Cái bẫy chết người của anh nông dân tiếc con ngỗng đẻ

(PLO) - Mất đi hai con ngan và một con ngỗng đang đẻ trứng, anh Cường tiếc của, tức giận "sáng chế" loại bẫy chết người nhằm trừng trị kẻ gian.
Vợ anh Cường bên chuồng gà nơi xảy ra chết người
Tiếng kêu cứu giữa đêm
Theo trình bày của chị Lương Thị Bình (SN 1974, ngụ thôn 2, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), từ đầu tháng 11/2015, nhà chị mất trộm hai con ngan và một con ngỗng đang đẻ trứng. Mấy  hôm sau, chị nghe chó sủa inh ỏi, dậy kiểm tra chuồng trại và phát hiện mất thêm một con ngan.
Bực tức vì không biết ai là kẻ gian, chồng chị là Nguyễn Văn Cường (SN 1974) liền lấy một đoạn dây điện, đầu này cắm vào nguồn điện sinh hoạt, đầu kia mắc vào tấm lưới B40 để “bẫy trộm”. 
Việc cắm điện lên hàng rào được anh Cường thực hiện liên tiếp nhiều đêm liền. Đến khoảng 2h sáng ngày 22/11, người đàn ông này đang ngủ say thì nghe tiếng kêu: “Chú Cường ơi, cứu cháu với” phát ra từ chuồng gia cầm. 
Khi anh Cường chạy ra, đã thấy một nam thanh niên nằm thở dốc trên mặt đất, sát hàng rào mình đã cắm điện trước đó. Anh Cường gọi vợ rút dây diện ra khỏi ổ cắm, gọi thêm bà con xung quanh tới giúp mình sơ cứu nạn nhân. 
Tuy nhiên do chạm phải nguồn điện quá mạnh, nam thanh niên này đã không qua khỏi.
Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cảnh sát xác định nạn nhân là người hàng xóm Phạm Văn Luân (SN 1996). 
Lúc làm việc với cảnh sát tại hiện trường, anh Cường đã uống nhiều rượu và khai báo không đúng sự thật, không tiết lộ chuyện mình cắm điện. Đến khi tỉnh rượu, người đàn ông mới đến trụ sở công an xã khai nhận toàn bộ hành vi. Ngày 9/12, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Cường về tội giết người. 
Cả thôn liên tục bị trộm vặt
Theo lời người dân thôn 2, mấy năm nay tình trạng trộm cắp vặt thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Kẻ gian thường lợi dụng thời cơ để bắt gà, vịt, chó, thậm chí còn lấy đi máy mô tơ bơm nước và một số vật dụng khác của nhiều gia đình. 
Ông Hoàng Văn Rong (SN 1962) kể lại: “Trước khi xảy ra vụ bẫy điện chết người, nhà tôi có mất một con chó và 10 con gà. Mấy hôm sau con chó thoát được, trở về nhà với vết hằn sâu ở hai chân và mõm còn đang bị buộc chặt. Ngoài gia đình tôi, còn nhiều hộ dân khác bị kẻ gian trộm vặt nhiều lần nhưng không bắt được”. 
 Anh nông dân vướng vòng lao lý
Vợ anh Cường cho biết, do tâm lý xót của nhưng không nghĩ ra cách nào khác để bảo vệ tài sản nên, chồng mình mới nóng nảy mắc điện vào lưới B40 rồi vướng vòng lao lý. Chị Bình kể: “Nghĩ nhà có mẹ già và con thơ sẽ rất nguy hiểm, tôi không đồng ý, khuyên chồng rút ra. Anh ấy vẫn cố chấp, không nghe lời”.  
Gia đình anh Cường thuộc diện hộ nghèo, mấy năm nay sức khỏe người đàn ông sa sút, không làm được việc nặng nên ở nhà, vay thêm vốn của ngân hàng mua gia cầm về nuôi. Tính anh này hay rượu, cơm thì có thể thiếu, chứ rượu thì phải ngày ba bữa. Cũng vì rượu mà tính khí anh Cường bị đánh giá rất thất thường, nóng giận khó lường. 
Gia cảnh đáng thương của người sập bẫy
Về phần nạn nhân, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. Cuối năm 2013, cha Luân mất vì bệnh tật, sau đó mẹ phải vay mượn tiền cùng người em họ sang tỉnh Gia Lai thuê đất trồng mì, để hai anh em Luân ở nhà tự bươn chải nuôi nhau. Hằng ngày Luân đi làm thuê đủ thứ việc để có tiền lo cho đứa em đang học lớp Bảy. 
Kể về người anh, em trai Luân cho biết: “Hôm đó ban ngày anh Luân đi khoan giếng thuê đến khoảng 21h mới về nhà. Hai anh em chuyện trò một lát rồi đi ngủ. Đến khoảng hơn 23h30 anh Luân gọi em dậy đóng cửa rồi lặng lẽ ra ngoài. Em hỏi đi đâu, ảnh nói “đi công việc một lát nữa về””. 
Trao đổi với XLPL, ông Vương Đức Luận, Phó trưởng công an xã Nam Dong cho biết, thời gian gần đây công an xã có tiếp nhận một số thông tin từ người dân, nói về việc bị mất trộm. Lực lượng đã nhiều lần mật phục nhưng chưa bắt được kẻ gian.
“Từ trước đến nay, trên địa bàn chưa có trường hợp nào bẫy điện dẫn đến chết người. Qua đây, tôi cũng đề nghị bà con khi mất tài sản thì nên báo với chính quyền để có biện pháp hỗ trợ, xử lý, cùng phối hợp bắt kẻ gian. Đừng tự ý “giăng bẫy” trộm, vừa nguy hiểm cho người thân trong gia đình, vừa phạm pháp, để lại hậu quả nặng nề”, ông Luận nói.
Bình luận về vụ việc, Luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk) nhận xét: Mục 12, Phần I, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TAND Tối cao giải đáp các vấn đề nghiệp vụ như sau: Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Công văn số 81/2002/TANDTC
Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cân phân biệt như sau: 
- Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng người khác nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người (Điều 93, BLHS). 
- Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không xảy ra… nhưng hậu quả có người bị điện giật chết thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS). 

Đọc thêm