Bà cũng là người nhiệt tình hướng dẫn diễn xuất cho các thế hệ trẻ mà không quản ngại mưa nắng, sớm khuya. NSƯT Phi Điểu dường như trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 85 của mình nhờ tinh thần làm việc chưa khi nào ngưng nghỉ.
Ngồi cà-phê chiều với diễn viên Thụy Mười, tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn má Phi Điểu (NSƯT Phi Điểu-PV), chị vui vẻ “kết nối” giúp tôi. Chừng 20 phút sau, tôi đã thấy má có mặt ở quán cà-phê cùng với chúng tôi. Điều này gây bất ngờ không chỉ với riêng tôi mà với đa số mọi người nghĩ rằng khó có thể xảy ra với một nghệ sĩ nổi tiếng, nhất là lại ở tầm tuổi “khó chiều” ấy.
Nếu như trên phim ảnh, khuôn mặt má hiền hậu cỡ nào thì ở ngoài đời cũng như vậy, duy chỉ khác một điều là trên phim ảnh, nhìn má tảo tần, vất vả còn ở ngoài đời má bình dị và ấm áp.
Trong cuộc chuyện trò với má Phi Điểu, tôi có cảm giác thân tình giống như một người con, đứa cháu bé nhỏ trong gia đình, lâu lâu được nghe má kể chuyện ngày xửa, ngày xưa. Những năm tháng mà má đã sống và trao đi tất cả yêu thương cho gia đình, công việc và những người xung quanh.
Mối tình đẹp của hai nghệ sĩ “nghèo”
NSƯT Phi Điểu tên thật Nguyễn Thị Phi, sinh ra tại Campuchia, trong một gia đình người Việt có truyền thống cách mạng. Bà kể, khi bà 7, 8 tuổi, cha bà đưa cả gia đình về lại quê nội ở Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp-PV). Cha bà tham gia kháng chiến còn mẹ là giáo viên dạy tiếng Anh, tiếng Pháp nên từ khi còn nhỏ, bà và các anh chị em trong gia đình đều được thừa hưởng nền giáo dục cũng như năng khiếu từ mẹ.
Còn nhỏ, nhưng nhanh nhẹn nên khi cha tham gia hoạt động Cách mạng, nghệ sĩ Phi Điểu được cha cho đi theo cùng. Vì cha hoạt động bí mật nên cũng không ít lần mấy mẹ con bà suýt mất mạng vì cha bị phát hiện.
Sau đó, năm 1945, khi mẹ dẫn mấy anh em về Đồng Tháp tham gia hoạt động thì nghệ sĩ Phi Điểu thoát ly gia đình theo tổ chức theo tổ chức hẳn. Hoạt động được chừng mấy năm thì bà bị bắt. Để tránh ảnh hưởng đến gia đình, bà phải khai gian, do quê nghèo quá nên lên đây giúp việc nuôi thân.
Bị giam suốt hai năm, Phi Điểu bị tra khảo, đánh đập, dụ dỗ cũng nhiều. Bà bảo, nói không sợ là nói dối vì khi ấy bà còn quá nhỏ. Nhưng bà cứ nghĩ nếu mình khai thì nhiều người nữa cũng bị bắt bớ, tra tấn như mình, tự dưng khiến bản thân trở nên gan lỳ hơn hẳn. Sau một thời gian không khai thác được gì ở bà, Phi Điểu được tha theo dạng trao đổi tù binh.
Năm 1954, bà từ miền Nam tập kết ra Bắc được ít lâu, rồi về đoàn Cải lương Nam Bộ công tác. Quãng thời gian đó, nghệ sĩ Phi Điểu cùng với mọi người trong đoàn vừa múa, hát, diễn kịch, hát cải lương, thậm chí làm luôn cả xiếc. Ở đâu cần là đoàn đi tới đó. Theo lời bà thì trong đoàn ngày ấy chủ yếu là những chị em dân quân, trẻ trung, nhiệt huyết.
Bà kể, cũng trong những ngày tháng theo tổ chức, cái tên “Phi Điểu” đã được ra đời. “Khi các cô các chú hỏi tên tôi, tôi tình thiệt kể. Một cô mới đề nghị đặt thêm chữ gì đó cho dễ gọi. Nghiệm nghiệm một hơi, cô nói từ nay gọi là Phi Điểu.
Phi là bay, thêm Điểu nữa cho bay xa, bay nhanh. Sau này, đi gặp mấy chú, mấy chú mới giải thích, con chim đà điểu không bay được nhưng nó chạy còn nhanh hơn xe hơi nữa. Cái tên theo tôi đến tận bây giờ”, NSƯT Phi Điểu tâm sự.
Trong những ngày chia cách đất nước ấy bà đã từng mong ngóng được trở về nhà, lúc đầu là 1 năm, 2 năm, rồi 3 năm, 5 năm... Thời gian cứ kéo dài đằng đẵng, lâu rồi bà tưởng chừng như chẳng còn nước mắt để mà khóc mong về nhà nữa.
Và những ngày tháng “đặc biệt” đó, bà đã gặp nhạc sĩ Phan Nhân - người mà sau này “không có bài hát nào viết riêng cho vợ” nhưng mỗi bài hát ông viết đều có bóng dáng của bà, như một hậu phương vững chắc cho sự nghiệp ông lựa chọn và cả đời cống hiến. Sự hào hứng của bà chính là nguồn cảm hứng dồi dào để ông viết nhiều tác phẩm được khán giả yêu thích.
Nghệ sĩ Phi Điểu kém nhạc sĩ Phan Nhân 3 tuổi. Hai vợ chồng bà cùng sinh hoạt trong đoàn văn công giải phóng miền Nam tập kết ra Bắc, nhờ có sự tác hợp của đồng đội, họ nên vợ nên chồng. “Đám cưới được tổ chức giữa lán trại trong rừng, chỉ có ít nước chè và bánh kẹo. Khi đó, chúng tôi đang đóng quân tại miền Trung. Toàn anh em văn nghệ tham gia nên đám cưới giản dị mà vui”, nghệ sĩ Phi Điểu nhớ lại.
Những năm 1970, trong hoàn cảnh chiến tranh leo thang khốc liệt ở miền Bắc, hai vợ chồng thường xuyên xa cách. Trong khi nhạc sĩ Phan Nhân rong ruổi khắp đất nước để gây dựng phong trào văn nghệ hoặc đi nước ngoài học tập, công tác thì vợ ông ở lại nơi tập kết, vừa nuôi con vừa tiếp tục nhiệm vụ người lính.
Lúc này, nghệ sĩ Phi Điểu đã chuyển sang làm phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà cũng thường xuyên di chuyển qua các điểm sơ tán. Mỗi lần như vậy, bà phải gửi con để làm nhiệm vụ.
Những khó khăn, gian khổ trước mắt không làm chùn bước đôi vợ chồng bởi dù có cách xa, họ thường xuyên thư từ động viên, thăm hỏi, mang niềm tin đến cho nhau. Theo cố nhạc sĩ, chính sự đảm đang cùng tấm lòng yêu thương chồng con và hết mực chung thủy của nữ nghệ sĩ tạo nên sự gắn kết giữa hai vợ chồng; thế nên, dù sống xa nhau nhiều, họ vẫn có nhau trong tâm tưởng.
Sau ngày đất nước thống nhất, vợ chồng Phan Nhân - Phi Điểu quay lại Sài Gòn công tác trong Đài Phát thanh TP.HCM (nay là Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM). Lúc này, nhạc sĩ vẫn ôm đàn đi khắp các tỉnh Nam Bộ gây dựng phong trào văn nghệ những ngày đầu giải phóng. Chỉ đến khi gần về hưu, làm công tác biên tập âm nhạc cho đài phát thanh, ông mới có nhiều thời gian quan tâm đến gia đình.
Nghệ sĩ Phi Điểu kể, cả cuộc đời làm nghệ thuật, nhạc sĩ Phan Nhân không bao giờ viết theo đơn đặt hàng để kiếm tiền, nhưng bà biết tính chồng, chưa bao giờ bà phiền lòng vì điều đó. “Ham muốn vật chất ai cũng có nhưng vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau, không bao giờ làm điều gì để cắn rứt lương tâm. Dù chúng tôi không giàu nhưng ông ấy không mặc cảm với sự nghiệp”, NSƯT Phi Điểu cho biết.
Sống với nhau đã mấy chục năm nay, trong mắt NSƯT Phi Điểu, cố nhạc sĩ là người thẳng thắn và trong sạch. Ông sống trước sau như một và rất tình nghĩa với bạn bè. Với con cái, ông cũng thế. Chưa bao giờ nhạc sĩ nổi tiếng “la mắng hay đánh đòn hai đứa nhỏ”. Nhưng bà cũng bảo, ông không chăm con được vì quá bận bịu với công việc sáng tác và nghiên cứu.
Những ngày tháng cuối đời nhạc sĩ không còn viết nhiều như trước. Những ngày rảnh rỗi, vợ chồng nghệ sĩ thường xuyên chở nhau trên chiếc xe đạp điện, đi thăm thú bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội.
Bước sang tuổi 85, sức khỏe nhạc sĩ Phan Nhân yếu đi nhiều. Ông bị bệnh tim, phổi và nhiều căn bệnh tuổi già khác. Những ngày chồng nhập viện, NSƯT Phi Điểu tạm gác việc quay phim, tự tay chăm miếng ăn, giấc ngủ cho người bạn đời. Bà cũng giữ bình tĩnh, đích thân chu toàn việc chăm sóc cho chồng trong những ngày cuối đời khi ông được chuyển từ bệnh viện về nhà.
Những ngày đó, cố nhạc sĩ rất đau vì bệnh tim và phổi hành hạ. Ở bên chăm sóc chồng, nghệ sĩ Phi Điểu cũng không đành lòng khi chứng kiến ông phải chịu đựng những cơn đau hành hạ. Một ngày hè tháng 6, nhạc sĩ “Hà Nội niềm tin và hy vọng” trở về với đất mẹ...
85 tuổi vẫn chạy xe máy đến phim trường
Đã hơn 1 năm kể từ ngày nhạc sĩ Phan Nhân về với cát bụi. Bà nói ông ra đi nhẹ nhàng, cũng là đã xong một sứ mệnh của đời ông. Bà làm lễ quy y cho ông để được đưa ông vào chùa Hải Tuệ, cũng là cách để bà đến thăm ông hàng ngày và tìm thấy thanh thản hơn trong tiếng kinh kệ.
“Nhiều đêm nằm nhớ lại đời mình, đã biết bao chặng đường thăng trầm, đi hết một vòng nỗi nhớ năm tháng vẫn không sao quên được những ngày còn ông (Nhạc sĩ Phan Nhân-PV). Không sao quên được lời căn dặn phút cuối đời của ông: “Đừng khóc, bình tĩnh mà chấp nhận mọi thứ. Vạn pháp vô thường, có sanh thì có diệt. Sinh lão bệnh tử phù vân, ai rồi cũng phải đi theo quy luật của cuộc sống”.
NSƯT Phi Điểu bùi ngùi nói: “Giờ ổng (cố nhạc sĩ Phan Nhân - PV) không còn nữa, còn mình, trời cho mình sức khỏe bao nhiêu thì ráng sống có ích bấy nhiêu. Sống vui với con cháu được ngày nào thì vui ngày ấy. Ổng đi sớm quá, nhưng mà cũng là may ổng đi trước mình, để còn có mình lo lắng nhang khói cho ổng”. Vậy nên dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn miệt mài chạy xe máy đến phim trường, tận tụy tham gia những chương trình truyền hình thực tế.
Người nghệ sĩ già bảo hình như cái tên “Phi Điểu” nó “ngấm” vào cuộc đời bà lúc nào không hay. Bởi cứ “rảnh” chân là thấy bụng nó nhớ nhớ, lòng nó bồn chồn. Nhớ lại quãng thời gian nghỉ làm ở Đài phát thanh, tuổi cũng ở độ hưu, không nghỉ ngơi giống như những người khác, nghệ sĩ Phi Điểu lại về gây dựng phong trào ca hát ở khu phố cho rôm rả.
Nhờ kinh nghiệm của những năm đi diễn ở rừng, vở diễn bà dựng được giải, lên tới cấp quận rồi cấp thành phố. Nhiều đồng đội, bạn bè khi xưa nhận ra bà. Tiếng lành đồn xa, nhiều người mời bà đi đóng phim.
Vai đầu tiên bà đóng là mẹ của nhân vật Thanh trong phim “Blouse trắng” của đạo diễn Trần Mỹ Hà. Từ sau bộ phim đầu tay lúc xế chiều, NSƯT Phi Điểu tham gia nhiều phim hơn. Với người nghệ sĩ này thì vai phụ, vai ít phân đoạn, nổi tiếng hay không, bà cũng không màng. Bà quan niệm: “Quan trọng là tôi giúp được người ta khi người ta cần mình”.
Những vai diễn mà bà đã thể hiện để lại dấu ấn trong khán giả là những người phụ nữ tảo tần, chịu nhiều bất hạnh. “Tôi thích những nhân vật nghèo khổ tảo tần, ăn mặc xấu xí hay số phận bi thương khốn cùng. Tôi hợp với dạng vai đó và thấy mình hạnh phúc khi được làm người nghèo, nói lên số phận của họ.
Những lúc về đóng phim ở tỉnh, nhiều khán giả lớn tuổi nhận ra, đến nói rằng họ thích những vai tôi đóng, gần gũi xúc động. Họ nói họ thương mình như thương những vai diễn của mình. Tình cảm của khán giả là sức mạnh tinh thần lớn nhất của người nghệ sĩ”, NSƯT Phi Điểu tâm sự.
Với nhiều nghệ sĩ vào độ tuổi như nghệ sĩ Phi Điểu có rất nhiều khó khăn trong quá trình đi diễn nhưng với bà, mọi thứ đều nhẹ tênh. Bà khiến nhiều người ngạc nhiên khi trí nhớ vẫn rất minh mẫn, chưa khi nào bà quên lịch làm việc hay phải nhờ thư ký nhắc thoại trên trường quay.
Nghệ sĩ Phi Điểu cũng là người giúp các diễn viên trẻ, diễn viên nhí lấy cảm xúc dễ dàng hơn. Có nhiều lúc, diễn viên không khóc được mà chỉ có bà ra diễn, nhìn nét mặt của bà là không cách gì kìm lòng được. Nước mắt cứ như thế chảy cùng nhân vật. Nói không quá, có không ít nghệ sĩ nhờ phần diễn minh họa chạm đến cảm xúc của NSƯT Phi Điểu mà đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi lớn.
Nếu như trên màn ảnh, nghệ sĩ Phi Điểu chuyên vào vai những bà mẹ miền Nam đau khổ, bất hạnh, nhẫn nại và “câu” nước mắt của khán giả, thì cuộc sống của bà ở ngoài đời khác hẳn. Bà bảo, bà có lương hưu nên đời sống không mấy vất vả.
Tuy vậy, tôi còn nhớ thời gian diễn ra chương trình “Vietnam Idol Kids 2016”, má Phi Điểu có phụ diễn trong ca khúc “Bà Năm” cho thí sinh Hồ Văn Cường. Có một số người chụp lại hình ảnh trong lúc bà ngồi ở hậu trường đợi đến giờ diễn, khiến nhiều người thắc mắc tại sao gia đình lại để bà “bơ vơ vất vả thế kia” hay “già rồi mà còn ham kiếm tiền”...
Nhưng có quen bà rồi mới biết, bà là người chưa khi nào đòi hỏi mức cát-sê với mình. Khi được các đạo diễn hỏi về thù lao, bà luôn nói trả sao cho cả bà và họ đều không bị thiệt. Nhưng nói thật, đã không ít lần tôi thấy nhiều đồng nghiệp “trách” bà vì bà hiền quá nên đôi khi bị người khác lợi dụng hay bị trả công không xứng đáng.
“Sự thực, cát-sê cho các vai diễn đối với tôi chỉ là tượng trưng. Tuy nhiên, nó rất quan trọng vì đó là số tiền tôi dành để sung vào các quỹ khuyến học trên địa phương, và đóng góp cho một số hoàn cảnh đáng thương. Bao năm nay quen hoạt động, giờ bắt tôi phải ngồi một chỗ hưởng thụ tuổi già, tôi không làm được. Còn sức khỏe, tôi còn hoạt động để thấy mình còn có ích”, nghệ sĩ Phi Điểu nói.
Đến nay, nữ nghệ sĩ già vẫn tự đi xe máy mỗi khi đến địa điểm quay. Bà không bao giờ muốn phiền hà đến người khác trong khi tự mình làm được. “Có ngày tôi lái xe vài chục cây số đi diễn, đi đến xịt khói xe. Đến khi về đến gần nhà tôi phải tắt máy, dắt bộ vì không muốn con cháu lo lắng.
Con cái luôn mong muốn tôi ở nhà nghỉ ngơi, và sợ tôi lái xe trên đường gặp nguy hiểm nên thường bảo để đưa đi hay gọi taxi nhưng tôi cản. Việc của mình tôi không muốn làm phiền đến con cháu. Nhưng tính tôi vậy, có gàn cũng không gàn nổi. Tôi muốn tự mình cầm lái vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa thấy mình vẫn tự do tự tại làm được điều mình thích”.
Tuổi già để tìm được cho mình niềm vui, hạnh phúc không phải là điều dễ dàng gì. Rời khỏi những công việc, những vai diễn trên phim trường, NSƯT Phi Điều lại bận rộn các công việc ở phường. Bà phụ trách gây dựng phong trào văn nghệ cho địa phương.
Thời gian rảnh, bà cùng với mọi người đi vận động bà con chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chút ít thời gian còn lại, bà dành cho việc đọc sách, xem phim, xem báo hay đọc kịch bản...
Trời sẩm tối, má chào tôi ra về cho kịp giờ để đến chùa Hải Tuệ thắp hương và tụng kinh cho chồng. Má bảo, đó chính là nơi để má có thể “tâm sự” với người bạn đời của mình một cách gián tiếp.
Nhìn hình ảnh người nghệ sĩ già một đời hết lòng vì nghệ thuật, hàng ngày vẫn chạy xe máy đến phim trường khiến tôi không khỏi xót xa. Người ta vẫn nói: “Thời gian không chờ đợi ai” nhưng có lẽ với má Phi Điểu, thời gian cũng phải chào thua.
Thế nên, tôi chỉ mong người nghệ sĩ ấy có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hoàn thành “sứ mệnh lớn lao” như má vẫn đang và sẽ làm dù không còn người bạn đời ở bên cạnh như trước. Tôi tin rằng, sẽ có một sợi dây kết nối cho hai “trái tim già” lại với nhau ở mọi lúc, mọi nơi; dù có cách xa thì chắc chắn họ vẫn luôn có nhau trong tâm tưởng...