Các quốc gia quyết liệt “trị” bạo lực học đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bạo lực học đường đang diễn ra tại khắp nơi trên thế giới, dưới nhiều hình thức khác nhau. Hầu hết các quốc gia đều nhìn nhận đây là một vấn nạn nghiêm trọng, đòi hỏi quyết tâm và hành động quyết liệt hơn từ tất cả các bên liên quan trong xã hội nhằm bảo đảm môi trường học đường lành mạnh, an toàn nhất cho trẻ em - những thế hệ tương lai của đất nước.
hương trình KiVa tăng cường sự gắn kết giữa các học sinh tại Phần Lan. (Ảnh: Kivinen)
hương trình KiVa tăng cường sự gắn kết giữa các học sinh tại Phần Lan. (Ảnh: Kivinen)

Trường học Phần Lan “nói không” với bạo lực

Vào năm 2018, Liên Hợp quốc đã từng công bố con số đáng báo động, cứ khoảng 1 trên 3 trẻ em trên toàn thế giới, tương đương với khoảng 130 triệu trẻ em, đã hoặc đang bị bắt nạt học đường. Nhiều nghiên cứu y học cũng nhấn mạnh rằng bạo lực học đường đang là một “vấn đề sức khoẻ cộng đồng nghiêm trọng” đối với giới trẻ, gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí tước đi sinh mệnh của rất nhiều trẻ em. Bởi vậy, hầu hết mọi quốc gia đều nhìn nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết và cố gắng giảm thiểu tình trạng bắt nạt nhằm tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh nhất.

Trong số những quốc gia tiêu biểu có thể kể tới Phần Lan với chương trình KiVa đã được thử nghiệm và đạt thành công rộng rãi trong việc chống lại bạo lực học đường tại các trường học. KiVa là viết tắt của “kiusaamista vastaan”, có nghĩa là “chống lại bạo lực học đường”, do giáo viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Turku đề xuất và khởi xướng, cùng với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Phần Lan.

Phương pháp KiVa được cho là hiệu quả vì nó đầu tư cho bốn trụ cột sau: tập trung vào lớp học, đẩy mạnh vai trò của nhân chứng, giúp nạn nhân tự bảo vệ, đa dạng cách ứng dụng. Điểm khác biệt của KiVa so với những chương trình chống bạo lực học đường khác chính là không chỉ đặt trọng tâm vào kẻ bắt nạt và nạn nhân, thay vào đó là xây dựng môi trường lớp học có nhận thức rõ ràng tác động của bạo lực, khuyến khích sự đoàn kết và văn hoá tẩy chay đối với bạo lực. Nhờ vậy, những người chứng kiến bạo lực hoặc có “vai trò nhân chứng” trong các tình huống bạo lực, có đủ kỹ năng, kiến thức và công cụ để hành động trong tình huống này, đồng thời can thiệp và hỗ trợ nạn nhân kịp thời.

Mặt khác, nạn nhân cũng được trang bị những kỹ năng để tự bảo vệ mình, tìm kiếm hỗ trợ từ người xung quanh, đặc biệt là không “tự đổ lỗi”, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc và hành vi cực đoan. Đáng nói, phòng chống và ứng phó với bạo lực học đường không chỉ giới hạn trong các bài học mà còn thông qua các trò chơi, dịch vụ hỗ trợ tâm lý, giáo dục cộng đồng, cùng với các biện pháp phòng tránh khác, giám sát và đánh giá hiệu quả thường xuyên.

Hiện nay, rất nhiều trường học tại Phần Lan đã áp dụng phương pháp KiVa và cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực với việc cải thiện sức khoẻ học đường, giúp ích cho nạn nhân, đồng thời phòng chống các hành vi bạo lực trong trường học. Phương pháp này cũng cho thấy dấu hiệu tích cực khi được áp dụng tại các nền giáo dục tương đồng, đơn cử như Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ “nói không” với văn hóa đổ lỗi

Một nghiên cứu năm 2018 do Chương trình Đánh giá Học sinh quốc tế (PISA) thực hiện cho thấy, Thụy Sĩ có tỷ lệ bắt nạt học đường cao hơn các quốc gia láng giềng. Cụ thể, cứ 10 trẻ ở Thụy Sĩ có một em là nạn nhân của bắt nạt học đường. Do vậy, nhiều trường học ở Thụy Sĩ đã đưa chương trình KiVa vào giảng dạy, trong đó có những tiết học về nhập vai trong các tình huống bạo lực.

Bạo lực học đường diễn ra ở khắp nơi với nhiều hình thức khác nhau. (Ảnh: UNICEF)

Bạo lực học đường diễn ra ở khắp nơi với nhiều hình thức khác nhau. (Ảnh: UNICEF)

Trong một tiết học nhập vai, học sinh sẽ lần lượt đóng vai là nạn nhân của các trò bắt nạt, thông qua việc nghe giáo viên liệt kê một số hành động về bắt nạt hoặc xem video tư liệu. Những học sinh khác có thể đứng lên bảo vệ bạn đóng vai nhưng hầu hết các em khá sợ sệt, lúng túng nên không đủ can đảm lên tiếng. Kết thúc bài tập, các em sẽ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình với giáo viên và cùng thảo luận để tìm ra những giải pháp ngăn chặn hành vi bắt nạt. Một nhà giáo dục tại Thụy Sĩ từng chia sẻ, thay vì trừng phạt học sinh bắt nạt bạn cùng lớp, chúng ta tìm kiếm sự đối thoại để khuyến khích học sinh lên tiếng, thay đổi nhận thức và hành vi. Phương pháp KiVa cũng khuyến khích các trường học xây dựng hộp thư ảo để học sinh gửi thư ẩn danh tố cáo hành vi bắt nạt. Theo đó, sự lên tiếng kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với nạn nhân, trách nhiệm của nhân chứng và sự bài trừ quyết liệt với hành vi bạo lực.

Ngoài KiVa, các trường học tại Thụy Sĩ cũng áp dụng nhiều phương pháp chống bắt nạt học đường khác như phương pháp “chia sẻ mối quan tâm”, phương pháp “tiếp cận không đổ lỗi”. Đặt hành vi bắt nạt là mối quan tâm chung của toàn trường. Từ sự chung tay của cộng đồng, hành vi này sẽ không còn “lẩn khuất” trong bóng tối, trở thành “bóng ma” tâm lý đối với nạn nhân.

Một mối quan tâm quan trọng khác của nền giáo dục là “không đổ lỗi”, dù là trẻ bắt nạt hay trẻ bị bắt nạt. Mục đích cuối cùng là một nền giáo dục lành mạnh, bình đẳng, nuôi dưỡng tình yêu thương, đoàn kết, do đó các phương pháp không nên đẩy đến hậu quả trẻ bắt nạt bị tẩy chay và trẻ bị bắt nạt phải cảm thấy xấu hổ dù mình là nạn nhân.

Bất bình đẳng trong trường học Mỹ

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rằng, chương trình KiVa có thể phát huy tác dụng tốt ở môi trường trong nước bởi lẽ nền giáo dục Phần Lan vốn đã vượt trội hơn hẳn so với thế giới so với phần đông các quốc gia khác trên thế giới. Hệ thống trường học Phần Lan thuộc loại tốt bậc nhất trên thế giới, theo một báo cáo năm 2015 của Tổ chức Phát triển Kinh tế và Hợp tác (OECD). Chính phủ Phần Lan không những cung cấp cơ hội học tập bình đẳng, miễn phí tới tất cả trẻ em có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khác nhau; mà còn rất coi trọng nghề giáo, xếp họ ngang hàng với bác sĩ, luật sư, cũng như trả lương xứng đáng cho họ.

Đài CNN (Mỹ) từng so sánh hai nền giáo dục ở Phần Lan và Hoa Kỳ khi áp dụng chương trình KiVa. Theo đó, nhiều nhà giáo dục tại Hoa Kỳ cho rằng, phương pháp có hiệu quả tại Phần Lan chưa chắc có hiệu quả ở Hoa Kỳ. “Hoa Kỳ là một trường hợp khác biệt” là nhận định của Dorothy Espelage, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Florida, với trọng tâm nghiên cứu của bà về bạo lực học đường và quấy rối. Giáo sư Espelage cho rằng, trường học ở Mỹ rất đa dạng về tình trạng kinh tế - xã hội, sắc tộc và tôn giáo. Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia, thành phần chủng tộc trung bình của sinh viên Mỹ năm 2014 là 50% người da trắng, 25% người gốc Tây Ban Nha và 16% người Mỹ gốc Phi. 9% còn lại bao gồm người châu Á và tộc người thuộc đảo Thái Bình Dương, người Mỹ bản địa và những người thuộc chủng tộc hỗn hợp. Do đó, sự bất bình đẳng xã hội làm tăng nguy cơ bắt nạt học đường đối với trẻ em thuộc nhóm thiểu số. Tình trạng này ít xảy ra ở Phần Lan hơn.

Mặt khác, các trường học ở Mỹ cũng tương đối đa dạng về loại hình, nguồn lực. Đơn cử, ở các khu dân cư chủ yếu là người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha, học sinh thường theo học các trường học kinh phí thấp, nên chất lượng khó thể so sánh với các trường có nguồn lực dồi dào hơn. “Giáo dục mang tính địa phương. Sẽ không có một chương trình phù hợp với tất cả. Nó sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh”, Giáo sư Espelage khẳng định.

Kể từ sau dịch COVID-19, học sinh trở lại trường học, vấn nạn bạo lực học đường gia tăng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết tại Hoa Kỳ. Nhiều nhà trường đã phải áp dụng những hình phạt cao nhất như đình chỉ học đối với những học sinh có hành vi bắt nạt. Nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã và đang áp dụng một chính sách giáo dục phổ biến tại các trường học, có tên là chính sách không khoan nhượng (zero-tolerance policy). Đây là một phương pháp nghiêm ngặt, trong đó mọi trường hợp bắt nạt bạo lực sẽ bị xử lý với hậu quả đã được quy định từ trước, chẳng hạn như kỷ luật nặng, thậm chí có cả cảnh sát can thiệp.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục hiện nay đã phê bình chính sách này có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn và không giải quyết được vấn đề cốt lõi của bạo lực học đường. Thay vì thế, các nhà trường tại Hoa Kỳ đang hướng tới thử nghiệm các phương pháp khác nhau và chấp nhận quá trình này sẽ mất thời gian và nguồn lực nhằm tìm ra chương trình phòng chống bắt nạt hiệu quả nhất. Hiện nay, nhiều trường học và tổ chức đang chuyển đổi sang các phương pháp toàn diện, tập trung vào phòng ngừa, can thiệp sớm và khuyến khích văn hóa đoàn kết tích cực. Đối với vấn đề bất bình đẳng, các chính sách có thể sẽ được thiết kế, điều chỉnh tùy theo nhu cầu đặc thù của từng nhóm cộng đồng.