Đó là câu chuyện của Tổng thống thứ 40 của Mỹ (1981 – 1989) Ronald Reagan. Người dân Mỹ cho rằng, Ronald Reagan “đã làm những điều phi thường với sự giáo dục thông thường của mình”. Điều đó gợi lên câu chuyện về giấc mơ Mỹ, cũng là chuyện về người Mỹ mưu cầu hạnh phúc.
Hạnh phúc của xã hội là hạnh phúc cá nhân
Nếu các nhà khoa học tìm ra cách chữa bệnh Alzheimer thì có lẽ Tổng thống Ronald Reagan đã không ra đi vào năm 2004. Người dân Mỹ vẫn nhớ đến Reagan là một trong những tổng thống mạnh mẽ nhất, hạnh phúc nhất và tự tin nhất. Giống với một vị Tổng thống tiền nhiệm Franklin D. Roosevelt, Ronald Reagan tự tin vào bản thân, vào sự tốt đẹp của đất nước cùng với sự tự do của con người cá nhân.
Ông đắc cử trong thời điểm người dân đất nước này đang dần mất niềm tin vào những người lãnh đạo đương nhiệm, đó là Tổng thống thứ 39 của Mỹ - Jimmy Carter. Reagan đã khôi phục được niềm tin của người dân vào tổng thống và đất nước, giải phóng được năng lượng của họ, thông qua việc củng cố sự tự do của cá nhân, cắt giảm các loại thuế để người dân có thể xây dựng khối tài sản của riêng họ.
Năm 1968, khi được hỏi quan điểm của mình về mục đích sống, Ronald Reagan đã nói rằng: “Có những người có một số lợi thế và có những người chỉ đang cố gắng sống sót và cố gắng nuôi sống gia đình của mình. Nếu một người có đủ thức ăn, tôi nghĩ về cơ bản, người này có đủ khả năng giúp đỡ những người kém hơn.
Như câu nói “Tôi phàn nàn vì tôi không có giày cho đến khi tôi gặp một người đàn ông không có chân”, ta luôn có thể tìm thấy người gặp khó khăn hơn mình. Nếu mỗi người đóng góp một điều gì đó cho người khác, giúp cải thiện cuộc sống của họ, giúp cho cuộc sống của họ hạnh phúc hơn, đáng sống hơn, dù chỉ một chút, tôi nghĩ đó là những gì một người nên làm”.
Quan điểm của Ronald Reagan đã thống trị bối cảnh chính trị thời bấy giờ. Ông cho rằng hạnh phúc của xã hội nên là hạnh phúc của từng cá nhân. Trong cộng đồng đó, người có lợi thế cần đóng góp giúp đỡ những người bất lợi, yếu thế hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trong xã hội. Như vậy, mỗi cá nhân sẽ có “lượng tài nguyên nhất định” để quyết định cuộc sống của họ.
Đây cũng chính là nền tảng cơ bản để đạt được sự tự do của cá nhân. Khi mô tả sự tự do, Reagan đưa ra hình ảnh “một người đàn ông lái một chiếc xe mui trần trên con đường cao tốc đầy nắng gió dọc theo bờ biển Thái Bình Dương”. Đối với ông, đó chính là biểu hiện của một người đàn ông thực sự đang làm một việc cho riêng mình, một mình.
Nhiều học giả cho rằng, Ronald Reagan không thực sự làm được những lý tưởng mà ông đặt ra. Vị tổng thống này được nhớ tới bởi tài hùng biện của mình với những bài phát biểu hùng hồn về nước Mỹ. Di sản của Reagan là sự tôn vinh của cải tư nhân song hành với lợi ích cộng đồng, sự tự do đi cùng với nền kinh tế thị trường phát triển.
Theo đó, con người có thể bị coi là những “cỗ máy tính toán chi phí/lợi ích”. Người Mỹ bị ám ảnh với chủ nghĩa cá nhân, ám ảnh bởi cung và cầu, bị thúc đẩy bởi tiếp thị và quảng cáo và chỉ tập trung xây dựng sự giàu có cho bản thân. Kết quả, hàng triệu người Mỹ phải thừa nhận “họ ngày càng xa rời hạnh phúc”.
Tổng thống Mỹ thứ 40 - Ronald Reagon |
Hôn nhân là nền tảng của đứa trẻ hạnh phúc
Theo tuyên bố của Ronald Reagan, việc theo đuổi hạnh phúc thường được bảo vệ bằng cách “giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ, cho phép cá nhân tự chủ trong hành động của mình”. Hạnh phúc của cá nhân có mối liên quan chặt chẽ với gia đình. Chính phủ bảo vệ quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân, mà khởi điểm là những đứa trẻ, thông qua những chính sách về hôn nhân – gia đình.
Một người đàn ông và một người phụ nữ cam kết sống với nhau vĩnh viễn, trọn vẹn sẽ là nền tảng quan trọng cho đứa trẻ được sinh ra và lớn lên với đầy đủ tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Các nhà khoa học xã hội cũng cho biết hôn nhân làm giảm 80% khả năng nghèo của trẻ em khi chúng lớn lên.
Một thống kê cho thấy trong những năm 1940, thập niên 50 và đầu thập niên 60, số lượng những đứa trẻ sinh ra ngoài giá thú đều chạm mức đáng báo động. Năm 1965, 40% tất cả trẻ em trên đất Mỹ được sinh ra ngoài giá thú, trong đó tỷ lệ sinh con ngoài giá thú đối với trẻ em da đen đã là 25%.
Sự đổ vỡ của hôn nhân từ bố mẹ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách, tình hình kinh tế - xã hội của trẻ em khi lớn lên… và cũng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự hài lòng của chúng với cuộc sống sau này.
Reagan chỉ đề cập đến hôn nhân một lần trong bài phát biểu của mình vào năm 1960. Nhưng sau đó, chính ông cũng nhận ra chính sách hôn nhân thời điểm đó trao quyền quá nhiều cho cá nhân lại đe doạ đến văn hoá hôn nhân ổn định như thế nào.
Đây là những gì ông nói: “Cách đây không lâu, một thẩm phán ở Los Angeles đã kể cho tôi nghe về một người phụ nữ trẻ đã đến toà yêu cầu ly hôn. Cô có sáu đứa con, và đang mang thai đứa thứ bảy. Khi được hỏi lý do ly hôn, cô gái tiết lộ chồng cô là một người lao động kiếm được 250 USD mỗi tháng. Cô gái này đủ điều kiện nhận trợ cấp 330 USD/tháng theo một chương trình Trợ giúp Trẻ em. Cô ấy muốn ly hôn để được nhận thêm 80 USD nữa. Cô tiếp nhận ý tưởng này từ hai phụ nữ khác trong cùng khu phố - người đã nhận được trợ cấp tương tự”.
Theo các nhà phân tích, khi gia đình tan rã bởi con người chỉ theo đuổi hạnh phúc của riêng cá nhân, chi phí xã hội cũng tăng lên khi các chương trình hỗ trợ, phúc lợi xã hội phải gia tăng bởi tình trạng nghèo đói ở trẻ em sẽ gia tăng, tội phạm gia tăng,…
Như vậy, mối quan tâm của nhà nước đối với hôn nhân không phải là sự can thiệp vào cuộc sống tình yêu lãng mạn của đôi lứa, mà nhằm duy trì văn hoá hôn nhân, đảm bảo đứa trẻ sinh ra có đầy đủ “tài nguyên” để phát triển bình thường và mưu cầu hạnh phúc.
Tổng thống Mỹ thứ 3 - Thomas Jefferson |
Hạnh phúc cá nhân là hạnh phúc cộng đồng
Vậy chính xác thì “hạnh phúc” có ý nghĩa gì với con người? Theo Robert F. Kennedy - một chính trị gia người Mỹ, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cho New York từ năm 1965-1968: “Mỗi người phải tìm sự cứu rỗi cho riêng mình”. Ông cho rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được coi là thước đo phúc lợi quốc gia có thể đo lường mọi thứ trừ thứ làm cho cuộc sống trở nên đáng giá. Tuy nhiên, quan điểm của ông đã bị lãng quên sau vụ ám sát năm 1968, thay vào đó là các giá trị khác đã chi phối cuộc sống của người Mỹ.
Trên thực tế, các nhà kinh tế và các nhà lãnh đạo khác lại có những cách tiếp cận khác để đo lường chất lượng cuộc sống của các cá nhân và đánh giá sự hạnh phúc của các quốc gia. Nhiều người đã viện dẫn quan điểm triết học trong quá khứ. Đơn cử, người Hy Lạp cổ đại rất quan tâm đến hạnh phúc. Nhà triết học Aristotle cho rằng “hạnh phúc là mục tiêu hoạt động của con người, đó không chỉ đơn giản là ăn, uống, và vui vẻ, hay thậm chí là danh dự và quyền lực”.
Theo đó, sự hài lòng thực sự với cuộc sống không phụ thuộc vào các giác quan hoặc từ những đánh giá của người khác; hạnh phúc đích thực nằm trong “một cuộc sống đức hạnh, thông qua hành động của người đó”. Quan điểm này đã được John F. Kennedy – Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ (1961-1963), nhắc tới khi ông định nghĩa hạnh phúc là “việc sử dụng toàn bộ tài năng của một người một cách xuất sắc nhất”.
Một người đơn độc không tự nhiên theo đuổi hạnh phúc cá nhân; mà chỉ có thể phát triển và nuôi dưỡng tài năng của mình thông qua tương tác, tham gia vào cộng đồng, xã hội. Trong tiếng Hy Lạp, từ “thằng ngốc” có nghĩa là một người riêng tư, một người không tham gia vào cuộc sống cộng đồng. Như vậy, chỉ trong một xã hội công bằng và bình đẳng, đàn ông và phụ nữ mới có thể là con người theo đúng nghĩa và được mưu cầu hạnh phúc.
Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington cũng từng tuyên bố hạnh phúc không chỉ được định lượng bằng số hàng hoá một người tích lũy hoặc trong cuộc sống riêng tư, mà thông qua những điều tốt đẹp một người đóng góp cho cộng đồng. Mọi người hạnh phúc khi họ kiểm soát vận mệnh của mình, khi tiếng nói của họ được lắng nghe, khi họ tham gia vào các sự kiện công cộng, khi chính phủ không làm gì vì họ, cho họ, mà là với họ.
Tổng thống thứ 3 của Mỹ Thomas Jefferson đã từng tuyên bố: “Việc theo đuổi hạnh phúc là một quyền không thể thay đổi, cùng với quyền sống và quyền tự do”. Là một trong những người thành lập nước Mỹ, cũng được coi là “người Mỹ đầu tiên”, nhà chính trị, nhà khoa học Benjamin Franklin đã dùng từ “mưu cầu hạnh phúc” chứ không phải từ “tài sản”, bởi cho rằng “tài sản” là một khái niệm quá hẹp của “hạnh phúc”.