Các nhà trường Quân đội: Chú trọng đào tạo các chuyên ngành sâu, mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày qua, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã có nhiều buổi làm việc với các nhà trường, học viện trong Quân đội.
Các nhà trường Quân đội: Chú trọng đào tạo các chuyên ngành sâu, mũi nhọn

Để đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, các nhà trường đã tích cực cụ thể hóa phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

Triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2021 - 2030”, các nhà trường đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; hướng tới môi trường văn hóa, giáo dục và đào tạo chuẩn mực, lành mạnh, “mẫu mực, tiêu biểu”.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện học tập, công tác, sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ; quản lý chặt chẽ các dự án, công trình được triển khai đầu tư, xây dựng bảo đảm chất lượng.

Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh; quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ, tuyển chọn cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức; tích cực triển khai kế hoạch nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên.

Năm 2022, Học viện có 1 giảng viên được công nhận giảng viên cao cấp, 6 giảng viên chính, 58 giảng viên; có 24 người được nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở, 3 người nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng.

Đến nay, Học viện PK-KQ đã xét duyệt, thông qua 62/62 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2023 của cán bộ, giảng viên và 49/49 đề tài nghiên cứu khoa học của học viên.

Đặc biệt, vừa qua, Học viện đã phục vụ tốt cho Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam phúc tra kết quả đào tạo học viên phân đội tốt nghiệp năm 2022, kết quả đạt và vượt so với Học viện tự đánh giá.

Trong năm 2022, Học viện Quân y có 5 nhà giáo được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng, 3 nhà giáo được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ngoài ra, Học viện đã hoàn thành tự đánh giá chất lượng trường giai đoạn 2017 - 2022; tổ chức khám bệnh cho 743.223 lượt người, thu dung, điều trị cho hơn 68.000 lượt người bệnh, phẫu thuật trên 25.000 ca, ghép thận 209 cặp, hỗ trợ sinh sản được gần 4.000 ca…

Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất

Thiếu tướng Lê Minh Thái, Phó GĐ Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho biết, năm qua, Học viện đã triển khai rà soát, điều chỉnh 41 chương trình đào tạo hệ kỹ sư quân sự từ 5,5 năm xuống 5 năm, 29 chuyên ngành thạc sĩ và 23 chuyên ngành tiến sĩ; xây dựng và gửi xin ý kiến các đơn vị trong toàn quân về chuẩn đầu ra 41 chương trình đào tạo kỹ sự quân sự, 55 chương trình đào tạo thạc sĩ, 23 chương trình đào tạo tiến sĩ và 2 chương trình đào tạo theo chức vụ.

Học viện đã chủ động phối hợp, xây dựng các chương trình đào tạo chỉ huy tham mưu kỹ thuật - hậu cần theo hướng tách thành 2 đối tượng đào tạo; bổ sung kiến thức về hậu cần nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số phục vụ nhiệm vụ đào tạo.

Qua kiểm tra tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lưu ý, Học viện cần tích cực hơn nữa trong đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, đẩy mạnh công tác KH&CN; nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình, đề án, dự án, đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công tác biên soạn tài liệu huấn luyện, giáo trình dạy học; khẩn trương hoàn thành các đề tài, nhiệm vụ trọng điểm.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật bảo đảm sát thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của bộ đội. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo; triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục, đào tạo để bảo đảm “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”.

Tổng kết năm 2022, Học viện Hậu cần được Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua… Làm việc tại Học viện Hậu cần, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Học viện cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và các hoạt động của Học viện.

“Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; huấn luyện, đào tạo học viên có chuyên môn sâu, nắm chắc pháp luật, giỏi ngoại ngữ, tin học, rèn luyện kỷ luật nghiêm, đặc biệt là trau dồi phẩm chất đạo đức, bảo đảm cho học viên về đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ”, phát biểu tại Học viện Biên phòng, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam yêu cầu.

Cùng với đó, Học viện Biên phòng cần tiếp tục điều chỉnh, xây dựng chuẩn đầu ra 100% chương trình đào tạo; rà soát, bổ sung nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cho các đối tượng theo hướng tăng thời gian huấn luyện thực hành, tập bài; tích cực đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, tổ chức thi, chấm thi chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp có biểu hiện tiêu cực, bảo đảm dạy thực chất, học thực chất, đánh giá đúng thực chất kết quả của học viên.

Đọc thêm