Các quốc gia hào hứng với 'Ngày hội ôm quốc tế'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều quốc gia trên thế giới có ngày hội ôm của riêng mình nhưng mục đích của những ngày hội này đều tương tự nhau. Đó là khuyến khích mọi người thể hiện cảm xúc và nghĩa cử yêu thương với nhau nhiều hơn.
Các quốc gia hào hứng với 'Ngày hội ôm quốc tế'

“Ngày hội ôm quốc gia” trên đất Mỹ

Một cái ôm có thể truyền tải rất nhiều điều mà ngôn từ không thể diễn tả hết được. Ôm cũng là một hình thức giao tiếp và nói lên rất nhiều điều về cách chúng ta cảm nhận về người khác. Nghĩa cử ôm có thể là biểu hiện của tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ. Dù là gia đình, người yêu, bạn bè, một cái ôm chứa đựng rất nhiều cảm xúc. Hàng năm, “Ngày hội ôm quốc tế” được tổ chức vào tháng 12 giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của những biểu hiện tình cảm trong cuộc sống của mọi người. Đặc biệt khi xã hội ngày càng phát triển hiện đại, công nghệ khiến con người ít tiếp xúc với nhau hơn, một hành động thể hiện cảm xúc, dù là rất nhỏ, cũng có thể góp phần thúc đẩy tâm trạng và các mối quan hệ theo hướng tích cực hơn.

Theo nhiều nghiên cứu tâm lý học, một cái ôm có thể giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường sức khoẻ tinh thần. Dù là một cái ôm thật chặt hay vừa phải, hành động này có thể truyền đi cảm giác được yêu thương và thân thiết. Ý nghĩa của những cái ôm rất đa dạng. Nhiều người ôm nhau khi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc của mình. Những cái ôm cũng trở nên cần thiết khi ai đó cảm thấy chán nản và cần sự an ủi. Ôm cũng là cử chỉ hoà giải hoàn hảo khi muốn làm lành với ai đó sau một cuộc cãi vã. Những cái ôm có tác dụng giải phóng các hormone tốt, có thể giúp giảm căng thẳng, thay thế nỗi sợ hãi và tăng thêm niềm hạnh phúc. Bởi vậy, phương pháp trị liệu ôm cho những người bị căng thẳng hoặc lo âu giúp họ ổn định cảm xúc. Một cái ôm tạo ra cảm giác rằng chúng ta không đơn độc và có người để dựa vào khi sợ hãi, từ đó nỗi sợ hãi được thế thế bằng cảm giác an toàn khi thuộc về một nơi nào đó. Thậm chí, có những nghiên cứu cho rằng, những cái ôm tạo cảm giác ấm áp, trìu mến cũng có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và giúp giữ cho trái tim khoẻ mạnh.

Một cái ôm có thể truyền tải rất nhiều điều mà ngôn từ chưa chắc diễn tả hết được. (Nguồn: Pixabay)

Một cái ôm có thể truyền tải rất nhiều điều mà ngôn từ chưa chắc diễn tả hết được. (Nguồn: Pixabay)

Chính vì những ý nghĩa đó, nhiều cộng đồng trên thế giới rất hào hứng hưởng ứng ngày hội đặc biệt này theo những cách khác nhau. Một số quốc gia có ngày hội ôm của riêng mình. Một trong những ngày ôm quốc gia nổi tiếng nhất trên thế giới phải kể đến xứ sở cờ hoa Hoa Kỳ, ngày lễ này rơi vào 21/1. Một số tài liệu cho biết, “Ngày ôm quốc gia” ở Hoa Kỳ được khởi xướng đầu tiên bởi mục sư Kevin Zaborney vào 21/1/1986.

Ý tưởng của vị này nhằm khuyến khích mọi người thể hiện tình cảm nhiều hơn qua những cái ôm. Đối tượng có thể là thành viên trong gia đình, bạn bè hay người lạ. Zaborney cho rằng, ôm giúp nâng cao tinh thần của mọi người bằng cách truyền tải tình cảm chân thành, ấm áp. Tuy nhiên, ông cũng khuyên mọi người nên hỏi sự đồng ý của đối tượng trước khi thực hiện hành động ôm nếu không muốn điều đó trở thành một hành vi khiếm nhã, vô cớ và thiếu chân thành. “Chúng ta thực sự cần sự tương tác tích cực giữa con người với nhau. Ôm là một cách an toàn để làm như vậy”, mục sư Kevin Zaborney trong một lần phỏng vấn với tờ The Christian Post đã chia sẻ lại.

Từ đó đến nay, “Ngày ôm quốc gia” vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm nhằm lan toả những tình cảm tích cực. Kỷ lục một người ôm nhiều nhất trong một giờ thuộc về Nick Vujicic. Anh đã ôm 1.749 người tại một trung tâm hội chợ ở Oregon vào năm 2010. Ngay cả trong đại dịch, ngày lễ này cũng được tổ chức nhưng không phải là những cái ôm thực sự bởi các quy định về giãn cách xã hội, mọi người gửi cho nhau những cái “ôm online”, kèm theo những lời động viên, hình ảnh tích cực để bày tỏ cảm xúc. Thời điểm dịch bệnh cũng là giai đoạn mọi người thực sự cần tới sự quan tâm lẫn nhau, dù nhỏ bé nhất.

Ngày nay, vấn đề sức khoẻ tâm thần ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội đất nước Hoa Kỳ. Một cuộc khảo sát gần đây trên 117 thành phố ở 36 tiểu bang đã nhấn mạnh một cuộc khủng hoảng sức khoẻ tâm thần đang tiến gần trên khắp đất nước. Kể từ sau đại dịch, số người dân rơi vào lo âu, căng thẳng, tồi tệ hơn nữa là trầm cảm tăng đột biến, khiến nhu cầu về dịch vụ sức khỏe tâm thần tăng lên đáng kể ở các thành phố. Trong khi đó, có rất ít thành phố trên đất Mỹ có đủ nguồn lực cần thiết để đáp ứng. Theo đó, “Ngày hội ôm quốc gia” cũng là một trong những hoạt động góp phần giảm toả căng thẳng tinh thần cho người dân. Ngày lễ này dù có một số điểm khác biệt với “Ngày hội ôm quốc tế” nhưng cả hai đều tương đồng ở mục đích khuyến khích sự bày tỏ cảm xúc và nghĩa cử tình cảm tích cực trong xã hội.

Những phiên bản khác

Nếu tìm kiếm thông tin về “Ngày hội ôm quốc tế”, “Ngày hội ôm” tại các quốc gia trên nền tảng Google, thì ngay lập tức sẽ hiện ra nhiều kết quả khác nhau. Một số quốc gia hưởng ứng “Ngày hội ôm quốc tế” vào tháng 12 nhưng cũng có một số quốc gia tổ chức “Ngày hội ôm” vào tháng 1 như Hoa Kỳ hoặc tháng 2, tháng 7.

Tại một số quốc gia như Ấn Độ, “Ngày hội ôm” cũng trùng với thời điểm của tuần lễ tình yêu Valentine vào tháng 2. Cùng với ý nghĩa khuyến khích mọi người bày tỏ tình yêu thương đến những người thân thương, người bạn đời, thì Ngày hội ôm khuyến khích một cộng đồng rộng lớn hơn trong xã hội bày tỏ tình cảm yêu mến lẫn nhau. Thậm chí, sự yêu mến này không chỉ giữa người và người, mà còn cả giữa người và động vật.

Trước đại dịch còn có nhiều phiên bản khác nhau của ngày lễ này. Đơn cử, “Chiến dịch ôm tự do” được khởi xướng vào năm 2004 bởi một chàng trai người Úc tên Juan Mann. Do cảm thấy quá cô đơn, mệt mỏi bởi cuộc sống, anh đã cầm tấm bảng có dòng chữ “Free hugs” và đứng trên đường phố Sydney hối hả để chờ một cái ôm. Sau thời gian dài kiên nhẫn chờ đợi mà không có ai ôm mình anh cuối cùng gặp một bà cụ, người đã kể cho anh nghe về cái chết của chú chó sáng nay và cô con gái đã mất sau một vụ tai nạn xe hơi. Sau đó, anh sụp người xuống và ôm chặt lấy bà cụ. Nhiều tháng sau đó, Juan Mann đã cho đi vô số cái ôm tự nguyện như thế, những cái ôm không phân biệt giới tính, tuổi tác.

Hoa Kỳ có “Ngày hội ôm quốc gia” để khuyến khích mọi người bày tỏ cảm xúc với nhau nhiều hơn. (Nguồn: Shutterstock)

Hoa Kỳ có “Ngày hội ôm quốc gia” để khuyến khích mọi người bày tỏ cảm xúc với nhau nhiều hơn. (Nguồn: Shutterstock)

Tháng 9/2006, một video về Mann được phát tán trên Youtube đã thu hút hơn 74 triệu lượt người quan tâm. Cử chỉ đẹp của Juan đã lan rộng khắp đất nước Úc rộng lớn, được lặp lại bởi nhiều tình nguyện viên tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch, chiến dịch này cũng vấp phải một số phản đối để tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Ngày nay, khi những quy định về giãn cách đã được dỡ bỏ, việc bày tỏ tình cảm yêu thương chân thành đến nhau qua những nghĩa cử đẹp lại được quan tâm nhiều hơn, bởi những giá trị tích cực mà hành động ấy đem lại, giúp xoa dịu những tổn thương, mất mát của các cộng đồng trên thế giới sau những năm dịch bệnh khó khăn.

Có thể thấy, dù ngày hội ôm của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia có bối cảnh ra đời, chủ đề và thời điểm tổ chức khác nhau, nhưng tựu trung lại, đây là dịp để mọi người rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện để kết nối mọi người gần nhau hơn. Đồng thời, đây cũng là cách để xã hội “hâm nóng” lại những cảm xúc tích cực, cách cư xử ấm áp giữa con người và con người, giúp mọi người nhận thức và thấu hiểu hơn về việc sẻ chia, lan rộng tình cảm trong cộng đồng.