Về vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: “Việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch là đúng, nhưng chỉ nên thực hiện cách ly đối với người theo quy định của Bộ Y tế đó là những người bệnh dương tính với SARS-CoV-2 (mà ta vẫn gọi là F0) thì được cách ly và điều trị tại cơ sở điều trị, những trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính (F1) thì phải cách ly tập trung, những trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) thì phải cách ly tại nhà và F3 thì phải theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của y tế.
Hiện, việc quyết định các hình thức cách ly, phong toả, giãn cách… Thủ tướng đã giao cho các địa phương quyết định; tuy nhiên quyết định của địa phương phải hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã có hướng dẫn các hình thức cách ly, phong toả, giãn cách; còn phong tỏa, quy định khu vực cách ly, cách ly bao nhiêu ngày, phong toả ở mức độ nào, cách ly ở phạm vi nào… là do địa phương quyết định”.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu chỉ có một điểm có dịch, hoặc chỉ có 1 ca bệnh tại 1 chung cư, một ngõ phố… nhưng lại bắt cả người dân trong phường đó về quê phải cách ly là không nên. Chẳng hạn, với những phường chỉ có 1 ca bệnh, những người khác ở phường đó không bị lây lan, họ vẫn đi lại bình thường tại Hà Nội, thì không nên cách ly khi họ về quê.
Theo đó, trừ những người ở trong ổ dịch, vùng dịch là không được về, còn những người không thuộc các ổ dịch, vùng dịch vẫn có thể về quê ở địa phương khác; tuy nhiên người dân cần bắt buộc thực hiện việc khai báo y tế. Bởi đây là cơ sở để nếu có xảy ra ca bệnh thì sẽ dễ dàng cho việc truy vết.
Bên cạnh đó, người dân khi di chuyển về quê tại các địa phương cần phải thực hiện biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang, nên đi xe riêng hoặc xe gia đình là tốt nhất; nếu đi phương tiện công cộng phải thực hiện đúng khuyến cáo trên từng loại phương tiện như: Trên tàu, xe, sân bay theo quy định và phải khai báo y tế.