Cán bộ, công chức tố cáo tiêu cực không bị xử lý kỷ luật trong thời gian được bảo vệ

(PLVN) - Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2020.
Ảnh minh họa

Theo đó, đối tượng áp dụng là người tố cáo là CBCCVC. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc tố cáo, giải quyết tố cáo. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

Nội dung bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là CBCCVC cụ thể là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của CBCC; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo. 

Về trình tự, thủ tục bảo vệ được quy định cụ thể tại Mục 2, Chương VI của Luật Tố cáo. Theo đó, khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.

Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; b) Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; c) Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.

Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

Các cơ quan chức năng, khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.

Bên cạnh đó, cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ có thể thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ. Việc áp dụng biện pháp bảo vệ chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Người giải quyết tố cáo đã ra kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo; cơ quan đã quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ khi xét thấy căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ không còn hoặc theo đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ. 

Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ. Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật Tố cáo.

Về biện pháp bảo vệ được quy định cụ thể: Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

Đáng chú ý, các cơ quan không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là CBCCVC trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp sau: Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; được sự đồng ý của người tố cáo là CBCCVC; theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Đặc biệt, không xử lý kỷ luật người tố cáo là CBCCVC trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Đọc thêm