'Cần chính sách đặc biệt cho thể thao thành tích cao'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao. TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội chia sẻ với phóng viên PLVN về định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, tham dự Ban VĐV Olympic & Judo quốc tế. (Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, tham dự Ban VĐV Olympic & Judo quốc tế. (Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp).

Đã vượt qua Đông Nam Á nhưng vẫn bỡ ngỡ ở châu Á

Là một người làm công tác quản lý huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) đội tuyển tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia lâu năm, ông nhận ra những trở ngại nào khiến thể thao Việt Nam chưa trở thành một thế lực mạnh?

- Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 mới đây của ngành Thể dục thể thao (TDTT) đánh giá tổng thể các giai đoạn của thể thao Việt Nam trong nhiều năm qua, thực trạng những tích cực và hạn chế. Những khó khăn hiện nay từ khâu tổ chức, cơ chế chính sách… còn nhiều bất cập.

Nhìn lại lịch sử nước ta từ một đất nước có nền thể thao kém trong khu vực Đông Nam Á trước những thập niên 70 - 80 và 90. Sau những năm đổi mới của đất nước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các Bộ, ngành và Nhân dân, Việt Nam lần đầu tổ chức thành công SEA Games 22 đã đem lại sự khích lệ cho mọi tầng lớp Nhân dân tích cực rèn luyện TDTT, nâng cao sức khỏe để xây dựng hạnh phúc gia đình và kiến thiết quốc gia.

Đặc biệt là sau SEA Games 22 năm 2003, Việt Nam luôn đứng trong tốp 3 của các kỳ Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á. Điều đó không thể phủ nhận sự cố gắng của Nhà nước, của ngành TDTT, những người làm công tác thể thao, sự nỗ lực của cán bộ, HLV, VĐV, các Bộ, ngành khác, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đóng góp để ngành TDTT có được những thành công đó. Thể thao Việt Nam không chỉ đứng tốp đầu Đông Nam Á mà từng bước tới châu Á, có những tấm huy chương quý giá tại Olympic, ASIAD của các môn: Taekwondo, Cử tạ, Bắn súng, Điền kinh, Võ, Xe đạp, Thể dục…

Vậy theo ông, khó khăn hiện nay của Thể thao Việt Nam là gì khiến cho chúng ta khi thi đấu ở ASIAD hay Olympic vẫn chưa tạo dấu ấn mạnh mẽ?

- Thực tế là một người làm công tác TDTT hay HLV, VĐV đội tuyển quốc gia sống bằng nghề của mình là khó khăn chứ chưa nói là dư giả.

Xã hội hóa thể thao phát triển chưa đồng đều. Ngành TDTT không có nguồn lực xã hội ổn định, bền vững từ xã hội hóa TDTT như những nước tiên tiến khác trên thế giới. Hiện nay, một số môn thể thao đã được xã hội quan tâm như: Bóng đá, Bóng chuyền, Golf hay một vài môn thể thao giải trí khác… Song thực sự hiện nay, nền TDTT nước nhà vẫn phải bao cấp, nhất là trong khâu đào tạo, huấn luyện và thi đấu các đội tuyển thể thao. Đây là một thực trạng khó khăn của nước ta.

Nguồn lực lượng VĐV, HLV còn mỏng, VĐV kế cận ít. Hệ thống cơ sở vật chất từ quốc gia đến các đơn vị phần nào còn chưa đáp ứng được trong công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện nâng cao. Chế độ đãi ngộ cho HLV, VĐV trước, trong và sau thi đấu còn chưa tạo động lực thu hút nhân tài.

Cần một chiến lược có hệ thống để phát triển thể thao chuyên nghiệp

Ông Nguyễn Mạnh Hùng với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

Đó là những vấn đề bất cập mà chúng ta nhìn ra đã lâu mà chưa thay đổi được. Ông có ý tưởng gì để thay đổi thực trạng đó, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phát triển TDTT trong giai đoạn hiện nay?

- TDTT không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, song vai trò của TDTT đã gián tiếp đem lại cho con người về sức khỏe thể lực và tinh thần ở trong tất cả các lĩnh vực khác của xã hội.

Thể thao cũng giống như giáo dục, nếu chỉ một ngành TDTT làm sẽ không thành công, mà cần cả xã hội vào cuộc, cần sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp xây dựng chính sách để phát triển chiến lược TDTT; đồng thời tạo ra nhiều chính sách đẩy mạnh xã hội hóa TDTT.

Ngành TDTT cùng các ngành khác nên xem xét xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia công tác phát triển TDTT từ cơ sở đến Trung ương. Xây dựng thể chế, chế độ đãi ngộ cho những người làm công tác TDTT, VĐV, HLV, hướng dẫn viên…

Nâng cao cơ sở vật chất để người dân có điều kiện tập luyện TDTT như: quỹ đất dành cho TDTT, sân tập, vườn hoa, công viên, khu dân cư, cơ quan, trường học, bệnh viện… đều có nơi cho mọi người tập luyện TDTT. Từng bước nâng cao cơ sở vật chất các cơ sở huấn luyện, đào tạo tài năng thể thao, tăng cường các thiết bị hiện đại, bảo đảm số lượng, chất lượng về đào tạo HLV, hướng dẫn viên, đầy đủ và tiến tới hiện đại.

Đối với TDTT quần chúng, cần chú trọng các điều kiện để cho mọi tầng lớp xã hội dễ tiếp cận và có điều kiện tập luyện TDTT từ cụm dân cư, trường học, bệnh viện, cơ quan, trường huấn luyện, giáo dục, giáo dưỡng, vùng sâu, vùng xa…

Đối với thể thao thành tích cao, cần có chế độ chính sách thu hút tài năng cho HLV, VĐV giỏi từ lương, thưởng… có chế độ chính sách tốt cho những người làm công tác TDTT. Cần đầu tư xây dựng lực lượng VĐV bằng chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh, thành, ngành (mà trước đây đã thực hiện tốt). Xây dựng cơ chế tuyển chọn VĐV, chuyên gia, HLV, quản lý, đào tạo huấn luyện hợp lý bảo đảm hiệu quả. Lựa chọn các môn, các nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đặc thù, tầm vóc, tâm lý của con người Việt Nam để đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Ngày nay, TDTT là nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của mỗi người dân, muốn có nền TDTT mạnh, phát triển bền vững thì phải chú trọng vào ba khâu chính. Thứ nhất là, bộ máy tổ chức ổn định bền vững xuyên suốt từ trên xuống dưới bảo đảm hiệu quả cho hoạt động TDTT quốc gia và thể thao thành tích cao phát triển. Hai là, có các chính sách quy định cụ thể để phát triển nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa TDTT, chế độ tốt cho HLV, VĐV, những người làm công tác thể thao cả công lập và dân lập. Ba là, cần có đủ đất đai, hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện máy móc hiện đại, tăng cường phát triển khoa học kỹ thuật để ứng dụng trong huấn luyện đào tạo VĐV.

Xin cảm ơn ông!

“Năm 2024, thể thao Việt Nam có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW, trong đó chúng tôi thấy cụ thể 4 nhiệm vụ lớn với yêu cầu quan trọng nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, các tổ chức Đảng, chính quyền đối với sự phát triển sự nghiệp thể thao và việc này sẽ lồng ghép trong những nhiệm vụ của thể thao Việt Nam ở nhiều nghị quyết, kế hoạch để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị.

Vấn đề tiếp theo là nâng cao hiệu quả hiệu lực về công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 và có chương trình hành động kèm theo. Về việc này, chúng tôi được biết dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm xem xét, ban hành Chiến lược thời gian tới. Vấn đề thứ ba liên quan tới chuyên môn, trong đó có thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao. Thể thao cho mọi người, chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng các chương trình về giáo dục thể chất cho học sinh, lồng ghép các nội dung để phát triển con người toàn diện. Đặc biệt là các kỹ năng sống. Ngành thể thao thông qua việc này sẽ xây dựng hệ thống thi đấu, xây dựng các kênh tuyển chọn tài năng thể thao từ các cấp học.

Ngoài ra, vấn đề thể thao thành tích cao được nhấn mạnh và ngành thể thao đang xây dựng tiêu chí tuyển chọn các VĐV tài năng, xây dựng các chương trình khung đào tạo VĐV từ năng khiếu. Hiện tại, các chương trình đào tạo còn nhiều vấn đề, chưa có sự thống nhất với địa phương nên việc đào tạo tuyển chọn VĐV khi lên tuyến trên vẫn phải điều chỉnh nhất định.

Liên quan tới ứng dụng khoa học công nghệ, ngành thể thao bắt đầu thực hiện nhưng còn hạn chế, đặc biệt trong hoạt động chuyển đổi số và sử dụng công nghệ AI đối với đào tạo huấn luyện chuyên môn. Cơ sở vật chất cho tập luyện cần bảo đảm tốt hơn. Ngành thể thao sẽ từng bước triển khai xây dựng kế hoạch cho trung hạn (giai đoạn 2026 - 2030) để xây dựng các trung tâm trọng điểm, hỗ trợ VĐV vươn tầm tới ASIAD, Olympic. Chúng ta đang triển khai xây dựng đề án về nhân lực của ngành, đặc biệt các môn thể thao Olympic...” - Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt.

Đọc thêm