Cần chấm dứt cơ chế xin – cho trong lĩnh vực đầu tư công

(PLVN) -  Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu thực trạng có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đầu tư công đã tự cho mình quyền ban phát và câu chuyện về cơ chế xin-cho không biết khi nào mới kết thúc. Đây là vấn đề cần hết sức lưu tâm trong thời gian tới.

Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nhiều nội dung quan trọng cho 5 năm tới: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Về đầu tư công, Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc) ghi nhận một số kết quả tích cực trong đầu tư công nhưng chỉ rõ vẫn còn những hạn chế, tồn tại như phân cấp phân quyền chưa rõ, trình tự thủ tục đầu tư công còn phức tạp, chi đầu tư từ ngân sách Trung ương chưa giữ vai trò chủ đạo, tiến độ một số dự án trọng điểm còn chậm...

Đồng tình với phương án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 Chính phủ trình, bố trí đủ vốn cho dự án trọng điểm quốc gia và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Đại biểu đề nghị, cần tập trung hoàn thiện thể chế đầu tư công, tăng cường phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công, khắc phục giải ngân chậm, thanh toán dứt điểm và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý phải quan tâm câu chuyện xin - cho trong lĩnh vực đầu tư công.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý phải quan tâm câu chuyện xin - cho trong lĩnh vực đầu tư công.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai thì phân tích, vốn đầu tư công phải được hiểu là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát và câu chuyện về cơ chế xin-cho không biết khi nào mới kết thúc.

Vì vậy, nữ Đại biểu kiến nghị cần hết sức lưu tâm vấn đề này trong thời gian tới. Đồng thời, cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh động viên những địa phương thực hiện tốt cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao; các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu - nghèo.

Các đại biểu nhấn mạnh phương hướng lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng công khai, minh bạch, khắc phục những hạn chế, tồn tại lâu nay như chậm giải ngân vốn hay vấn đề thủ tục...

Các đại biểu cũng kiến nghị cần kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế "xin cho", tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân dự án…

Góp ý riêng về phát triển kinh tế, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhận định: “Liên kết, phát triển vùng còn lỏng lẻo một phần do hạ tầng giao thông chưa thuận lợi tạo điều kiện kết nối vùng”.

Đại biểu Mai đề nghị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần đẩy mạnh xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Đọc thêm