mình rồi, thì ra đi cũng phải đi cho nhẹ chứ! Nặng nề làm gì, lại thấy xấu mình hơn.
Đó là công thức dành cho cả hai người đã hết yêu. Chứ nếu một người dứt, một người còn tình cảm, thì đau hay gào thét cũng là điều dễ hiểu mà?
- Tôi biết chứ. Con người mà, chẳng ai có thể ép mình phải thế này hay thế khác, và cũng có những điều tốt xấu - mà điều này thì vốn dĩ rất dễ bộc lộ khi tình yêu không còn. Nhưng, hãy sống tốt với tình yêu của mình. Tôi đã cố gắng dùng văn hóa của mình cũng như những giá trị của tình yêu, để giảm thiểu những cái xấu chẳng may nó trồi lên.
Nhưng với một người bình thường mà không phải Thanh Lam, nhất là khi người ta không trẻ bằng, đẹp bằng, cũng có thể không nổi tiếng bằng, thì họ sẽ hành động khác chị chứ?
Ngoài cuộc sống nghệ thuật, tôi bình thường hơn cả những gì bình thường. Và đương nhiên, cũng phải biết cách giữ tình yêu của mình như một người phụ nữ bình thường. Sự cư xử khác nhau không phải do bề ngoài hay danh tiếng, mà là văn hóa sống và văn hóa yêu.
Khi quyến rũ một người đàn ông, đừng lấy lý do rằng tôi là một nghệ sĩ hay là nổi tiếng này nọ, mà hãy là từ những điều bình thường nhất. Tuy nhiên, nếu người đàn ông trân quý những lao động nghệ thuật của tôi, thì đó chỉ là yếu tố cộng thêm. Nếu người đàn ông chỉ yêu những điều bình thường ở tôi mà không quan tâm đến nghệ thuật, thì cái mà tôi cần đó phải là một người đàn bà giản dị của đời thường.
Nếu là một phụ nữ bình thường, thì cũng sẽ phải đối diện với những nỗi lo bình thường của phụ nữ, như là: cái tuổi đuổi cái xuân, cái tuổi đuổi… ông chồng, chứ nhỉ?
- Tất nhiên, người ta vẫn bảo “gái có thì”, chẳng đỡ nổi guồng quay của thời gian đâu. Nhưng đừng bi kịch hóa về phụ nữ như vậy. Họ sinh ra đâu phải chỉ để giữ chồng. Họ còn làm việc, còn tạo ra bao giá trị khác mà đàn ông phải hiểu điều này.
Phụ nữ ở mỗi lứa tuổi đều có những cái đẹp riêng. Nhất là những người phụ nữ có trí tuệ, khi họ già đi, họ vẫn giữ được cái thần thái của họ. Vẻ đẹp ở đây không còn là những đường nét mà là cái hồn, cái thần sắc, thì vẻ đẹp ấy vẫn có cái quyền lực của nó.
Khi trẻ, vẻ đẹp trong trẻo thì về già, vẻ đẹp của tinh thần, vẻ đẹp của quyền lực. Những lo toan thái quá nhiều khi biến phụ nữ mất đi cái quyền lực này. Quyền lực ở đây là một giá trị, của sự thành đạt, của sự an lạc, chứ không phải là sự phong tỏa hay chiếm đoạt. Sự quyến rũ của người phụ nữ có trí tuệ, có tâm hồn đẹp, luôn tỏa sáng.
Trời ơi, đàn ông giờ yêu bằng mắt nhiều hơn, đâu có nhiều phụ nữ may mắn gặp được người đàn ông yêu vẻ đẹp tâm hồn ở những “bà già” đâu chị!
- Tuổi tác đâu quan trọng bằng sự quyến rũ đàn bà, nó là thứ vượt qua mọi tuổi tác. Vấn đề là, nếu người đàn ông nào chưa yêu phụ nữ bằng vẻ đẹp tâm hồn họ thì đó vẫn chưa thể được gọi là biết yêu.
....
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!