Thảo luận tại hội trường sáng 25/7, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Kạn) ghi nhận thời gian qua nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, khoa học, nắm chắc tình hình đưa ra các biện pháp phù hợp, từ đó hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, còn có những địa phương áp dụng hình thức đón đầu dịch, tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, sáng tạo xét nghiệm mẫu gộp.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số văn bản của các địa phương gây tranh cãi, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phản ánh đã có giấy xét nghiệm, xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến tỉnh cuối cùng thì bị phải bắt quay đầu về …
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu thảo luận. |
Đại biểu Thủy nêu rõ: Có thể nói cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không làm tách rời, đứt gãy nền kinh tế. “Chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này tại Công điện ngày 5/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ”, Đại biểu Thủy nói.
Theo Đại biểu Thủy, bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị. Có thể thấy trong suốt thời gian chống dịch, nhiều hoạt động bị chậm lại, nhưng phong trào tương thân tương ái lại nở rộ khắp nơi. Trên khắp cả nước những câu chuyện về tấm lòng thơm thảo, nghĩa cử cao đẹp và tình người trong dịch không thể kể hết được, không chỉ các doanh nghiệp mà còn các cá nhân, kể cả người già, em nhỏ, người lao động đang mưu sinh còn nhiều khó khăn cũng chung tay đỡ đần.
Gần đây là sự ra mắt của Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 càng cho thấy tấm lòng của người dân, doanh nghiệp. Không chỉ là chung tay đóng góp vật chất mà là sự đồng lòng trong việc chấp hành nguyên tắc 5K trong suốt hơn 1 năm qua. “Có thể nói, COVID-19 đã thực sự trở thành phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm của công dân trong suốt thời gian qua”, Đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Có điều, bà Thủy lo lắng, khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đã ngấm ngày càng sâu vào từng doanh nghiệp và người lao động. Do đó, quyết định của Đảng, Nhà nước về tiếp tục triển khai gói hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động thực sự là qyyết sách kịp thời, hợp lòng dân.
Vì vậy, Đại biểu Đoàn Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ giao cơ quan hữu quan xây dựng phần mềm thống kê liên thong giúp cho việc rà soát, triển khai đúng đối tượng thụ hưởng, tránh bỏ sót, trùng lắp hay tiêu cực xảy ra. Đồng thời giao cơ quan hữu quan rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) thì cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 và kế hoạch 2021-2025 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 kéo dài…
Bởi thế, theo Đại biểu Tâm đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm những vấn đề sau:
Thứ nhất, dịch bệnh có thể kéo dài, chưa có dấu hiệu dừng lại nên cần có chiến lược lâu dài, cần có chiến lược sống chung với dịch bệnh, sớm đưa tình trạng bình thường mới trở lại. Cần có kịch bản cụ thể cho hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan đặc thù như Quốc hội…
Thứ hai, với sản xuất kinh doanh, bên cạnh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp để không đứt gãy chuỗi sản xuất rất cần đảm bảo quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly. Về nguồn lực phòng, chống dịch bệnh, cần bảo đảm nguồn lực lâu dài trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, cần huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp, xã hội. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 vì một số văn bản, quy định trong phòng chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, rất cần thay đổi để phù hợp với thời điểm hiện tại…
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"