Nơi dột nát…
Trạm y tế xã Hoa Sơn là một trong những trạm y tế khó khăn nhất trong tổng số 29 trạm y tế xã, thị trấn của huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội.
Nhiều năm nay, các y bác sĩ ở đây phải hoạt động trong tình trạng ngày hè nóng bức, nắng xuyên vào nhà; ngày mưa bê xô, chậu hứng nước. Nguyên nhân là bởi dãy nhà gồm 3 phòng chức năng được xây dựng vào những năm 1960 đã xuống cấp trầm trọng. Nền nhà ở các phòng này bị bong tróc, sụt lún, vỡ gạch từ lâu.
Không những thế, tường vôi thì ẩm mốc, lở, nứt toác thành những vệt dài, to ở các góc tường có cảm giác không an toàn. Nhất là trần nhà được làm bằng cót ép “vá chằng vá đụp”. Dù đã được gia cố, nhưng theo thời gian, những chỗ thủng trên trần nhà ngày càng nhiều và to hơn do cót ép đã bị mục, nát.
Khổ nhất là mỗi khi vào đợt tiêm chủng, người dân tới đông mà gặp trời mưa, các y bác sĩ và bệnh nhân lại phải chạy toán loạn tìm xô, chậu hứng nước dột. Cảnh tượng này đã quá quen thuộc với người dân cũng như các y bác sĩ ở Trạm y tế xã Hoa Sơn.
Điều đáng nói, dù xuống cấp như vậy, nhưng do thiếu cơ sở hạ tầng nên những phòng chức năng của trạm vẫn phải hoạt động bình thường. Thậm chí, mỗi phòng còn kiêm thêm 1 chức năng khác. Ví dụ: Phòng điều trị đông y sẽ kiêm thêm phòng theo dõi sau tiêm; Phòng tiêm chủng sẽ kiêm Phòng cấp cứu…
Đứng trước thực trạng cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân, hơn 10 năm trước, Trạm Y tế xã Hoa Sơn được cấp trên phê duyệt, cấp vốn cho xây dựng thêm 1 dãy nhà cấp 4 gồm 5 phòng chức năng.
Dù có thêm phòng chức năng, nhưng những phòng này cũng trong tình trạng quá tải, nghĩa là cũng phải kiêm thêm ít nhất từ 1 đến 2 chức năng. Đến nay, sau nhiều năm sử dụng cũng đã xuống cấp.
Bên cạnh việc cơ sở vật chất bị xuống cấp, Trạm y tế xã Hoa Sơn còn không có tường bao. Phó Trạm trưởng Trạm y tế xã Hoa Sơn Nguyễn Thị Bất cho biết, do cơ sở vật chất quá xuống cấp, trần dột, tường nứt, nền bị bong tróc để lộ lớp đất đá nên công tác khám chữa bệnh ở trạm gặp rất nhiều khó khăn.
|
Lối vào của Trạm y tế xã Viên An bị dang dở do thiếu kinh phí nên phải bịt lại bằng tường quây xung quanh |
Phó Trạm trưởng cho biết, trước kia trạm vẫn đỡ đẻ nhưng hiện nay thì không dám đỡ do không đảm bảo được vô trùng cũng như các điều kiện khác. “Trừ trường hợp sản phụ tới trạm đẻ ngay thì chúng tôi đỡ còn lại thì đa phần là chuyển lên tuyến trên”, bà Bất cho hay.
Hơn nữa, nhận thức và điều kiện kinh tế của người dân giờ đã khá lên rất nhiều nên người dân cũng muốn xin giấy chuyển lên tuyến trên để được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt và hiện đại hơn.
Dù đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị, thậm chí được cấp trên phê duyệt phương án đầu tư xây mới, nhưng đến nay, mọi thứ vẫn ở trên giấy tờ. Và, các y bác sĩ ở Trạm y tế xã Hoa Sơn vẫn phải ngày ngày làm việc trong điều kiện thiếu thốn, tạm bợ còn người dân thì lại có thêm nhiều lý do để tiếp tục “chê” trạm y tế xã.
…chỗ không có cổng vào
Tương tự như trạm y tế xã Hoa Sơn, Trạm y tế xã Viên An (huyện Ứng hòa) cũng nằm trong danh sách các trạm y tế cần được xây mới để kiện toàn các điều kiện đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2020.
Tuy không quá dột nát như trạm y tế xã Hoa Sơn nhưng Trạm trưởng Trạm y tế xã Viên An Ngô Thị Quý cũng than rằng, cơ sở vật chất ở đây không những thiếu mà còn yếu. “Ngày nắng cũng như mưa, chỉ cần ngồi một lúc là từ trên trần bụi gạch, vôi rơi đầy phòng.
Trước đó, Trạm y tế xã Viên An cũng được đầu tư xây mới một dãy nhà để phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho người dân địa phương. Oái ăm thay, khi đang hoàn thiện nốt lối đi và cổng vào thì hết vốn đành dang dở.
Chính vì thế mà cho đến tận bây giờ, dù là một cơ quan hành chính có trụ sở riêng nhưng Trạm y tế xã lại phải đi chung cổng, lối vào với UBND xã. Còn lối đi vào Trạm y tế xã Viên An đành phải bịt lại bằng tường bao. Điều này đã gây bất tiện cho người dân mỗi khi tới khám hoặc cấp cứu nhất là vào ban đêm.
Trạm trưởng Ngô Thị Quý phân trần, trước kia, Trạm y tế xã có lối đi và cổng riêng nhưng từ khi UBND xã Viên An xây mới đã lấn sang bên Trạm y tế xã nên phải đập bỏ một bên trụ cổng thành ra Trạm y tế phải đi qua cổng của UBND xã.
“Khi có quyết định phê duyệt và xây mới một số hạng mục của trạm thì các y bác sĩ ai cũng vui mừng vì từ nay đã có lối đi riêng. Nhưng, nào ngờ lại hết vốn giữa chừng. Dù đã có rất nhiều đoàn về khảo sát nhưng lối đi và cổng của trạm y tế xã Viên An đến nay vẫn chưa được hoàn thiện”, vị trạm trưởng cho hay.
Ngoài Trạm y tế xã Hoa Sơn, Trạm y tế xã Viên An thì Trạm y tế xã Cao Thành cũng được liệt vào danh sách các trạm y tế xuống cấp cần được quan tâm. Cả dãy nhà cấp 4 xuống cấp đến nỗi phải khóa trái cửa không sử dụng nhiều năm nay.
Trạm y tế xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa) cũng có 3,4 phòng chức năng cửa đóng then cài do quá xập xệ. Một nhân viên của Trạm y tế xã Trường Thịnh cho biết, chỉ cần va chạm nhẹ vào cánh cửa cũng đủ để làm nó rơi ra. Lý do Trạm y tế xã Trường Thịnh không được phép đỡ đẻ cũng là do trạm y tế quá xuống cấp.
Theo ông Mai Trung Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa, toàn huyện có 29 trạm y tế xã, thị trấn thì có 5 trạm y tế là Hoa Sơn, Trường Thịnh, Viên An, Đội Bình, Hòa Xá đặc biệt xuống cấp. Những trạm này đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trường đầu tư xây mới trong năm 2017, giờ đã sang tháng 3 mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
|
Ông Mai Trung Hà đứng ở bên trong Trạm y tế xã Viên An nhìn ra lối vào chưa được hoàn thiện của trạm |
Ông Hà thừa nhận do tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp nên nhiều trạm y tế xã không đủ điều kiện đỡ đẻ. Ông Hà lý giải thêm, giờ người ta đẻ ít nên họ chọn dịch vụ cao hơn.
“Chửa là cửa mả, làm được thì khen, không được thì ầm ĩ lên, nên tiên lượng ca nào đỡ được thì đỡ nhưng phải chuẩn bị rất kỹ. Nhìn chung các trạm đỡ đẻ ít, cơ bản đẻ ở bệnh viện”, ông Hà cho biết thêm.
Không chỉ cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp mà nhiều trang thiết bị hiện đại được trang bị cho các trạm y tế xã cũng đang bị “đắp chiếu”...