“Lá chắn trắng” - trân trọng và yêu thương
Chương trình đấu giá nói trên do Công ty Cổ phần Tầm nhìn mỹ thuật Đông Dương (Indochineart) phối hợp cơ quan truyền thông thực hiện để ủng hộ bác sĩ chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Hôm nay (9/4) là ngày cuối cùng của phiên đấu giá thứ 5.
Một trong những tác phẩm gây chú ý là “Lá chắn trắng” của họa sĩ Nguyễn Lộc (SN 1969, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là giảng viên Khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) tham gia ở phiên đấu giá thứ tư.
Xung quanh bức tranh được coi là tác phẩm nổi bật của hội họa Việt Nam mùa dịch Covid-19 có rất nhiều chuyện để kể. Đó là khi bức tranh được tác giả đưa lên mạng xã hội, lập tức nhận được sự yêu mến và quan tâm của nhiều người với 16.000 lượt “like”, bởi đã nói hộ tấm lòng của biết bao người dân Việt Nam hướng về đội ngũ các thầy thuốc.
Và vì điều này, tác phẩm đã được Ban tổ chức chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch Covid-19” chọn làm hình ảnh đại diện cho toàn bộ sự kiện, thể hiện mong muốn lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của chương trình với sự chung sức của các nghệ sĩ, các nhà sưu tầm và người dân Việt Nam sẽ tạo nên sức mạnh về vật chất, tinh thần, để khích lệ, động viên các thầy thuốc vượt qua khó khăn, làm lá chắn chống lại dịch bệnh.
Cảm động hơn cả là họa sĩ Nguyễn Lộc đã quyết định hiến tặng tác phẩm cho chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch Covid-19”. Lý do được họa sĩ chia sẻ bởi đây là hoạt động kịp thời đem lại giá trị vật chất cụ thể cho những người trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch, cụ thể là đội ngũ y, bác sĩ, cũng như lan tỏa, cổ động giá trị tinh thần cho giới mỹ thuật và công chúng…
Trao đổi với truyền thông, họa sĩ Nguyễn Lộc cho biết, anh dành nhiều quan tâm tới các vấn đề thời sự. Vì thế, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, anh cũng bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn giống như bao người dân khác.
Vừa là họa sĩ đồng thời là một nhà giáo, anh có ý định sẽ thể hiện sự quan tâm của cá nhân về đại dịch lên tranh. Ý tưởng được anh ấp ủ trong nhiều ngày nhưng chỉ đến khi có tin bác sĩ Việt Nam đầu tiên bị phơi nhiễm, trong tột cùng của cảm xúc lo lắng và trân trọng sự hy sinh, cống hiến, anh đã vẽ một mạch và hình thành tác phẩm “Lá chắn trắng”.
Bức tranh Lá chắn trắng. |
“Lá chắn trắng” gây ấn tượng với người xem bởi hình ảnh về đội ngũ y, bác sĩ trong công tác phòng chống dịch với sắc trắng của áo blouse đem lại niềm tin cho mọi người, với những đôi mắt đỏ vì vất vả, căng thẳng, có chút âu lo nhưng đầy kiên nghị, mạnh mẽ của ý chí quyết tâm bảo vệ người dân trước dịch bệnh.
Các họa sĩ không thể đứng ngoài
Ở Việt Nam, theo dọc chiều dài lịch sử đất nước, giới họa sĩ đã nhiều lần ghi tên mình vào lịch sử đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Quên sao được những bức ký họa đường Trường Sơn của họa sĩ Đức Dụ, Hoàng Đình Tài, Phạm Ngọc Liệu, Thanh Châu, Lê Trí Dũng…
Dưới mưa bom bão đạn, nguy hiểm, song họ vẫn cố gắng sáng tạo để có những tác phẩm ưng ý nhất. Rồi trong hòa bình và xây dựng đất nước, các họa sĩ lại tiếp tục trách nhiệm phản ánh nhịp thở của cuộc sống qua nét cọ.
Một trong những bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM là mảng đề tài về đời sống văn hóa mang tính nhân văn trong cuộc sống đời thường và công cuộc xây dựng đất nước được phản ánh hiện thực trong các tác phẩm của các họa sĩ Lê Thị Kim Bạch, Đặng Thị Dương, Huỳnh Thị Kim Tiến, Lê Thanh Tùng, Tam Bạch, Đỗ Mạnh Cương…
Chính vì thế, hôm nay, khi cả dân tộc gồng mình lên “chống dịch như chống giặc” thì các họa sĩ cũng không thể đứng ngoài. Bằng sức mạnh của cọ vẽ, họ đã và đang góp sức mình để đưa đất nước vượt qua đại dịch bình yên và an toàn.
Đó là 60 tác phẩm nghệ thuật được đấu giá ủng hộ bác sĩ chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Được biết, tính từ khi khởi động chương trình tới nay, đã có trên 300 tác phẩm được các nghệ sĩ gửi tới, Ban tổ chức chọn ra 60 tác phẩm để đấu giá. Tiền thu được từ các phiên đấu giá, 100% sẽ dành tặng y, bác sĩ tuyến đầu ở một số bệnh viện.
Những tác phẩm đấu giá không thành công cũng sẽ được dùng làm quà tặng cho y, bác sĩ có cống hiến to lớn. Với 5 phiên đấu giá trực tuyến bắt đầu từ ngày 29/3, mỗi phiên kéo dài 48 giờ, nhiều bức tranh đã được bán.
Đơn cử như ở phiên đấu giá thứ 5, hai bức tranh được mua ngay ở những phút đầu tiên khai sàn. Tác phẩm được bán dù có thể không mang lại nhiều giá trị vật chất, nhưng tấm lòng của họa sĩ và sự hào phóng và nhiệt tình của các nhà sưu tầm mới thực đáng trân trọng.
Đó là hành động của nhóm “Chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật gốc của họa sĩ Việt Nam” tổ chức chương trình triển lãm và đấu giá online tại group Facebook Viet Art Exchange với thông điệp Họa sĩ chung tay đẩy lùi Covid-19 từ ngày 23 - 25/3.
Triển lãm có hơn 100 tác phẩm đề tài phong cảnh, thiên nhiên đất nước, sắc màu đô thị... của 60 họa sĩ. Toàn bộ tiền bán tranh được trích 50% ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam như là cách các họa sĩ thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Đó là câu chuyện của Trần Nam Long - cậu bé câm điếc 15 tuổi đã dành một nửa số tiền bán đấu giá bức tranh vẽ ngôi nhà phố cổ Hà Nội để ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19.
Chị Phùng Thị Hiếu, mẹ của Nam Long kể, cuối tháng 3/2020, khi tình cờ biết trang thông tin Nghệ thuật và giải trí TP HCM phát động chương trình đấu giá tranh ủng hộ Chính phủ chống dịch Covid-19, chị đã trao đổi với con và Nam Long đồng ý gửi bức tranh về phố cổ Hà Nội có tên “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành”. Bất ngờ là bức tranh vẽ từ màu acrylic đã được một người giấu tên mua với giá 25 triệu đồng.
“Một nửa số tiền đó đã được gửi vào tài khoản của MTTQ Việt Nam, số còn lại tôi dành cho chi phí phẫu thuật ghép xương của Long vào tháng 8 tới. Hai mẹ con đều cảm thấy rất vui vì dù số tiền đó không nhiều nhưng đã góp một phần nhỏ nhằm tiếp sức cho đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch”, chị Hiếu chia sẻ….
Tạo được nguồn quỹ ủng hộ, bức tranh phát huy thêm giá trị
Họa sĩ Nguyễn Lộc: “Bức tranh chính là sự tôn vinh và cũng là niềm tin yêu trước những chiến sĩ áo trắng Việt Nam nghị lực, giỏi giang, kiên cường. Khi vẽ bức tranh này, tôi nghĩ rằng mình phải làm gì đó để góp phần giúp người dân Việt Nam giữ vững niềm tin yêu vào sức mạnh của những y, bác sĩ. Chính vì thế, tôi đã vẽ bức tranh xuất phát từ sự xúc động, lòng biết ơn và đương nhiên phi lợi nhuận”.
Bà Iris Phạm, người sáng lập Viet Art Exchange: “Họa sĩ chung tay đẩy lùi Covid-19 không chỉ trưng bày tác phẩm nghệ thuật mà còn nêu cao tinh thần đoàn kết, thể hiện trách nhiệm và tình yêu quê hương, đất nước của mỗi cá nhân”.
Nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông: “Cả 5 phiên đấu trực tuyến đều mang tên “Kết nối” với ý nghĩa kết nối ý thức trách nhiệm xã hội, mong muốn chung tay của đông đảo nghệ sĩ tạo hình, những người yêu nghệ thuật, những người muốn ủng hộ các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, thành sự kiện thiết thực, có hiệu quả để ủng hộ, chia sẻ khó khăn vơi đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu”.
Họa sĩ Đào Hải Phong: “Qua đấu giá, các tác phẩm có cơ hội đến được tay người yêu nghệ thuật hoặc những nhà hảo tâm, tạo nguồn quỹ ủng hộ cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 thì bức tranh cũng phát huy thêm giá trị”.
Họa sĩ Phạm An Hải, người đã sẽ tặng bức tranh đấu giá đạt 42 triệu đồng: “Tôi rất vui mừng khi được góp phần nhỏ bé của mình làm vơi bớt nỗi lo lắng, vất vả và sự hy sinh của các y, bác sĩ”.
Họa sĩ Phạm Luận, người đã thức suốt hai đêm để vẽ tác phẩm đấu giá được 40 triệu đồng: “Cảm ơn các y, bác sĩ rất nhiều và mong họ luôn mạnh khỏe để giúp chúng ta vượt qua đại dịch”. H.M (tổng hợp)