Cấm thuốc lá, tại sao không cấm thuốc lào?

Đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên), cho rằng: Cần có sự điều chỉnh hành vi cấm đối với đối tượng hút thuốc lào. Bởi lẽ, ước tính trên cả nước hiện nay có khoảng 4 triệu người hút thuốc lào.

Sáng nay (16/11), Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 2 do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển thảo luận tại hội trường, góp ý về Dự thảo Dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Luật này gồm 5 chương 32 điều, quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Các hành vi bị nghiêm cấm

Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) nhận định, nghiện thuốc lá chủ yếu là nam giới, tác hại của thuốc lá gây ung thư phổi, làm tăng nguy cơ vô sinh, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, do vậy rất tán thành với quy định cấm tại Điều 7 của Dự thảo.

Vẫn chưa có quy định cấm hút thuốc lào ở các nơi công cộng

Theo Điều 7 thì có 12 khoản bị nghiêm cấm (gồm: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, sản phẩm mô phỏng thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá hoặc buôn bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá không có giấy phép; sản xuất thuốc lá vượt quá sản lượng ghi trong giấy phép; không in cảnh báo sức khỏe hoặc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá không theo đúng các quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan; quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức...) thì không thấy có hành vi nào cấm (...) về hút thuốc lào, phương tiện hút thuốc lào như điếu bát hoặc điếu cày!

Đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên), cho rằng: Cần có sự điều chỉnh hành vi cấm đối với đối tượng hút thuốc lào. Bởi lẽ, ước tính trên cả nước hiện nay có khoảng 4 triệu người hút thuốc lào.

Số người hút thuốc lào ở nơi công cộng như bến xe, bến tàu, các quán xá quanh bệnh viện, thậm chí có cả trong một số cơ quan nhà nước ở cấp huyện; khói độc do thuốc lào gây ra môi trường còn có thể độc hại hơn cả thuốc lá. Thế nhưng, trong Dự thảo của Luật này “bỏ trống các quy định cấm về thuốc lào”!

Cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá bao nhêu % là vừa?

Khoản 2 Điều 14 của dự thảo, có nội dung: “Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên tất cả các bao bì thuốc lá, bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn”. Về vấn đề này, có 2 loại ý kiến khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe đối với thuốc lá quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này. Chính phủ quyết định tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên 50% căn cứ vào tình hình kiểm soát thuốc lá lậu và yêu cầu của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế. (Trích khoản 4 Điều 14 Dự thảo Luật phòng, chống tác hại thuốc lá)

Loại ý kiến thứ nhất, đồng ý với quy định in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, được thay đổi định kỳ, phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả các vỏ bao thuốc lá tại Điều 14 của dự thảo Luật.

Hiện nay, một số nước đã quy định diện tích in cảnh báo chiếm 60-80% trên vỏ bao thuốc lá và đây cũng là biện pháp tuyên truyền rất hiệu quả cho hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

Loại ý kiến thứ hai, một số đại biểu trong đó có đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đề nghị nên quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 30 - 35% diện tích mặt chính trư¬ớc, sau trên tất cả các vỏ bao thuốc lá, sau 5 năm thực hiện sẽ tăng dần lên 50%.

Ủy ban về các vấn đề xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc quy định các mẫu chữ và hình ảnh để in cảnh báo cũng như thời gian thay đổi các mẫu cảnh báo này.

Xử lý nghiêm vi phạm

Đa số các ý kiến đề nghị để bảo đảm tính khả thi của quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn (Điều 9) và địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Điều 10) cần phải quy định chi tiết, cụ thể hơn về thẩm quyền và quy trình xử lý vi phạm; cần quy định tại khoản 2 Điều 25 là không được bán thuốc lá tại các tất cả các địa điểm có quy định cấm hút thuốc (không trừ nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường).

Các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên bắt được các vụ buôn lậu thuốc qua các cửa khẩu ở biên giới Tây nam

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định cấm hút và bán thuốc lá trong một bán kính nhất định ở một số khu vực ngoài trời đặc thù như cổng trường học, cổng bệnh viện...

Đại biểu Dương Ngọc Ngưu còn có kiến nghị cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 65% đối với thuốc lá, sẽ hạn chế được nguồn cung.

Mặt khác, có ý kiến khác cho rằng, quy định mức xử phạt đủ mạnh đối với những người hút thuốc lá không đúng nơi quy định; quy định rõ hơn về trách nhiệm của UBND phường, xã trong việc phối hợp với các cơ sở đóng trên địa bàn về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng: “Thuốc lá có mặt tốt của nó; nó như một sản phẩm văn minh của nhân loại…”. Tuy nhiên, một số đại biểu không tán đồng với ý kiến này.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội cần đưa vào Luật này các quy định xử phạt nghiêm minh. Đồng thời, đại biểu Đương đưa ra một số giải pháp như hạn chế sản xuất và nhập khẩu thuốc lá, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá qua các cửa khẩu; mạnh dạn đề ra quy định không hút thuốc lá ở lễ hội, ở đám ma đám cưới, để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Một số đại biểu khác đề nghị cần quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá (Điều 13) còn chung chung rất khó để khắc phục tình trạng hút thuốc tràn lan.

Việc quy định người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền yêu cầu chấm dứt việc hút thuốc lá, yêu cầu người vi phạm ra khỏi cơ sở của mình và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý là chưa đủ mạnh, cần có quy định giao thẩm quyền cho người đứng đầu hoặc lực lượng bảo vệ của cơ sở đó quyền xử phạt trực tiếp đối với người vi phạm.

Trọng Hùng
 

Đọc thêm