Khiếu nại, tố cáo (KNTC) là quyền cơ bản của công dân, đây là hình thức công dân kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác giải quyết KNTC luôn là vấn đề bức bách được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) Ban Thường vụ Thành ủy ra Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 28/5/2014 về tăng cường lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC trên địa bàn TP HCM và được triển khai, thực hiện, có tác động tích cực đến tình hình tiếp công dân và giải quyết KNTC, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết dứt điểm góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS) công tác giải quyết KNTC thường rất phức tạp do tính đặc thù riêng - quyền, nghĩa vụ của các bên đương sự thường đối lập nên những mâu thuẫn trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ với nhau thường phát sinh KNTC. Đặc biệt, công tác THADS tại TP HCM có số lượng việc thi hành án lớn, giá trị phải thi hành cao nhất toàn quốc, có nhiều tình tiết phức tạp vì vậy KNTC trong lĩnh vực này cũng phát sinh rất nhiều, với tính chất gay gắt, không ít trường hợp lợi dụng quyền KNTC để kéo dài việc thi hành án.
Thực tế đó, đòi hỏi các cơ quan THADS TP HCM phải chú trọng, làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân, giải quyết những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ, tạo sự đồng thuận trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về THADS.
Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tại các cơ quan THADS TP HCM những năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay tình hình KNTC nói chung vẫn có chiều hướng diễn biến khó lường: Việc KNTC vẫn không giảm về số lượng so với trước đây; tính phức tạp vẫn tồn tại; việc lợi dụng quyền KNTC để thực hiện mục đích khác vẫn tiếp diễn…
Nguyên nhân dẫn đến có những diến biến khó lường đó, một phần do một số đơn vị chưa làm tốt công tác tiếp công dân, có biểu hiện né tránh, ngại đối thoại, giải quyết mang tính hình thức với tâm lý giải quyết cho xong việc; công tác tiếp công dân của một số người đứng đầu đơn vị thiếu trách nhiệm với dân, biểu hiện bao che cho cán bộ cấp dưới; có trường hợp người có thẩm quyền giải quyết tố cáo còn nể nang, ngại xử lý những trường hợp tố cáo sai, vu khống, bịa đặt dẫn đến những trường hợp lợi dụng KNTC để thực hiện các mục đích cá nhân; việc áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ, phương pháp giải quyết chưa khoa học, để kéo dài dẫn đến đối tượng KNTC vượt cấp làm phát sinh phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều vụ việc đã có kết luận tố cáo hoặc quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, nhưng vẫn được các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại khi người dân gửi đơn KNTC tiếp; nhiều cơ quan tiếp nhận rồi chuyển đơn và yêu cầu phúc đáp cũng góp phần tạo ra áp lực về số lượng đơn cho người giải quyết. Mặt khác đây cũng là “cơ hội” cho người KNTC gửi đơn nhiều nơi, dẫn đến việc khiếu nại không có điểm dừng.
Thực tế trên xảy ra là do cơ chế, chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC còn thiếu thống nhất, chưa phù hợp với thực tế về trình tự, thủ tục giải quyết và cơ chế giải quyết. Trong THADS những tác nghiệp của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên diễn ra ở thời điểm trước đều có thể bị KNTC trong khi việc tổ chức thi hành án đã có kết quả - tạo ra nhiều vướng mắc cho người giải quyết.
Để nâng cao chất lượng công tác giải quyết KNTC, cần bố trí, kiện toàn cán bộ cho Phòng kiểm tra, giải quyết KNTC; bố trí đủ Thẩm tra viên ở cấp Cục và Chi cục; cử công chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn; kịp thời tổ chức tập huấn lại cho công chức; thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, quán triệt làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư của đương sự.
Cần chủ động, tích cực, có giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể như: cần theo dõi, rà soát, đánh giá việc cơ quan THADS trực thuộc xác định vụ việc cụ thể có phải là vụ việc KNTC tồn đọng là có chính xác hay không; nguyên nhân cụ thể của từng vụ việc là gì, do nguyên nhân chủ quan hay do nguyên nhân khách quan. Trên cơ sở làm rõ lý do, nguyên nhân tồn đọng, kéo dài, mới có thể có các giải pháp xử lý phù hợp với thực tế. Đối với những cơ quan thi hành án nếu phát sinh vụ việc KNTC phức tạp thì cần xây dựng Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo giải quyết.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, kể cả báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất, đảm bảo phải nắm thông tin sâu sát, kịp thời. Cần thường xuyên rà soát danh sách các vụ việc KNTC quá thời hạn giải quyết.
Đồng thời, cần chú trọng sự phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan hữu quan như Viện kiểm sát, chính quyền địa phương… trong công tác thi hành án, công tác giải quyết KNTC nói chung và giải quyết các vụ việc KNTC bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về THADS nói riêng. Trong nhiều trường hợp, dư luận, chính quyền địa phương không đồng tình với nội dung bản án vì “không thấu tình, đạt lý” hoặc cơ quan THADS không tranh thủ kịp thời sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành nên đã làm giảm hiệu quả phối hợp, gây cản trở, làm kéo dài việc tổ chức thi hành án.