Hiện nhiều tỉnh, thành đang tập trung các phương án sơ tán người dân, cấm tàu thuyền để ứng phó bão số 8, nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Theo đó, Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi và tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tránh trú an toàn. Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, công ty quản lý, vận hành hồ thủy lợi trên địa bàn tiến hành xả tràn các hồ chứa nước nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có kế hoạch sơ tán 16.200 người dân theo từng cấp độ. Tuy nhiên, địa phương này có hơn 6.500 người dân từ miền Nam trở về, đang ở trong khu cách ly. Do đó, Nghệ An đang phải tìm địa điểm mới, đảm bảo khoảng cách, an toàn về thiên tai lẫn dịch bệnh. Tỉnh cũng đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu, thuyền tại khu neo đậu, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu, thuyền khi bão số 8 đổ bộ.
Tỉnh Thanh Hóa đã cấm biển trên địa bàn tỉnh từ 18 giờ ngày 12/10 cho đến khi có thông báo; đồng thời hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu, tránh trú bảo đảm an toàn theo đúng quy định. Tỉnh có 378 hồ chứa đã đầy nước, các đơn vị thủy nông đang chủ động vận hành hồ chứa an toàn.
Các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương chủ động vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ tại các thôn, bản vùng thường xuyên bị chia cắt, đề phòng mưa lũ kéo dài... Tỉnh Quảng Bình sẽ cấm biển từ 16h00 hôm nay (13/10). Hiện tỉnh Quảng Bình còn 21 điểm nguy cơ sạt lở cao, tỉnh này lên kế hoạch sơ tán 500 hộ dân với hơn 1.900 người đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ và mưa lớn xảy ra.
Để ứng phó với bão số 8, TP Hải Phòng cũng yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Còn tại Nam Định, tỉnh đã ra lệnh cấm biển từ 12 giờ trưa nay (13/10); yêu cầu các huyện ven biển khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ và di dời toàn bộ ngư dân ở các lều, chòi nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú an toàn trước 18 giờ cùng ngày.
Trong ngày 13/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1323 và số 1337.
Theo đó, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; đảm bảo an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo. Chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất; hỗ trợ và đảm bảo an toàn đối với người dân di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu…