Cán bộ "ăn chặn" tiền vận động viên vẫn lên chức

Ông Ngọc Anh không chỉ được dung túng cho sai phạm mà còn tiếp tục lên chức. Điều này đã khiến cán bộ, viên chức của Trung tâm phản ứng gay gắt và có đơn gửi đến các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm đã xảy ra.

Sai phạm nghiêm trọng nhưng chỉ xử lý một phần, người sai phạm vẫn lên chức.
 

Sai phạm lớn

Theo phản ánh của một số cán bộ thuộc Trung tâm huấn luyện thể thao, thuộc Sở Thể dục Thể thao (Trung tâm - nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Bắc Giang, cuối năm 2006, ông Bùi Ngọc Anh, lúc đó là Phó Giám đốc Trung tâm đã có hành vi kê khai khống một số chi phí của Đoàn bóng đá U11 và U13 tỉnh Bắc Giang tham gia cúp bóng đá toàn quốc, được tổ chức tại Quảng Ninh. Số tiền kê khai khống và chiếm đoạt là hơn 24 triệu đồng.

Năm 2007, sự việc được phát hiện do một vận động viên thuộc đội U13 thắc mắc về tiền công của vận động viên năm 2006. Thời điểm này, Trung tâm đã xác minh và làm sáng tỏ sự việc.

Theo kết quả kiểm điểm sai phạm của Trung tâm, sai phạm của ông Ngọc Anh là giải mạo chữ ký của các vận động viên và lập chứng từ khống để quyết toán chi phí công tác của đoàn vận động viên. 

Qua đối chiếu các chứng từ quyết toán với thực tế chi phí của Đoàn bóng đá U11 và U13 Bắc Giang, kiểm tra đối chiếu tại các đơn vị liên quan, số tiền chênh lệch giữa thực chi và số tiền mà ông Ngọc Anh đã quyết toán với Trung tâm là 24.101.000 đồng. Nhiều chi phí bị kê khống như: tiền ăn, tiền ngủ, tiền công của vận động viên, tiến tiếp khách, nước uống của vận động viên…

Tại báo cáo ngày 26/11/2007 gửi Giám đốc Sở Thể dục thể thao (TDTT) Bắc Giang, ông Vũ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm đã báo cáo chi tiết những sai phạm này. Trong đó, có hai khoản tiền mà ông Ngọc Anh quyết toán nhiều hơn thực chi với số tiền thuê phòng ngủ gần 16 triệu đồng và tiền công của các vận động viên là hơn 3,7 triệu đồng. Các khoản tiền kê khai khống và được quyết toán, ông Ngọc Anh đã sử dụng.

Xử lý chưa thỏa đáng

Mặc dù sự việc đã được báo cáo trực tiếp tới ông Nguyễn Bá Thục, Giám đốc Sở TDTT nhưng sự việc không được xử lý thỏa đáng. Theo Quyết định 15/QĐ-TDTT, ngày 4/2/2008 của Giám đốc Sở TDTT Bắc Giang, ông Ngọc Anh  bị xử lý kỷ luật với hình thức là cảnh cáo do có khuyết điểm là trực tiếp thanh toán tiền cho các vận động viên nhưng không trả cho các vận động viên số tiền hơn 3,7 triệu đồng. Việc làm này vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, ảnh hưởng đến tập thể và uy tín cá nhân.

Quyết định này đã không phản ánh đúng sai phạm của ông Ngọc Anh. Kết quả xem xét, đánh giá sai phạm của ông Ngọc Anh trong các lần họp kiểm điểm đã làm rõ, ngoài việc có hành vi ký giả chữ ký của vận động viên để được thanh toán tiền công là hơn 3,7 triệu đồng, còn có việc nâng khống mức chi tiêu để được thanh toán hơn 21 triệu đồng.

Việc Sở TDTT Bắc Giang không xử lý toàn bộ vi phạm và thu hồi số tiền chênh lệch giữa thực chi và tiền đã quyết toán theo hồ sơ kê khống. Ông Ngọc Anh không chỉ được dung túng cho sai phạm mà còn tiếp tục lên chức. Điều này đã khiến cán bộ, viên chức của Trung tâm phản ứng gay gắt và có đơn gửi đến các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm đã xảy ra.

Việc xử lý sai phạm như trên có tương xứng với những sai phạm đã xảy ra hay không, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Bắc Giang.

Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về kết quả xử lý vi phạm của Sở TDTT tỉnh Bắc Giang?

Cán bộ "ăn chặn" tiền vận động viên vẫn lên chức ảnh 2
 
- Theo quy định của pháp luật, việc xử lý vi phạm kỷ luật đối với các sai phạm của các cán bộ, công chức, viên chức phải khách quan, công bằng và nghiêm minh. Về sự việc này, Trung tâm đã kiểm điểm và xác minh rõ sai phạm.

Song tôi thấy quyết định kỷ luật của Sở TDTT chỉ xem xét một phần sai phạm sẽ là không đầy đủ, thiếu nghiêm minh. Điều này không nhưngc không có tính răn đe mà còn không công bằng với những cán bộ, viên chức khác. Người ta có quyền đặt câu hỏi có hay không sự bao che hay cán bộ lãnh đạo vi phạm thì bị xử nhẹ…

Ông nhận xét gì khi nhiều ý kiến cho rằng sai phạm trên đủ điều kiện để xử lý hình sự?

- Trong các tội phạm về chức vụ, chỉ cần có động cơ tư lợi, lợi dụng chức vụ để tham ô từ 500 nghìn trở lên hoặc lợi dụng công vụ để trục lợi, gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của xã hội hoặc của công dân thì cũng có thể xử lý hình sự về các tội danh như “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tôi cho rằng, trong vụ việc này nếu xử lý nghiêm khắc thì cũng có thể xem xét trách nhiệm hình sự. Trường hợp không xem xét trách nhiệm hình sự thì cũng phải xử lý kỷ luật bằng một chế tài nặng hơn là hình thức cảnh cáo.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm