Trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ CBCCVC từ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, tinh thần trách nhiệm và nhất là kinh nghiệm thực tiễn để không đưa ra những chính sách “trên trời”, không có những công bộc thực thi công vụ kiểu ban ơn hay cố tình quên mất lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, của cộng đồng.
Vẫn còn tình trạng công chức chưa tận tâm, thiếu trách nhiệm
Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCNVC, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2017. Đến ngày 15/12/2016, có 46 lượt bộ, ngành và 149 lượt địa phương đề nghị thẩm tra các phương án tinh giản biên chế năm 2015, 2016, 2017 với tổng số tinh giản biên chế 21.247 người. Hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt danh mục vị trí việc làm của 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành Trung ương; ban hành 86 tiêu chuẩn ngạch công chức và 133 tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Năm 2017 có 12 lượt bộ, ngành và 43 địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế, với số lượng đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 3.557 người (trong đó có 3.126 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 423 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 5 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 3 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương ngân sách nhà nước). Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc tinh giản biên chế là Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An, Cà Mau, Hà Giang, TP Hải Phòng…).
Đánh giá chung về quản lý CBCCV, ngành Nội vụ cho rằng, việc tiếp nhận, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phát, nâng bậc lương, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đánh giá, phân loại, khen thưởng, kỷ luật… từng bước được đẩy mạnh và đi vào nền nếp, đánh giá đúng thực chất, đề cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; qua đó tạo cơ sở cho việc khen thưởng, kỷ luật, tạo động lực phấn đấu, nỗ lực cho CBCCVC.
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Nội vụ mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng chỉ ra “việc thực hiện tinh giản biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Vẫn còn tình trạng công chức chưa tận tâm, tận tụy, thiếu trách nhiệm khi giải quyết công việc của tổ chức, người dân. Kỷ luật hành chính chưa được chấp hành nghiêm túc,...” là một trong những hạn chế của công tác nội vụ cần được khắc phục.
Bộ Nội vụ cũng cho biết, một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế không theo đúng trình tự quy định và giải quyết tinh giản biên chế theo nguyện vọng cá nhân, có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản biên chế. Cùng với đó, công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển CBCC ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, suy giảm niềm tin của nhân dân.
Riêng về chất lượng đội ngũ CBCC, Bộ Nội vụ nhận thấy có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết, một số CBCCVC chưa làm hết trách nhiệm, có lúc có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Một trong các nguyên nhân của thực trạng này được cho là do phẩm chất, đạo đức, năng lực của một bộ phận CBCCVC còn hạn chế, yếu kém, chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực thi công vụ…
Tạo nguồn cán bộ có “hơi thở thực tiễn”
Thực tế về chất lượng CBCCVC thời gian qua khẳng định một điều “khi năng lực yếu kém, hạn chế sẽ dẫn đến những tồn tại, khiếm khuyết trong thực thi công vụ”. Vì thế, việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho CBCCVC là không thể bị xem nhẹ hoặc chỉ “làm cho đủ kế hoạch” vì đó hoạt động quan trọng để bổ khuyết những thiếu sót, không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng đội ngũ “công bộc của dân” cũng như chất lượng phục vụ của nền hành chính quốc gia.
Ngoài các điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC tại chỗ thông qua đào tạo, bồi dưỡng thì luân chuyển cán bộ từ T.Ư về cơ sở, điều động giữa các bộ phận, đơn vị là một chính sách đảm bảo cho CBCCVC nắm được toàn diện yêu cầu công việc của cơ quan, đơn vị, có tầm nhìn bao quát và quan trọng hơn cả là có sự tiếp xúc với thực tiễn, hiểu rõ về yêu cầu của đời sống để áp dụng vào công việc.
Trước nhu cầu này, Dự án “Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo” (Dự án 600) và Đề án “Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” (Đề án 500) đã được triển khai.
Vào thời điểm chỉ còn khoảng 5 tháng nữa Dự án 600 sẽ kết thúc (ngày 30/6/2017), ông Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Dự án cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang hướng dẫn các địa phương tổng kết dự án và sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức tổng kết dự án vào tháng 8, 9/2017 trên cơ sở tổng kết của 20 tỉnh để đánh giá toàn bộ dự án, những cái được và chưa được để tiếp tục tham mưu, đề xuất phương hướng tiếp theo.
Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ các bạn đội viên trong Dự án 600 để phát triển cao hơn về công việc hoặc trong các dự án phát triển kinh tế, giúp họ tham mưu cho chính quyền tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Như vậy, với 5 năm tham gia Dự án là kinh nghiệm thực tiễn cộng với những kiến thức mới về khoa học công nghệ được bồi dưỡng, các đội viên sẽ phát huy được nhiều năng lực hơn nữa.
Nhiều Bí thư, Chủ tịch xã từng chia sẻ “nếu kết thúc dự án mà các em ấy (các đội viên dự án – PV) mà rút thì tiếc lắm. Chúng tôi chỉ mong các em ở lại một thời gian nữa, ít nhất là 2-3 năm nữa để tiếp tục giúp địa phương và có thể cũng có cơ hội thể hiện năng lực cho đóng góp vào sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Hiện nhiều địa phương đã học tập mô hình này, đưa cán bộ về xã công tác làm Phó Chủ tịch để rèn luyện trước khi về bổ nhiệm các vị trí ở các cơ quan cấp huyện. Như vậy, nếu sinh viên mới ra trường hoặc công chức sau khi được tuyển dụng có ít nhất 3 năm công tác tại địa phương (từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) thì sẽ có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Sau đó có thể luân chuyển giữa các bộ, các đơn vị trong cơ quan thì sẽ có một công chức độc lập, chủ động tham mưu, đề xuất”. “Nếu được như vậy thì rất tốt” – ông Vũ Đăng Minh nhận định.
Do vậy, trên cơ sở kết quả triển khai Dự án 600 và Đề án 500 này, Bộ Nội vụ sẽ xem xét ý tưởng lập Đề án mới đề xuất về cơ chế yêu cầu trí thức trẻ về công tác tại cơ sở trước khi được tuyển dụng. Khẳng định “đây là vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng ông Minh cho biết, “cần cơ chế để “có chỗ trống cho người ta vào” chứ đưa về mà không có chức danh thì làm sao làm được việc. Muốn vậy thì có thể phải sửa luật (Luật Chính quyền địa phương hoặc Luật Cán bộ, công chức).
Việc đưa CBCCVC “đi cơ sở” không chỉ giúp tăng cường chất lượng cho các cấp chính quyền, các cơ quan địa phương mà quan trọng nhất là giúp họ có thêm kinh nghiệm thực tiễn, nắm bắt được yêu cầu thực tiễn, “chứ không phải “cầm tay chỉ việc”, không hiểu địa phương làm gì mà “cứ phán lung tung” – Giám đốc Dự án 600 hy vọng.
Rà soát lại quy trình bổ nhiệm để chọn được người tài
Cùng với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Hoàn thành việc xây dựng và ban hành các quy định về hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ công chức, viên chức trong triển khai thực hiện công vụ. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ của đơn vị mình được phân công phụ trách.
Nhân rộng mô hình Tổ công tác của Chính phủ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các nhiệm vụ giao cho đơn vị mình quản lý. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, toàn ngành Nội vụ tiếp tục quản lý chặt chẽ tổ chức bộ máy hành chính và số lượng cấp phó trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ T.Ư đến địa phương.