Cách phòng chống cúm A (H1N1) - loại virus từng là đại dịch quy mô toàn cầu

(PLVN) - Trong khi thế giới đang bùng phát dịch nCoV, tại Đài Loan (Trung Quốc) virus cúm A(H1N1) đang khiến nhà chức trách đau đầu về mức độ thiệt hại cũng như số người tử vong. Đã ghi nhận hàng chục người chết vì suy hô hấp do ảnh hưởng của virus cúm A(H1N1) trong 3 tháng qua. 

Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp mắc A(H1N1). Vậy A(H1N1) nguy hiểm như thế nào? Tại sao năm 2009 Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo dịch ở cấp độ 6, cấp độ cao nhất và là đại dịch trên quy mô toàn cầu?

Chủ động phòng tránh cúm A(H1N1) khi thời tiết chuyển mùa

2 bệnh nhân ở Kon Tum dương tính với cúm A(H1N1)

Chiều 5/2, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, kết quả test nhanh 2 bệnh nhân đang điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã cho kết quả dương tính với cúm A(H1N1).

Việc test nhanh mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân (là vợ chồng) đang điều trị cách ly tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Kon Tum được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.

Được biết, bệnh nhân Nguyễn Văn H. (28 tuổi) và vợ là Y T. (26 tuổi), trú tại làng Kon Sút, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum. Trước đó anh H. đi lao động ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, về nhà vào ngày 23/1/2020, tức ngày 29 Tết Canh Tý và gần đây có biểu hiện ho, sốt nhẹ giống bị cảm cúm.

Đến ngày 3/2 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở của thành phố Kon Tum phát hiện trường hợp này và anh H. cùng vợ được vận động thực hiện cách ly theo dõi, chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Đến chiều nay 5/2 sức khỏe của hai bệnh nhân đều trong tình trạng tốt. Các mẫu bệnh phẩm đang được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum gửi tuyến trên xét nghiệm dự kiến sẽ có kết quả trong vài ngày tới.

Tại Đài Loan, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan (CDC) cho hay, 116.705 người nhập viện điều trị y tế cho các triệu chứng giống cúm tại các bệnh viện trên cả nước trong một tuần qua, trong đó 61 trường hợp mắc cúm A(H1N1)  được xác nhận.

Ông Chuang Jen-hsiang, Phó Tổng Giám đốc CDC cho hay: “Virus cúm A(H1N1) hay còn gọi là virus cúm lợn, là nguồn lây nhiễm cúm chính trong cộng đồng dân cư ở Đài Loan (Trung Quốc), chiếm tổng số 84,5%. Tuy nhiên, phải mất thêm một tuần nữa để xác định liệu dịch cúm này có bùng phát hay không”.

Theo ông Lin Yung-ching, bác sĩ của CDC, 13 người từ 47-97 tuổi đã tử vong vì cúm A(H1N1), trong đó có cụ bà trên 80 tuổi bị ung thư và viêm phổi mạn tính.

Ông Lin còn thông tin cụ bà này bị sốt vào cuối tháng 12, 4 ngày sau bị khó thở cấp tính, cuối cùng tử vong vì viêm phổi và suy hô hấp khi được đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhân này là người duy nhất được tiêm vắc xin ngừa cúm trong số 13 người chết vì virus A(H1N1).

A(H1N1) – đại dịch cúm 2009 ở Việt Nam

Theo tìm hiểu bệnh cúm A(H1N1) chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Bệnh gây ra bởi cơ thể nhiễm vi rút cúm A(H1N1), một loại virus cúm được phát hiện vào năm 2009 và còn được gọi là cúm lợn vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn (khác với chủng cúm A(H1N1) trước đó). Cúm A(H1N1) bùng phát mạnh vào năm 2009 và có tốc độ lây lan rất nhanh.

Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 26/5/2009 và bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2009, sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh được đẩy lùi trong các tháng đầu năm 2010, đến tháng 7/2010 Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch cúm A(H1N1) trên phạm vi toàn quốc.

Từ năm 2010 đến nay, cúm A(H1N1) 2009 lưu hành thường xuyên và rộng khắp ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam như các chủng virus cúm mùa khác. Kết quả giám sát trọng điểm qua các năm ghi nhận khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với cúm A(H1N1). Kết quả nghiên cứu phân tích gen cho thấy chưa có sự biến đổi gen của chủng virus cúm A(H1N1) 2009.

Hiện nay cúm A(H1N1) dễ dàng lây bệnh từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Theo kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia cho thấy, chủng virus cúm lưu hành hiện nay ở nước ta trong thời gian qua chủ yếu là cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B.

Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), những người nhiễm cúm A(H1N1) hay virus cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Trên thế giới, mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm.

Đặc điểm của dịch bệnh cúm A(H1N1)

Virus cúm A(H1N1) có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.

Người bệnh cũng có thể nhiễm virus cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A(H1N1).

Đặc điểm để nhận biết dịch cúm A(H1N1) bao gồm: Tỷ lệ mắc thường cao, dễ  lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch. Tỷ lệ tử vong thấp (1-4%). Những người mắc Cúm A(H1N1) có thể lây lan bệnh 01 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 07 ngày sau khi khởi bệnh. Virus bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70 độ C.

Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A(H1N1) người bệnh thường có các triệu chứng sau:

Sốt, thường trên 38 độ C và ớn lạnh, đau họng, viêm họng, nhức đầu, đau mình và nhức cơ, ho khan, sổ mũi, mệt mỏi, suy nhược, tiêu chảy, ói mửa.

Một số triệu chứng  để nhận biết dịch cúm A(H1N1)

Phòng bệnh cúm A(H1N1) thế nào?

Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường:

Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắc xin để phòng bệnh.

Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.

Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

Khuyến cáo phòng chống cúm A/H1N1/2009 tại nơi làm việc

Cúm A/H1N1/2009 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1/2009 gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm virus rồi đưa lên mũi, miệng.

Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh. Người nhiễm virus có thể truyền bệnh ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng.

Để phòng chống cúm cần  tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. 

Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

 Thường xuyên làm vệ sinh và khử trùng các bề mặt như mặt bàn làm việc, tay nắm cửa, bàn phím máy tính, nền nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường; hạn chế sử dụng điều hòa (đặc biệt là điều hòa trung tâm), mở cửa thông thoáng.

 Nên duy trì các thói quen tốt cho sức khoẻ như tích cực vận động cơ thể, giảm căng thẳng, uống nhiều nước, ăn đủ chất để nâng cao thể trạng.

 Người lao động phải tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng... thì thông báo cho người sử dụng lao động, y tế để được tư vấn.

Người lao động nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở nơi làm việc thì phải được cách ly, đeo khẩu trang; đồng thời thông báo cho người sử dụng lao động và cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Các cơ sở lao động, người sử dụng lao động phải có địa chỉ bệnh viện và cơ sở y tế dự phòng gần nhất, có số điện thoại đường dây nóng để liên hệ kịp thời.

Đọc thêm