Camera giám sát trường học: “Có tiền cũng không lắp"!

Nếu có camera, giáo viên mới “nhẹ tay” với học sinh, vậy cần gì ngành giáo dục phải quản lý nhà giáo?
Nếu có camera, giáo viên mới “nhẹ tay” với học sinh, vậy cần gì ngành giáo dục phải quản lý nhà giáo?Trong khi các bậc phụ huynh mong ước được giám sát con mình qua camera tại trường học thì các giáo viên, một số nhà quản lý lại cho đây là chủ trương không mấy cần thiết.

Đắt đỏ

Ông Nguyễn Trọng Chức - Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) - cho biết, trên địa bàn quận hiện có 25 trường mầm non công lập, 14 trường ngoài công lập và hơn 90 nhóm lớp.

Trong số đó, chưa có trường nào được lắp camera. Mặc dù đây là quận có số dân đông nhất nhì thành phố nhưng đến thời điểm này, chưa có chuyện giáo viên đánh đập học sinh.
Lắp đặt camera trong lớp học không phải là biện pháp tốt để quản lý hoạt động dạy và học. (Ảnh: C.H)
Theo ông Chức, nếu đã bạo hành thì trẻ có thể bị bạo hành bất cứ đâu, cả ở những nơi được camera giám sát hoặc không giám sát. Quan trọng là vai trò của giáo viên. Nếu giáo viên không được đào tạo bài bản, dù lắp camera hay không, việc chăm sóc trẻ cũng không được đảm bảo. 
“Thực ra việc giáo viên đánh đập học sinh là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, không phải trường nào và giáo viên nào cũng bạo hành các cháu. Đặc biệt, đối với một địa phương nông thôn, giám sát học sinh qua camera như thành phố là mong ước ngoài tầm tay ”.

Bà Nguyễn Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên (Hà Nội)    
Vì thế, hiện tại Phòng giáo dục quận Bình Thạnh chưa có chủ trương gì liên quan đến vấn đề lắp “mắt thần” trong trường học và cũng không có ý định lắp đặt. Trong khi đó, để lắp một chiếc camera quá tốn kém. Trường hợp phụ huynh cứ yêu cầu đóng góp để lắp cho yên tâm thì theo ông Chức, cũng khó thực hiện vì không hẳn phụ huynh nào cũng có khả năng kinh tế. Đặc biệt, chỉ chờ đợi vào việc có camera để giáo viên “nhẹ tay” hơn với học sinh thì ngành giáo dục quản lý giáo viên làm gì nữa (?!). Theo khảo sát của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, để lắp đầy đủ camera cho một cơ sở nhỏ trên dưới 10 lớp, tốn khoảng 100 triệu đồng. Tại các trường lớn thì con số đó còn nhiều hơn. Hiện nay, các trường mầm non còn cần kinh phí cho nhiều hoạt động giáo dục khác nên theo cô Kim Thanh (Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP HCM), không thể đủ nguồn tài chính để thực hiện ý tưởng lắp camera trong trường học. Hiện nay, một số cơ sở mầm non tư thục đã lắp đặt camera theo dõi là xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và có sự thoả thuận. Nhưng về chuyên môn, cô Kim Thanh cho rằng đây không phải là biện pháp tốt để quản lý hoạt động dạy - học. Camera dù có hiện đại tới đâu cũng không thể theo dõi toàn bộ hoạt động trong lớp học. Thậm chí, nó sẽ gây ức chế cho giáo viên trong suốt thời gian giảng dạy. Ngành giáo dục phải lo trước Mặc dù việc thành lập trường mầm non hiện vẫn đang theo quy trình Phòng giáo dục tham mưu, thẩm định trước khi Ủy ban quận, huyện hoặc các phường cấp phép. Tuy nhiên, nhiều ngày qua tình trạng bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục vẫn diễn ra khiến nhiều gia đình hoang mang. Điều này, khiến nhiều phụ huynh ngược xuôi kiếm lớp có camera cho con theo học. Theo ông Nguyễn Trọng Chức, thông thường bạo hành hay xảy ra ở những nhóm lớp hoặc trường dân lập, tư thục. Và thực tế, cũng chỉ một số trường tư mới đủ kinh tế để lắp camera. Vậy những trường ở vùng sâu, vùng xa, phụ huynh không đủ điều kiện đóng góp để lắp “mắt thần”, phụ huynh gửi gắm hết niềm tin cho giáo viên. Vì thế, giáo viên phải tự nâng cao năng lực của mình trước. Về điều này, cô Nguyễn Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, địa phương hiện có tổng số trên 11.000 học sinh độ tuổi mầm non, trong đó, có 2 trường chuẩn quốc gia, 6-7 trường tốt và khoảng 450 nhóm lớp. Mặc dù không được giám sát qua camera nhưng phụ huynh học sinh vẫn hài lòng. Theo cô Hằng, việc dạy học được quản lý ổn định như hiện nay, lắp camera trong lớp là quá tốn kém, không cần thiết. Quan trọng là giáo viên phải tự nâng cao năng lực của mình. Những nhà giáo nên xác định vai trò nghề nghiệp để đối xử đúng đắn với học sinh mới là giải pháp lâu dài và thực sự chất lượng. Trường hợp phụ huynh quá lo lắng với việc giáo viên không chăm con mình đúng theo yêu cầu và phải tự nguyện góp tiền lắp camera, cô Hằng cho rằng, ngành giáo dục phải thực sự đáng ngại và lo lắng để quản lý đội ngũ giáo viên sao cho tốt hơn chứ không nên đổ hết lên đầu phụ huynh học sinh.
Theo Hà Mỹ
GĐ&XH