Thật không thể ngờ, hơn 90 năm sau, trên đất nước Việt Nam chúng ta lại diễn ra cảnh tượng tương tự. Một vị Bộ trưởng đã phải kêu lên trong một cuộc họp là họp quá nhiều, không còn thời gia đâu mà làm việc nữa. Có cơ quan tính trung bình một ngày có tới 7 cuộc họp. Từ địa phương đến trung ương, tình trạng họp hành quá tải diễn ra hết ngày này sang năm khác, rất nhiều người kêu than vì chuyện họp hành, thế mà càng kêu thì lại càng họp nhiều. Không một giải pháp tích cực nào được vận dụng để giảm thiểu các cuộc họp vô bổ.
Thậm chí, họp nhiều còn là cái cớ để bào chữa cho việc lạm phát cấp phó: phải có nhiều cấp phó để còn đi họp.
Họp còn là cái cớ để một số cán bộ tránh mặt người dân, không muốn tiếp dân, không thích nhìn trực diện vào sự thật bằng mắt thường. Rất nhiều trường hợp phóng viên đến gặp lãnh đạo vì một việc cấp bách nào đó, một điểm nóng dư luận ở địa phương,... thì thường nhận được câu trả lời “Lãnh đạo đi họp”. Hội nghị cũng là cái cớ tốt để tiêu tiền ngân sách cho những cuộc nghỉ ngơi, thăm thú khi được tổ chức ở các địa điểm nghỉ mát, du lịch và họp nhiều cũng là lý do giải thích của các ông chồng công chức hoặc bà vợ cán bộ đoàn thể vắng mặt ở nhà trong thời gian bất minh!
Họp nhiều mà ra sản phẩm, mà làm công tác quản lý điều hành hiệu quả thì chẳng ai trách cứ hoặc phiền lòng nhưng họp để mà họp thì “xót tiền dân”, “phí sức cán bộ” quá. Dẫn chứng mới nhất là trong khi người ta họp bàn về việc giải ngân tiền cứu hạn thì ngoài kia đồng khô cỏ cháy và người dân héo mòn vì hạn.
Cho đến bây giờ số tiền 20.000 tỷ giúp dân vùng bị hạn mặn đó vẫn chưa đến được nơi nó cần phải đến tức thì chỉ vì hai bộ Kế hoạch và Đầu tư và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp mãi mà chưa thống nhất được làm gì với số tiền ấy. Cứu hạn cũng như cứu hỏa mà các vị thờ ơ đến vậy ư? Và, cả vai trò điều hành của Chính phủ nữa, vai trò ấy ở đâu khi hai Bộ ngâm tiền cứu trợ của bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của đất nước?.