Cầm kim tiêm dính máu đe dọa nhiễm HIV phạm tội gì?

(PLO) -Thời gian qua, đã xảy ra không ít vụ việc các đối tượng cầm kim tiêm dính máu dọa là máu có chứa HIV để đe dọa, khống chế nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Vậy, hành động trên có thể bị phạt tội gì dưới góc độ của pháp luật hình sự?
Hình minh họa

Dọa cả công an

Sáng 12/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Định đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Tuấn Anh (25 tuổi, tạm trú tại thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định) khi đối tượng này đang giao dịch heroin cho một đối tượng khác tại quán café trên địa bàn thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). 

Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai mình bị nhiễm HIV trong những lần tiêm chích ma túy và phát hiện bị mắc căn bệnh AIDS từ năm 21 tuổi. Mỗi lần mang heroin đi bán tên, Tuấn Anh đều mang theo kim tiêm nhằm hăm dọa lực lượng công an để tẩu thoát.

Thủ đoạn dùng kim tiêm dính máu để đe dọa, trấn lột tiền từ lâu đã luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân. Những kim tiêm có dính máu – mà các đối tượng cho biết là máu có chứa HIV/AIDS, nhẹ thì gây hoang mang, ảnh hưởng đến công việc, mất tiền, nặng thì bị phơi nhiễm HIV, để lại những nỗi nhức nhối cho nhiều người dân vô tội và gia đình của họ.

Hồi tháng 4/2016 vừa qua, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt nhóm đối tượng gồm Lê Thanh Lâm (SN1990), Nguyễn Thành Long (SN 1987) và Bùi Minh Khang, một người tên Tuấn (đều trú tại tỉnh Đồng Nai) cùng đi trên đường. 4 người này đã dùng ống chích và kim tiêm hù dọa  gặp K’Búi (SN 1991), cướp của nạn nhân 2 điện thoại di động và gần 600 ngàn đồng. 

Cách đây không lâu, trên facebook đăng tải một đoạn video clip ghi lại cảnh một nam thanh niên xăm trổ dùng kim tiêm dính máu nhiễm HIV để "xin đểu", thậm chí trấn lột tiền của nhiều người trên một số tuyến xe khách. Hay như hồi đầu tháng 5 vừa qua, một người đàn ông nghiện nặng bị nhiễm HIV liên tục dùng kim tiêm dính máu đi "xin đểu" tiền của nhiều người trên các tuyến đường ở TP. HCM. 

Xác định tội lây truyền HIV 

Theo quy định của pháp luật, lây truyền HIV cho người khác là việc mà người biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn cố ý lây truyền HIV cho người khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người khác. 

Lây truyền HIV cho người khác được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 1999: “ Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Đối với nhiều người; b) Đối với người chưa thành niên; c) Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình; d) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”

Phân tích về quy định này, Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, người thực hiện hành vi lây truyền HIV cho người khác là người biết mình bị nhiễm HIV nhưng họ cố ý muốn lây truyền bệnh cho người khác. Chủ thể thực hiện hành vi trên có đủ năng lực và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Về mặt khách quan, hành vi mà người phạm tội thực hiện là hành vi lây truyền HIV cho người khác. Hậu quả của hành vi lây truyền HIV cho người khác là xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Mối quan hệ nhân quả giữ hậu quả xảy ra với hành vi phạm tội là việc sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm phải là do hành vi cố ý lây truyền HIV mà người phạm tội thực hiện.

Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác với lỗi cố ý gián tiếp. Người thực hiện hành vi phạm tội biết là mình bị nhiễm HIV, nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện, tuy nhiên, người thực hiện hành vi phạm tội có thể mong muốn hoặc không mong muốn cho hậu quả xảy ra.

Tội cố ý truyền HIV cho người khác 

Tội cố ý truyền HIV cho người khác được quy định tại Điều 118 BLHS. Cố ý truyền HIV cho người khác là hành vi của một người không bị nhiễm HIV nhưng đã cố ý truyền HIV từ người này sang người khác.

Nếu ở Điều 117 có tên tội danh là "lây truyền..." thì ở Điều 118 tên tội danh là "truyền", không có từ "lây", "lây truyền" tức là truyền bệnh từ cơ thể của mình sang cơ thể của người khác, còn "truyền" không bao hàm nội dung của khái niệm "lây" nó chỉ có nghĩa là truyền tải vi rút HIV từ cơ thể người có bệnh sang người chưa bị nhiễm bệnh.

Hành vi truyền HIV cho người khác nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi lây truyền HIV cho người khác nên nhà làm luật coi hành vi truyền HIV là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, còn hành vi lây truyền HIV nhà làm luật chỉ coi là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng.

“Nếu ở Điều 117 chủ thể của tội phạm nhất thiết phải là người bị nhiễm HIV, thì ở Điều 118 chủ thể của tội phạm tội có thể là người bị nhiễm HIV nhưng chủ yếu là người không bị nhiễm HIV, nếu là người bị nhiễm HIV thì vi rút HIV mà họ truyền cho người khác không phải vi rút HIV trong cơ thể của họ mà vi rút từ cơ thể của người khác. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa hai tội này” – Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng cho hay. 

Theo Luật sư Ngô Lựu (Cty Luật Đại Việt), trong tội Cố ý truyền HIV cho người khác, quy định những trường hợp phạm tội cụ thể. Cố ý truyền HIV cho một người và không thuộc trường hợp quy định tại từ điểm a đến điểm đ khoản 2 Điều 118 Bộ luật hình sự (khoản 1 Điều 118) là trường hợp chỉ có một người bị người khác truyền HIV, người bị truyền HIV có thể bị nhiễm HIV do bị truyền những cũng có thể không bị nhiễm, nhưng người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 118 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng. 

Phạm tội thuộc các trường hợp: có tổ chức; đối với nhiều người; đối với người chưa thành niên; đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; lợi dụng nghề nghiệp để phạm tội thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 118 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ một năm đến năm năm theo khoản 3 Điều 118 Bộ luật hình sự.

Đọc thêm