Cần có “văn hóa nuôi thú cưng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Câu chuyện xoay quanh việc nuôi chó, mèo trong khu dân cư đã gây tranh cãi trong nhiều năm. Đến nay, đây vẫn là vấn đề “đau đầu” với cơ quan chức năng.
Đề xuất quy định về quản lý nuôi chó, mèo đang được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh họa - Nguồn: ShutterStock)
Đề xuất quy định về quản lý nuôi chó, mèo đang được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh họa - Nguồn: ShutterStock)

Đề xuất quy định quản lý nuôi chó, mèo

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) vừa đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn.

Quy định tạm thời dự kiến trình trong quý IV/2024, đề xuất các hộ nuôi phải đăng ký với UBND cấp xã, khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip, kê khai định kỳ 2 lần/năm, kê khai trong vòng 3 ngày sau khi nuôi, tiêm phòng đầy đủ… Quy định trên còn đề xuất hạn chế nuôi các giống chó to con, bản tính hung dữ, như giống chó Pitbull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentions (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiros (Brazil)...

Quy định này đã nhận được nhiều đồng thuận của người dân. Đặc biệt, khi thời gian qua, nhiều vụ việc chó to, chó dữ đã gây sát thương cho người dân. Người bị hại có thể là người qua đường, hàng xóm, thậm chí người già và trẻ em trong nhà. Không chỉ con người mà những vật nuôi khác cũng có thể trở thành “mồi ngon” cho những giống chó to hung dữ này.

Anh Nguyễn Th. H., ngụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trong xóm tôi có một gia đình nuôi hai con chó rất to, tôi không nhớ là giống gì, nhưng đã từng thấy trên clip là giống chó này đi dạo với chủ trên đường nhưng bất ngờ dứt khỏi xích, đuổi theo cắn một con chó lớn trên đường. Việc gia đình này nuôi hai con chó dữ, thường xuyên dắt đi chơi nhưng không rọ mõm làm chúng tôi rất lo lắng. Nhất là khi trẻ con đi ngang qua nhà, lũ chó sủa rất dữ như muốn bứt xích xông ra. Chúng tôi đã góp ý nhiều lần, họ không những không nghe mà còn mắng lại xóm giềng, bảo giống chó của họ là chó có huấn luyện, có quy củ, không ảnh hưởng gì đến người khác”.

Anh Trần Hoàng Dũng, chủ trại ở Thủ Đức đồng thời cũng là chuyên gia huấn luyện chó thì cho biết, việc nhiều người ưa chuộng nuôi chó to, chó dữ trong khu dân cư, đặc biệt các giống Pitbull, Dogo Argentions... là không nên. Nếu là chó chưa qua huấn luyện, người nuôi sẽ khó mà kiềm chế chó. Các giống chó này thường được nuôi dưỡng bằng thịt sống, đồ tanh nên bản năng sát hại sinh vật khác rất cao. Đặc biệt, các giống chó này ưa chạy nhảy, thích săn mồi, nên việc nuôi nhốt, xích thường xuyên sẽ càng kích động bản năng hung dữ của nó. Kể cả chó đã qua huấn luyện, nhưng chưa chắc chủ chó có thể kiềm chế được bản năng hung dữ mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, việc nuôi các giống chó dữ trong khu dân cư, lại không rọ mõm, xích không cẩn thận chính là đem “mầm họa” cho những người xung quanh.

Yêu thương cần đi kèm văn minh

Năm ngoái, nhiều hộ dân ở quận 4, TP Hồ Chí Minh đã phản ánh việc một hộ dân nuôi hàng trăm con chó, làm ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ dân xung quanh phải chịu đựng mùi hôi từ hậu quả phóng uế của chó nuôi, các nhà lân cận không thể làm ăn, kinh doanh gì được. Sự việc kéo dài nhiều năm, sinh ra xích mích, cãi vã giữa xóm giềng. Cho đến năm ngoái, khi người dân phản ứng mạnh mẽ vì mức độ ô nhiễm cao thì hộ trên mới bị chính quyền yêu cầu di dời.

Sự việc như trên không phải cá biệt. Có những trường hợp, một số cá nhân được các hội yêu động vật tôn vinh vì cứu trợ, nuôi nấng chó, mèo hoang, đồng thời nhận được tiền tài trợ của nhiều nơi để duy trì hoạt động này. Nhưng trên thực tế, các hộ nuôi chó, mèo hoang tự phát này lại tạo ra nỗi “ám ảnh”, khổ sở cho hàng xóm vì sự mất vệ sinh và tiếng ồn liên tục.

Nhiều cư dân sống ở một số khu chung cư cho nuôi vật nuôi cũng than về việc thường xuyên bị chó, mèo nhà hàng xóm làm phiền bằng tiếng ồn hay việc phóng uế bừa bãi nơi hành lang, thang máy các khuôn viên chung. Một số chung cư cho nuôi thú nuôi có quy định rất rõ ràng về vệ sinh, thang riêng cho thú cưng, vấn đề rọ mõm, nhưng nhiều hộ gia đình không tuân thủ, gây bức xúc và ảnh hưởng đến những người sống trong khu chung cư.

Ngoài đường phố, nơi công cộng, thậm chí quán ăn, uống, cũng không khó để bắt gặp những người dẫn thú cưng đến, thoải mái cho thú cưng không rọ mõm, chạy chơi khắp nơi, ngồi lên bàn ghế, ăn chung đồ dùng với người... làm những người xung quanh e ngại.

Nuôi chó, mèo là quyền tự do của mỗi người, yêu thương động vật là điều đáng quý. Tuy nhiên, tình yêu thương này chỉ có thể trở nên tốt đẹp khi đi cùng hành động văn minh, không làm phiền, ảnh hưởng đến chung quanh hay gây nguy hiểm đến người khác.

Trong hoàn cảnh nhiều người nuôi thú cưng hiện chưa trang bị đủ ý thức lẫn kiến thức như hiện nay, việc đưa ra những quy định chặt chẽ, chế tài mạnh mẽ hơn, đồng thời áp dụng triệt để hơn trong đời sống là hết sức cần thiết, để tạo ra nền tảng ý thức đối với người dân và bảo đảm văn minh, an toàn cho cộng đồng.

Đọc thêm