Trận chiến trong vòng vây quần thù
Ông Nguyễn Hữu Phúc (SN 1949, ngụ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) dáng quắc thước, làn da rám nắng, hồ hởi kể chuyện cũ:
Ông vốn giác ngộ cách mạng từ rất sớm. 18 tuổi, chàng thanh niên đảm nhận nhiệm vụ Đội trưởng đội vũ trang công tác Ân Tài Thiện.
Một ngày cuối năm 1968, căn hầm ông Phúc ẩn thân cùng hai chiến sĩ an ninh nội thành bị lộ. Cả ba đều rơi vào tay quân thù, bắt đầu những chuỗi ngày từ nhà lao này sang nhà lao khác.
Ông Phúc bị địch giam ở lao Thừa Phủ (Huế) một thời gian ngắn thì đưa vào trại giam ở Đà Nẵng 3 tháng, sau đó chuyển lên máy bay, đưa ra trại giam Phú Quốc, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.
Trong nhà lao, ông Phúc cũng như các đồng đội phải trải qua đủ mọi loại hình tra tấn man rợ nhất của quân thù. Đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, có lúc tưởng không gượng dậy được, nhưng ý chí sắt đá, lòng kiên cường bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, đã khiến ông Phúc vượt qua nỗi đau, hợp lực cùng đồng đội ngày đêm tìm phương cách đấu tranh.
Trước cuộc sống quá khắc nghiệt trong nhà giam, Chi bộ Đảng trong tù quyết định phát động cuộc đấu tranh trên diện rộng, đòi địch phải cải thiện đời sống dân sinh, dân chủ như cải thiện bữa ăn, chăm sóc sức khỏe, chống đánh đập.
Để tránh tổn thất, không cho địch có cơ hội đàn áp, bắn giết các anh em chiến sĩ, Chi bộ quyết định hình thức đấu tranh bất bạo động bằng cách tuyệt thực.
Nhà tù Phú Quốc những năm 1970, “địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt |
Mở đầu cuộc đấu tranh, buổi sáng khi anh em chiến sĩ ra ngoài gánh nước, tắm rửa, liền khua chiêng gõ trống, địch ở bên ngoài kẽm gai liền xả súng vào. Anh em nhanh chóng rút vào bên trong tuyệt thực. Suốt một tuần trôi qua, giặc vẫn làm ngơ, không hề có động tĩnh.
“Do có chuẩn bị trước, những miếng cơm cháy ăn thừa trong các bữa ăn, được mọi người phơi khô, cất kỹ, giờ mang ra nấu thành nước, tiếp sức cho anh em nào sức khỏe yếu, bắt đầu đuối sức.
Tình hình ngày một căng thẳng, Chi bộ quyết định họp cấp tốc, đưa ra phương án mới. Cuộc đấu tranh phải chuyển sang hướng quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, chấp nhận cả hy sinh mới mong có được kết quả. Chỉ cần gây tiếng vang lớn, tin tức bay đến Hà Nội, thì cả thế giới sẽ biết”, người chiến sĩ năm nào hồi ức.
Mổ bụng tố cáo lao tù tàn ác
Nhiệm vụ lần này là mổ bụng tự sát. Người chiến sĩ nhận nhiệm vụ, xem như chấp nhận cái chết, để đấu tranh với quân thù. Phương án được triển khai về từng chi bộ Đảng của mỗi tỉnh. Chi bộ Đảng Quảng Nam được chọn 1 người, chi bộ Bình Định được chọn 1 người, chi bộ Trị Thiên thì do ông Phúc đảm nhận.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ quyết tử, anh em chiến sĩ chuẩn bị sẵn mỗi người một con dao bằng inox, được làm từ cán cà mèn của Mỹ, mài sắc như dao cạo râu.
Đảng ủy giao ông Phúc đọc bản cáo trạng, tố cáo tội ác của Mỹ và chế độ Sài Gòn. Chi bộ nhà tù quyết định tổ chức buổi lễ truy điệu sống cho ba chiến sĩ cảm tử, trước khi họ thực hiện nhiệm vụ mổ bụng tự sát.
Sáng một ngày giữa tháng 9/1972, ông Phúc cùng 2 đồng đội tiến ra bên ngoài khoảng sân, tất cả anh em tù binh đều ở trong phòng, nín thở chờ đợi.
Quân cảnh dàn hàng đứng ngoài hàng rào thép gai, chĩa súng vào anh em tù binh. Giặc lặng im, quan sát tình hình.
Dù suốt một tuần nhịn đói, sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhưng ông Phúc vẫn dõng dạc đọc bản cáo trạng đầy đanh thép. Sau khi cất cao giọng hỏi bọn địch có đồng ý giải quyết những yêu sách của anh em tù binh hay không, trong khi địch đang bần thần, chưa biết xử trí ra sao, ông Phúc cùng đồng đội, rút con dao trong túi áo ra mổ bụng.
Nhà tù Phú Quốc những năm 1970, “địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt |
Người chiến sĩ anh dũng hồi ức: “Trước khi chìm vào cơn mê, tui còn kịp nghe tiếng la hét inh ỏi của anh em tù binh. Mọi người nhanh chóng lao ra, bồng cả ba vào trong, băng bó vết thương. Địch cũng lo lắng thông tin lọt ra ngoài, sẽ bị quốc tế lên án, nên đưa cả ba đến bệnh viện chữa trị.
Suốt thời gian chúng tôi điều trị, cố vấn Mỹ thường xuyên đến bệnh viện thăm, quyết tâm không để tù binh chết”.
Ông Phúc kể, trong lúc ông nằm trên giường bệnh để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, khâu vết thương, thì có chiến sĩ của ta lấp ló bên ngoài cánh cửa, quan sát tình hình.
“Sau này, anh ấy kể lại, lúc giải phẫu, các bác sĩ đã lôi ruột tui ra, soi dưới đèn rất kỹ rồi ngạc nhiên: “Không ăn gì, sao vẫn sống được chừng đó ngày nhỉ?””, ông Phúc cười.
Lần mổ bụng trong nhà lao của ông Phúc và hai đồng đội đã khiến giặc chấp nhận 11 điều khoản mà anh em tù binh yêu cầu. Sau khi thực hiện nhiệm vụ cảm tử, nhưng vẫn thoát được lưỡi hái tử thần, ra viện, ông Phúc được đưa về trại giam cũ.
Ngày 19/3/1973, ông Phúc cùng nhiều chiến sĩ khác được trao trả tù binh. Sau một thời gian dài điều trị sức khỏe tại Quảng Bình, tháng 12/1974, ông Phúc trở lại chiến trường Trị Thiên nhận nhiệm vụ.
Tại đây, ông tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ mới, ra sức củng cố lại đội vũ trang, chuẩn bị mọi mặt để đồng loạt cùng triển khai Cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.