Lan tỏa Ngày của Mẹ khắp châu Mỹ
Rất khó để khẳng định nguồn gốc ý tưởng về Ngày của Mẹ được khởi xướng từ ai, đến từ nước nào, từ bao giờ. Tuy nhiên, phiên bản khởi nguyên được nhắc tới nhiều nhất có lẽ đến từ xứ sở cờ hoa Hoa Kỳ.
Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận Ngày của Mẹ lần đầu tiên được gợi ý bởi nhà văn Julia Ward Howe vào năm 1872. Thời bấy giờ, bà Julia đã tổ chức các buổi kỉ niệm ngày này trong phạm vi các nhóm nhỏ lẻ ở thành phố Boston. Sau này, ngày lễ này được phổ biến rộng rãi hơn lại có phần đóng góp vô tình của bà Juliet Calhoun Blakely. Đó là vào ngày sinh nhật của bà (11/5/1877), con trai bà là mục sư Giáo hội đã nhường bục giảng cho mẹ mình và tại đây bà đã có một bài diễn thuyết đầy cảm hứng để kêu gọi sự tôn vinh những người mẹ khác. Hai người con trai của bà Blakely đã cảm thấy xúc động trước hành động của mẹ mình và lập lời thề hàng năm sẽ về quê nhà Albion (bang Michigan) để kỉ niệm sinh nhật của mẹ. Ngoài ra, chính họ cũng kêu gọi những người khác cùng tôn vinh những người mẹ vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm.
Nhưng việc ngày lễ này trở thành một ngày lễ quốc gia lại là một khác. Năm 1907, một giáo viên ở cố đô Philadelphia, gọi là Anna M. Jarvis, đã bắt đầu phong trào kêu gọi thiết lập Ngày của Mẹ trên toàn quốc để tôn vinh những người mẹ nói chung, dù họ còn sống hay đã qua đời. Những đóng góp khác của phong trào này bao gồm việc hỗ trợ chữa bệnh cho những nạn nhân sau cuộc nội chiến. Cô Jarvis và những người ủng hộ cô bắt đầu viết thư cho các bộ trưởng, nhà truyền giáo, doanh nhân và chính trị gia để đưa vận động đưa ý tưởng này thành sự thật. Đến năm 1911, Ngày của Mẹ đã lan rộng ra toàn quốc và được tổ chức ở hầu hết các bang tại Hoa Kỳ. Năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson tuyên bố ngày Chủ nhật thứ hai trong tháng 5 là ngày lễ quốc gia để tôn vinh những người mẹ.
|
Trong những năm qua, vào Ngày của Mẹ, người Mỹ có truyền thống tặng thiệp và tặng quà để tri ân. Theo nhiều thống kê, Ngày của Mẹ hiện là một trong những dịp mua bán thương mại nhộn nhịp nhất tại nước này. Đơn cử, Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, thực khách có xu hướng ăn tại các nhà hàng nhiều hơn trong Ngày của Mẹ. Còn Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia ước tính, trước dịch, người tiêu dùng có thể chi tới 21,2 tỷ USD trong ngày lễ này. Hiệp hội Thiệp quà cũng ước tính rằng hơn 150 triệu tấm thiệp được mua bán, trao đổi ở Mỹ mỗi năm trong Ngày của mẹ, khiến ngày lễ này trở thành ngày lễ thứ ba sau Giáng Sinh và Lễ Tình Nhân mà số lượng tiêu thụ thiệp quà tăng vọt.
Tại châu Mỹ, Mexico cũng là quốc gia tổ chức Ngày của Mẹ (Día de las Madres) từ sớm. Lần đầu tiên được ghi nhận vào ngày 10/5/1922 khi Rafael Alducin, một biên tập viên của tờ báo El Excelsior tại thành phố Mexico, đăng tải một bài báo kêu gọi sự ủng hộ việc kỷ niệm Ngày của mẹ trên khắp đất nước này. Thời điểm này, nhờ sự ảnh hưởng của nền văn hoá Mỹ, cộng thêm được hỗ trợ bởi một chiến dịch truyền thông và Nhà thờ Công giáo, ngày lễ đã nhanh chóng được phổ biến tới công chúng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, đông đảo. Sau đó, phong trào kỉ niệm Ngày của Mẹ đã lan rộng xuống phía Nam Mỹ đến các nước Mỹ Latinh khác.
Một nét đặc biệt trong phong tục của người Mexico là trẻ em, con cái thường có mặt tại nhà vào ngày trước Ngày của Mẹ. Sau đó, họ đánh thức mẹ vào ngày 10/5 bằng một bài hát truyền thống có tên “Las Mañanitas”. Mặt khác, cũng giống ở Mỹ, người Mexico cũng có thói quen gửi hoa, quà tặng và thiệp cho mẹ vào ngày 10/5. Đây được coi là một trong những ngày bận rộn nhất đối với các nhà hàng ở Mexico, nhiều doanh nghiệp cũng cho phép nhân viên nghỉ vào giữa trưa. Nếu ngày 10/5 rơi vào ngày trong tuần, các trường học thường tổ chức các hoạt động, trong đó các em học sinh sẽ biểu diễn hát tặng những người mẹ.
|
Điều ý nghĩa nhất đối với các bà mẹ trên thế giới là tấm lòng của con cái. |
Ngày của Mẹ trên khắp thế giới
Các quốc gia tại châu Mỹ không đơn độc trong việc dành riêng một ngày đặc biệt để tôn vinh những người mẹ. Đáng nói, nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới cũng tạo ra những đặc trưng riêng để bày tỏ lòng thành kính đối với tình mẫu tử, tuỳ theo truyền thống tôn giáo và bản sắc văn hoá của họ.
Ví như tại Anh, người Anh thường có truyền thống nấu cho mẹ của họ một chiếc bánh simnel vào Ngày của mẹ. Đây là một loại bánh trái cây thường được ăn vào ngày chủ nhật trong Mùa Chay (40 ngày trước lễ Phục sinh) trên khắp nước Anh. Bánh được làm từ bột mì, đường, bơ, trứng và trái cây khô với nhân và lớp phủ đều là bột hạnh nhân nướng. Đặc biệt bánh simnel được trang trí với 11 hoặc 12 miếng marzipan, đại diện cho 12 tông đồ của Chúa trừ Judas hoặc Chúa Jesus và 12 tông đồ trừ Judas. Đến nay, những món quà khác như hoa hoặc sôcôla đã phổ biến hơn.
Một bộ phận người Ấn Độ cũng kỷ niệm Ngày của Mẹ vào Chủ nhật thứ hai trong tháng Năm như phương Tây. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những người theo đạo Hindu ở quốc gia này lại tôn vinh nữ thần Durga, hay còn gọi là Mẹ thiêng liêng, vào tháng 10 - lễ hội “Durga Puga” kéo dài 10 ngày, kỷ niệm chiến thắng của cái thiện trước cái ác, được tượng trưng thông qua việc trao đổi quà tặng với gia đình và bạn bè.
Ngày lễ của Mẹ ở Ethiopia thường kéo dài ba ngày vào dịp trung thu, còn được gọi là lễ Antrosht. Trẻ em thường phụ giúp mẹ chuẩn bị các nguyên liệu như pho mát, thịt cừu, rau, bơ và gia vị để nấu một một món thịt băm truyền thống. Sau khi dùng bữa, theo nghi thức nơi này, các bà mẹ và con gái sẽ bôi bơ lên mặt nhau. Cả gia đình thường sum vầy cùng nhau suốt đêm với các hoạt động như ca hát, nhảy múa.
Người Peru cũng kỷ niệm Ngày của Mẹ vào ngày thứ hai trong tháng Năm, họ cũng thích tặng mẹ hoa, quà và thiệp trong ngày này. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ, các gia đình Peru thường tụ tập tại các nghĩa trang vào ngày này để tưởng niệm những người bà, mẹ, cô, dì, … đã qua đời. Người Peru thường giao lưu và thưởng thức ăn uống trước khi dọn dẹp các khu mộ và trang trí bằng bóng bay, trái tim và hoa.
|
Phiên bản Ngày của Mẹ của đảo quốc Nhật Bản có nhiều điểm giống với Hoa Kỳ. Các bà mẹ thường nhận được hoa cẩm chướng đỏ hoặc hoa hồng trong ngày này. Nhiều đứa con cũng sẽ vào bếp để nấu ăn cho mẹ. Ngoài ra, trẻ em Nhật Bản thường vẽ tranh về mẹ vào dịp này – truyền thống này bắt đầu tại các trường học từ những năm 1950. Sau đó, các em sẽ gửi bức ảnh về mẹ mình đến cuộc thi cấp trường, cấp khu vực. Thậm chí những bức tranh xuất sắc sẽ có cơ hội được trưng bày trong các phòng trưng bày quốc gia hoặc quốc tế.
Người Haiti kỷ niệm Ngày của Mẹ vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Năm. Lễ kỷ niệm bao gồm đến các buổi lễ tại nhà thờ, cầu nguyện và nghe các bài hát tôn vinh sự hi sinh của các bà mẹ. Mỗi người đều mang theo một bông hoa để tỏ lòng thành kính với mẹ của mình. Nếu mẹ còn sống, người đó mang theo một bông hoa màu đỏ; còn nếu mẹ mới mất gần đây, họ đem theo bông hoa màu trắng; nếu mẹ đã mất nhiều năm trước, họ đem theo một bông hoa oải hương.
Người Pháp cũng đón Ngày của Mẹ vào Chủ nhật thứ tư của tháng Năm, trừ khi Chủ nhật thứ tư của tháng Năm trùng với Lễ Ngũ tuần – khi điều này xảy ra, lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ sẽ bị trì hoãn một tuần. Được biết, chính Napoléon Đại Đế là người đầu tiên tại Pháp tuyên bố cần có một ngày đặc biệt để tôn vinh các bà mẹ của các gia đình quý tộc và hoàng gia vào năm 1806. Tuy nhiên, đến năm 1950, Ngày của Mẹ mới chính thức trở thành một ngày lễ quốc gia. Kể từ khi được thiết lập, các truyền thống trong ngày này ở Pháp cũng giống với Hoa Kỳ, đơn cử con cái sẽ nấu ăn cho mẹ hoặc tặng những món quà như hoa, sôcôla…
Trong một thế kỷ qua, Ngày của Mẹ ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới. Dù cách thức các quốc gia kỷ niệm ngày này có thể có phần giống hoặc khác nhau, nhưng tựu trung lại tất cả đều mang ý nghĩa tri ân, tôn vinh những người mẹ trên cuộc đời này. Trong Ngày của Mẹ, hầu hết các bà mẹ trên khắp thế giới đều được hưởng những “ưu đãi” như không phải làm việc nhà, thư giãn bên gia đình, nhận những tấm thiệp tự làm, những món quà thủ công từ các con, … đó cũng là những điều có ý nghĩa nhất đối với họ.