ĐỔI MỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT

Các cơ quan xây dựng, ban hành văn bản pháp luật phải chịu trách nhiệm đến cùng theo đúng chức năng, nhiệm vụ

(PLVN) - Xây dựng và hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là khâu “đột phá của đột phá”. Để thể chế hóa chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã xem xét thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi) với những điểm mới rất mạnh mẽ. Trong đó, có đổi mới hết sức quan trọng về quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã có những đổi mới rất mạnh mẽ. (Ảnh: Phạm Thắng)
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã có những đổi mới rất mạnh mẽ. (Ảnh: Phạm Thắng)

Quy trình lập pháp theo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) 2025 đã được thay đổi theo hướng cơ quan trình chủ động xây dựng, trình dự án ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Trường hợp sau khi xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng dự án luật đã được chuẩn bị kỹ, có chất lượng tốt, có thể trình QH xem xét, thông qua tại một kỳ họp QH thì mới sắp xếp đưa vào chương trình kỳ họp; trường hợp dự án còn nhiều vấn đề, chưa đạt yêu cầu để trình QH thông qua thì chưa đưa vào chương trình kỳ họp để các cơ quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.

Đối với dự thảo luật, nghị quyết dự kiến được thông qua tại một kỳ họp nhưng chưa được thông qua thì theo đề nghị của UBTVQH, QH sẽ xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình QH thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.

Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) đã thiết kế cụ thể trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại các Điều 39, 40, 41 theo quy trình tại một kỳ họp và kỳ họp tiếp theo, bảo đảm chặt chẽ. Việc đổi mới theo hướng này nhằm bảo đảm chất lượng của việc soạn thảo các dự án trình QH, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề chịu trách nhiệm đến cùng của cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tại buổi họp báo sau khi kết thúc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Ngô Trung Thành nhấn mạnh, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, QH đã xem xét thông qua Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) với những điểm mới rất mạnh mẽ.

Đối với quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL, trong đó trọng tâm là quy trình xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của QH thì quy trình này có đổi mới hết sức quan trọng so với hiện nay. Đó là các cơ quan có liên quan, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, phải chịu trách nhiệm đến cùng trong quy trình xây dựng và ban hành luật. Cụ thể, đối với cơ quan trình dự án luật, dự thảo nghị quyết, đặc biệt là đối với Chính phủ, sẽ chịu trách nhiệm đến cùng về chính sách, dự án do mình trình, thuyết trình trước QH và bảo vệ trước QH các nội dung được trình; đồng thời, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình QH thông qua.

Về vai trò của các cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng nêu rõ, trước đây theo quy trình cũ, sau khi dự án luật, dự thảo nghị quyết được trình ra QH, cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan trình nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.

Còn theo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) vừa được QH thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết do cơ quan trình chịu trách nhiệm. Cơ quan thẩm tra bên cạnh thực hiện độc lập trách nhiệm thẩm tra để báo cáo UBTVQH và QH thì sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan trình nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sau khi được QH, UBTVQH cho ý kiến.

Sau khi cơ quan trình có báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo UBTVQH về nội dung này, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục có ý kiến phản biện về những nội dung được dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý để nâng cao hơn nữa chất lượng các nội dung tiếp thu, giải trình.

Theo Phó Chủ nhiệm Ngô Trung Thành, đây là quy định xây dựng và ban hành luật tại một kỳ họp. Quy trình hai kỳ họp cũng tương tự, tại kỳ họp tiếp theo - trước khi trình ra QH thông qua, cơ quan trình báo cáo tiếp thu, giải trình, cơ quan thẩm tra báo cáo ý kiến của mình trình UBTVQH xem xét, có ý kiến để cơ quan trình tiếp thu, chỉnh lý trình QH. Với những đổi mới này, các cơ quan có liên quan sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, “tròn vai” của mình, nâng cao chất lượng văn bản trình QH xem xét thông qua.

Đọc thêm