Cần ban hành Luật để bảo vệ nhân viên y tế bị hành hung

(PLO) - PSG.TS. ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đại biểu QH tỉnh An Giang) đã rất bức xúc trước tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành trong thời gian gần đây. Theo ông, việc bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế phải được ban hành thành luật, hoặc ít ra cũng phải có một điều khoản riêng trong Luật Hình sự.
ĐBQH. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu
ĐBQH. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu

Thông tin từ PSG.TS NGuyễn Lân Hiếu - ĐBQH tỉnh An Giang: Trong thời gian vừa qua, tình hình bạo hành đối với nhân viên y tế đã gia tăng ở mức báo động. Ví dụ, tính từ năm 2016 đến nay, tại bệnh viện Bạch Mai đã có 23 vụ phạm pháp, bắt quả tang. Bệnh viện Thanh Nhàn, trong vòng một năm 2016 có 8 nhân viên y tế bị hành hung. 

PSG.TS NGuyễn Lân Hiếu nhận định, những con số đấy thực ra rất nhỏ so với thực tế. Hiện nay có rất nhiều nhân viên y tế bị hành hung gây thương tích và không được báo cáo thống kê. Đã có nhân viên y tế bị hành hung, gây thương tích nghiêm trọng, có những côn đồ manh động vào tận bệnh viện truy sát, cắt cổ, giết người. 

Là ĐBQH làm trong ngành Y, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhận thấy Bộ Y tế, các địa phương, Bộ Công an đã có những việc làm để củng cố an ninh trong bệnh viện. Ví dụ như cắt cử các chiến sỹ công an, túc trực 24/24h giờ tại các Bệnh viện lớn, nhanh chóng truy bắt các đối tượng manh động, tập huấn các bộ phận chức năng trong việc phòng, chống, bạo hành y tế... Tuy nhiên, theo ông, tính chất răn đe của luật pháp còn chưa cao, dẫn đến hầu hết đều để lại hậu quả, tình trạng hành hung cán bộ y tế ngày càng gia tăng.

“Bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có sự chăm sóc chu đáo và đạt được hiệu quả cao nhất trong việc điều trị” – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Trước tình trạng bạo hành nhân viên y tế và tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho đội ngũ này, ông  cho biết, nhiều nơi đã có Luật phòng, chống bạo hành nhân viên y tế. Tiêu biểu là luật của bang Maharashtra, Ấn Độ ban hành ngày 30 tháng 3 năm 2009. 

“Tôi và một số các chuyên gia về luật pháp đã nghiên cứu kỹ lưỡng ví dụ này và nhận thấy luật tương đối đơn giản, ngắn gọn, có 8 điều khoản và có tổng cộng 3 trang giấy khổ A4, nhưng rất dễ hiểu. Các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với hành vi bạo hành các cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân cũng như mức đền bù trang thiết bị tài sản của các cơ sở y tế bị phá hoại” – ông nói.

 Với tính thời sự cấp bách để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của cán bộ nhân viên y tế, những người đang ngày đêm trực tiếp làm công việc cứu chữa bệnh nhân, với tư cách ĐBQH, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội có một lộ trình xem xét thảo luận để ban hành Luật về phòng, chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản đối với các cơ sở dịch vụ y tế.

Nếu chưa thể ban hành luật riêng, ông khẩn thiết đề nghị  có điều, khoản trong Bộ luật Hình sự đang được chỉnh sửa quy định về vấn đề này.

“Ví dụ, trong Điều 134 có quy định bảo vệ các tình trạng tăng nặng cho các đối tượng như người nuôi dưỡng, thầy cô giáo. Tuy nhiên, không có quy định rõ ràng nếu gây tổn hại đến người chăm sóc mình hằng ngày khi bị bệnh tật” – ông nói.

Đọc thêm