Hội nghị FMM8 đã thông qua Tuyên bố Busan, khẳng định quyết tâm của tất cả các nước thành viên đưa Diễn đàn sang giai đoạn phát triển mới và ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai khu vực và tăng cường hợp tác hiệu quả và thực chất nhằm phục vụ cho lợi ích của tất cả các nước thành viên.
Tuyên bố Busan cũng đề cập các thách thức toàn cầu về kinh tế, an ninh và phát triển; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở hai khu vực, chú trọng thúc đẩy phát triển bền vững; nhấn mạnh coi trọng việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và hàng không, cũng như cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu khẳng định Việt Nam ủng hộ các biện pháp và kế hoạch hành động nhằm tăng cường thể chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của FEALAC; nhấn mạnh thời gian tới Diễn đàn cần ưu tiên tăng cường tính liên kết nội khối thông qua việc nâng cao trách nhiệm và cam kết của các nước thành viên, mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính - ngân hàng quốc tế và khu vực, cũng như gia tăng số lượng và quy mô các dự án ở tầm khu vực và liên khu vực, nhất là trong các lĩnh vực phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, đối phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước...
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Jorge Marcelo Faurie, Thứ trưởng Ngoại giao Colombia Patti Londonno Jaramillo, Thứ trưởng Ngoại giao Chile Edgardo Riveros Marín, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Jongmoon Choi, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Nakane Kazuyuki.
Tại các cuộc gặp, hai bên tập trung trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác song phương, nhất là việc thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm lẫn nhau ở các cấp/ngành, duy trì các cơ chế hợp tác đã thiết lập và tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho trao đổi hợp tác thông qua việc đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, nông nghiệp, văn hóa, khoa học - công nghệ và đào tạo.
Về hợp tác đa phương, các nước đều khẳng định mong muốn tiếp tục thắt chặt hơn nữa sự phối hợp và hợp tác với Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc.
Các nước cũng khẳng định ghi nhận và cam kết xem xét tích cực đối với các đề nghị ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và cương vị Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.