Cần có thêm nhiều chính sách nhập quốc tịch để thu hút nhân tài

(PLVN) - Chiều 9/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định. (Ảnh: PV)
Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định. (Ảnh: PV)

Báo cáo các nội dung của dự án Luật, Trưởng Phòng Quản lý quốc tịch (Cục Hành chính tư pháp) Trần Thị Thu Hằng nêu rõ sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật. Theo đó, cơ sở chính trị là các Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới ban hành…

Về cơ sở thực tiễn, các quốc gia trên thế giới đều đang có xu hướng mở rộng và linh hoạt hơn trong chính sách quốc tịch. Hiện nay, trên thế giới có 78 quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch (trong đó có 51 quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để và 27 quốc gia chấp nhận trường hợp công dân có hai quốc tịch trong các trường hợp ngoại lệ như Áo, Na Uy, Hà Lan, Hàn Quốc,…); có khoảng 66 quốc gia không có quy định về nguyên tắc một quốc tịch. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Chương trình “Xuân Quê hương” hằng năm, đại diện cộng đồng người Việt Nam đều đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài…

Xuất phát từ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn nêu trên, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó “nới lỏng” chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Qua đó, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới là cần thiết.

Tại cuộc họp thẩm định, đa số các ý kiến đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài; thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh nước ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới. Đồng thời, các đại biểu đóng góp hoàn thiện thêm một số quy định của dự thảo Luật.

Ông Phạm Hoàng Tùng (đại diện Bộ Ngoại giao) nhất trí cao với dự thảo Luật, tạo có nhiều thuận lợi cho người Việt Nam trở lại quốc tịch. Tuy nhiên, để có thể thực hiện chuyển hồ sơ trực tiếp từ cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài về thẳng Bộ Tư pháp, không qua trung gian, ông đề nghị cân nhắc có quy định về hồ sơ điện tử, chữ ký số, gửi hồ sơ này đồng thời cho Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.

Về vấn đề mở rộng đối tượng được cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam, ông Tùng phân tích, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay đa số đều có 2 quốc tịch. Nếu tới đây Luật mở rộng đối tượng thì lượng hồ sơ cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ tăng nhưng theo ông Tùng, việc phát sinh tranh chấp khi mua nhà tại Việt Nam sẽ có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú kết luận cuộc họp. (Ảnh: PV)

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú kết luận cuộc họp. (Ảnh: PV)

Từ thực tiễn địa phương, ông Lã Hoàng Hưng (Trưởng Phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội) cũng rất ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam nhằm thực hiện kịp thời chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhất là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Liên quan đến thành phần hồ sơ, ông đề nghị nghiên cứu bổ sung các loại giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam vì người dân hiện rất khó được cấp và các điều kiện để được cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam nên chăng chỉ cần đáp ứng 1 trong các điều kiện quy định nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Tờ trình dự án Luật cần giải trình những khó khăn, vướng mắc khi mở rộng đối tượng được cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam để các cơ quan liên quan chuẩn bị trong bối cảnh mong muốn mở rộng đối tượng được nhiều mà thời gian vật chất để nghiên cứu còn gấp gáp. Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần cân nhắc quy định cụ thể các điều kiện cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam; rà soát bảo đảm thống nhất với pháp luật hiện hành, bảo đảm quốc phòng an ninh; bổ sung đánh giá tác động của quy định về thủ tục hành chính, bảo đảm cắt giảm 30% thủ tục hành chính theo Công điện 22 của Thủ tướng Chính phủ…

Đọc thêm