Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, tính đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh hiện có 5.311 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký, trong đó có 5.003 tàu cá được cấp Giấy phép khai thác thủy sản, chiếm 94,20%, tăng thêm 3,91% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng thêm 10,20% so với thời điểm đầu năm 2023.
|
Quang cảnh buổi làm việc về tình hình chống khai thác IUU tại Bình Định. |
Thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU tại địa phương. Trong đó, đã tổ chức 11 cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng 05 Đoàn công tác để đánh giá, rút kinh nghiệm và có thông báo chỉ đạo cho các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai các biện pháp mạnh, các giải pháp cấp bách về khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu EC; thực hiện rà soát danh sách 455 tàu cá của tỉnh Bình Định thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương cũng như ký kết Quy chế phối hợp quản lý tàu cá riêng với các tỉnh phía Nam là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận và Quy chế phối hợp quản lý tàu cá chung với 10 tỉnh Miền Trung (từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa).
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, tỉnh thường xuyên cử đoàn công tác liên ngành vào làm việc với các tỉnh phía nam nhằm tăng cường phối hợp, tuyên truyền trực tiếp đến người dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía nam hằng năm không đưa tàu về địa phương cũng như ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đến nay hầu hết ngư dân Bình Định cơ bản tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn Luật cũng như triển khai các giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn. Hầu hết các chủ tàu và thuyền trưởng đều thực hiện báo cáo trước 1 giờ khi tàu cập, rời cảng, ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản đầy đủ, luôn bật thiết bị giám sát hành trình trong quá trình tàu hoạt động trên biển; tuân thủ sự điều động của Ban Quản lý cảng cá các tỉnh.
|
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng có đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Cục Kiểm ngư cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển; xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước; sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT để tỉnh Bình Định giải quyết, xử lý dứt điểm tàu cá chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến, giới thiệu các doanh nghiệp có năng lực đầu tư công nghệ cao để phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao những nỗ lực, quyết liệt của tỉnh Bình Định trong việc chỉ đạo, điều hành để chống khai thác IUU.
Ghi nhận những ý kiến chia sẻ, kiến nghị của doanh nghiệp, ngư dân tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh Bộ, ngành, Chính phủ đang có những chủ trương, chính sách, đề án để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, tránh khai thác tận diệt. Ông cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và ngư dân cùng chung tay, tham gia hành động để sớm gỡ thẻ vàng của EC với ngành thủy sản Việt Nam.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan |
Trước đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi đi thực tế, gặp gỡ và nghe các doanh nghiệp, điểm thu mua thủy hải sản và ngư dân tại cảng cá Đề Gi (thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ với bà con về những khó khăn, rủi ro trong khai thác, đánh bắt hiện nay, đồng thời mong muốn mọi người cùng hành động không phải chỉ để ngăn chặn đánh bắt thủy sản trái phép, không đúng quy định, để gỡ thẻ vàng mà quan trọng còn vì thế hệ mai sau, vì phát triển bền vững.