Cảm ơn người vẫn còn hiện diện trên cõi đời này

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Dạo này mọi người vẫn ổn chứ, hay những nỗi đau, tổn thương từ quá khứ vẫn đang giày vò mọi người mãi?”. Đó là giọng đọc ấm áp, trong trẻo của cô gái hai mươi hai tuổi mang tên Đặng Khánh Vân.

Hiện nay, cô là chủ kênh Mây Podcast, sở hữu gần một triệu lượt nghe trên Spotify. Đồng thời, cô cũng trở thành người truyền cảm hứng cho giới trẻ trên mạng xã hội. Nhưng đằng sau các podcast chữa lành, tràn đầy năng lượng tích cực, là những câu chuyện “chằng chịt” vết thương của rất nhiều người trẻ.

Khánh Vân tạo một “tấm khiên” để cân bằng cuộc sống. (Nguồn: Đặng Khánh Vân)

Khánh Vân tạo một “tấm khiên” để cân bằng cuộc sống. (Nguồn: Đặng Khánh Vân)

Ưu tư lúc 11h đêm

Nói về cơ duyên đến với công việc hiện tại, có nhiều yếu tố để Khánh Vân tạo ra kênh Mây Podcast. Bắt đầu từ một học sinh yêu thích nghe podcast, cô đã nuôi dưỡng trong mình một tình cảm đặc biệt với những câu chuyện đời thường, được kể bằng chất giọng ấm áp, không chuẩn chỉnh, gò bó.

Nhưng Khánh Vân thật sự làm podcast khi trải qua tổn thương tuổi đôi mươi mang hai chữ “sinh - tử”. Podcast đầu tiên của cô có tên rất đặc biệt “Sau 11 giờ đêm - Liên hệ với cái chết”, ra đời khi cô trải qua cú sốc mất đi người bạn trai của mình. Đó là thời điểm, Vân cảm giác “gần như tâm hồn của bản thân bị chết”. Cô không bao giờ nghĩ, khoảnh khắc người bạn trai gọi điện thoại, chia sẻ mong muốn được ra ngoài ngắm bầu trời, cũng là “cuộc gọi cuối ở kiếp này” của hai người.

“Tôi lấy ý tưởng từ chính suy nghĩ, chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống. Còn khán giả là động lực để tôi tiếp tục cố gắng làm ra những podcast mang nội dung tích cực, lành mạnh”, Đặng Khánh Vân chia sẻ.

Khánh Vân đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều khi chứng kiến một người trẻ tuổi từng yêu, từng hạnh phúc bên cô, đột ngột biến mất khỏi cõi đời. Vân dần nhận ra, thế hệ trẻ hiện nay thường chạy theo những ước mơ xa vời, viễn tưởng to lớn mà lại quên đi thực tại. “Người trẻ như chúng tôi thường quá chú trọng đến bản thân, mà quên đi hạnh phúc đến từ việc cảm nhận những điều bình dị nhất”. Đó là trân trọng giây phút ở bên gia đình, bạn bè và người mình yêu mến.

Vân cho biết, cô làm podcast để chia sẻ lại suy nghĩ, chiêm nghiệm của bản thân. Hai tháng sau ngày định mệnh, cô quyết định ra podcast đầu tiên. Đây là số mà Khánh Vân thu lại trong nhiều ngày nhất. Khi podcast “lên sóng”, cô hy vọng những thính giả nghe được có thể hiểu: “Mọi người vẫn còn rất may mắn, khi chỉ trải qua những áp lực thông thường như công việc, tình cảm, học tập, chứ chưa phải đối diện với những khoảnh khắc sinh - tử”. Vì vậy, Vân mong chính bản thân và hơn cả là thính giả luôn cố gắng, nỗ lực sống hết mình trong hiện tại, để quá khứ là động lực và tương lai là “trái ngọt”.

Chính vì vậy, ngay từ những số podcast đầu tiên, Khánh Vân đã “chinh phục” được trái tim của người nghe. Bằng các câu chuyện, trải nghiệm và lời kể gần gũi, mộc mạc, đã đưa Vân đến gần với những người trẻ trong độ tuổi của cô. Niềm yêu mến của thính giả giúp cho cô tiếp tục nỗ lực bước trên hành trình làm podcast.

Đừng từ bỏ cuộc sống

Là một người làm podcast về chữa lành và truyền cảm hứng tích cực đến cho giới trẻ, Khánh Vân thường cố gắng trả lời hết tất cả những tin nhắn, email của thính giả. Điều này, khiến cô hiểu được người nghe của kênh, tuy nhiên, mặt trái mà Vân phải đối diện, là có rất nhiều tin nhắn “tiêu cực” khiến cô lo lắng, trăn trở.

Khánh Vân nhớ nhất một câu chuyện mà cô sẽ không bao giờ quên, đó là một tin nhắn vào lúc 0h đêm, khi cô đang chuẩn bị đi ngủ. Vân cho biết, hôm đấy, là một ngày bình thường với cô, nhưng lại là thời khắc “giông bão” của người nhắn tin: “Đó là một thính giả đang gặp những áp lực khủng khiếp. Tâm sự của người đó rất buồn, rất bi quan. Thậm chí, dù chỉ đọc qua tin nhắn, nhưng tôi cảm nhận được sự tuyệt vọng đến cùng cực của họ”. Thính giả đó muốn quyên sinh vào thời khắc nhắn tin cho Vân, khiến cô rất lo lắng, sợ hãi. Khánh Vân nghĩ nếu như không kịp hỗ trợ, người nghe đó có thể sẽ kết thúc cuộc đời của mình khi còn quá trẻ.

Đối với Vân, đó là một đêm rất dài, cô tràn ngập những suy nghĩ, lo lắng để giúp vị thính giả có thể “dịu” đi những suy nghĩ tiêu cực ở bên trong. Vân thức trắng cả đêm, chìm trong ưu tư, về những tổn thương mà người trẻ đang gặp phải và những tiếng nói không thể cất thành lời của họ.

Khánh Vân tâm sự, đó không phải là trường hợp duy nhất cô từng gặp. Mà từ khi bắt đầu làm podcast, cô thường xuyên nhận được tin nhắn của những em học sinh mới học cấp hai, cấp ba, nhưng đã chịu áp lực nặng nề đến từ học tập, bạn bè, gia đình: “Thậm chí, rất nhiều em có ý định tự tử”. Mỗi câu chuyện lại là một cuộc đời, với những “nghịch cảnh” khác nhau, khiến cô gái trẻ như Khánh Vân đôi lúc không có cách giải quyết: “Tôi đã rất áp lực, tôi không muốn các em ấy ra đi, vì cuộc đời còn rất nhiều điều tốt đẹp”.

Cùng trong thế hệ của Gen Z, hơn ai hết, Khánh Vân hiểu cuộc sống hiện nay của người trẻ gặp rất nhiều áp lực. Đôi lúc, điều đó đẩy suy nghĩ của họ lên đến đỉnh điểm của sự tiêu cực, khiến họ nghĩ đến cái chết. Tuy nhiên, đối với Vân, cô cho rằng, quyên sinh không phải là con đường giải thoát khỏi đau khổ. Vì tổn thương không mất đi, mà chỉ chuyển sang cho những người thân yêu còn đang sống.

Vì vậy, sau thời gian dài suy nghĩ, Vân đã làm một số podcast “Tôi là ai” với tựa đề “Đừng chọn rời bỏ cuộc sống này”. Cô chia sẻ, bản thân làm về vấn đề này, với mong muốn những thính giả hãy tiếp tục sống. “Khi họ đang nghe được podcast này, ở đâu đó trong thế giới vẫn có người cầu nguyện được sống trên “chiếc giường đắt giá nhất của đời người”. Vì vậy, tôi xin những thính giả hãy sống vì bản thân, đừng hủy hoại cuộc đời của mình như vậy”, Khánh Vân nói.

Cú sốc đầu đời khiến cho Khánh Vân trân trọng cuộc sống hiện tại. (Nguồn: Đặng Khánh Vân)

Cú sốc đầu đời khiến cho Khánh Vân trân trọng cuộc sống hiện tại. (Nguồn: Đặng Khánh Vân)

Tự tạo “tấm khiên” cho bản thân

Khánh Vân cho biết, thời gian đầu làm podcast, cô thường xuyên đọc hết tin nhắn của mọi người. Nhưng sau này, lượng tin nhắn ngày càng nhiều, cô cũng nhận được những câu chuyện tiêu cực, bi quan của các thính giả: “Công việc luôn có cả mặt tiêu cực và tích cực, vì vậy, tôi dần học cách cân bằng lại cho tâm hồn mình”. Vân cho biết, hiện nay, cô đã tạo nên một “tấm khiên”, phân định rõ ranh giới giữa công việc và cuộc sống: “Tôi rất yêu mến các thính giả, nhưng tôi vẫn còn có đời sống riêng tư, bố mẹ, anh, chị, em và bạn bè”. Vì vậy, cô thường phân định thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tránh “lún” quá sâu vào câu chuyện của những người khác.

Vân cho biết, là một người làm về chữa lành và truyền cảm hứng, cô thường xuyên đi ra ngoài, học hỏi những kiến thức mới. Gần đây, cô đang chăm lo cho sức khỏe tinh thần của chính bản thân: “Tôi nghĩ rằng, người trẻ thời nay, có xu hướng chú ý sức khỏe của bản thân. Đặc biệt là sức khỏe tinh thần”. Tiếp xúc với phần lớn bạn bè, thính giả trong thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1990-2010), Vân cho biết người trẻ bây giờ sẵn sàng nghỉ việc, nghỉ phép, sử dụng tiền bạc để giúp cho bản thân trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn. Điều này thường không được thế hệ trước chú trọng nhiều như bây giờ.

Hiện tại, Khánh Vân đang học thiền, để có thể giúp cô tập trung và thanh lọc những suy nghĩ tiêu cực, trở về với lối sống đơn giản. Cô chia sẻ, nếu như bản thân không thể tự chữa lành cho tâm hồn thì sẽ không thể giúp được mọi người xung quanh. Vân cho rằng: “Tôi còn rất nhiều tính xấu như nóng giận, ghen tỵ, buồn bã”. Tuy nhiên, mỗi lúc như vậy, tôi thường tìm cách để “đổi hướng suy nghĩ tiêu cực”, để bản thân bình ổn mới tiếp xúc với mọi người.

Vân tâm sự, khi bản thân hạnh phúc, suy nghĩ lạc quan hơn, cô sẽ có nhiều ý tưởng cho công việc. Cô thường kết hợp đi chơi, đi du lịch để có những trải nghiệm ở vùng đất mới. Đồng thời, những chuyến “xê dịch” khiến Vân thư giãn tâm trí, gặp gỡ những người bạn thú vị, đó chính là ý tưởng giúp cho cô tiếp tục phát triển kênh Mây Podcast với nhiều nội dung độc đáo, sáng tạo.

Đọc thêm