Ở Việt Nam, vấn đề công dân và quốc tịch đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp cũng như đạo luật chuyên ngành. Hiến pháp năm 1992 trước kia và Hiến pháp Việt Nam năm 2013 hiện nay đã xác định “Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Vì vậy, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã có những quy định nhằm xác định ai là công dân của nước mình.
Theo đó, Điều 11 của Luật quy định về giấy tờ làm căn cứ để chứng minh một người có quốc tịch Việt Nam và Điều 14 quy định căn cứ để xác định người có quốc tịch Việt Nam. Đây là hai quy định có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để xác định một cách chính xác ai là người có quốc tịch Việt Nam.
Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam:
1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;
2. Giấy chứng minh nhân dân;
3. Hộ chiếu Việt Nam;
4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Căn cứ vào quy định này thì các giấy tờ nêu trên có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam của một cá nhân. Do đó, để chứng minh quốc tịch Việt Nam của mình trong các quan hệ, giao dịch thì họ có thể xuất trình một trong những giấy tờ này.
Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam
Theo quy định tại Điều 14 Luật Quốc tịch thì người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:
+ Do sinh ra (theo quy định tại các Điều 15, 16 và 17 Luật Quốc tịch);
+ Được nhập quốc tịch Việt Nam;
+ Được trở lại quốc tịch Việt Nam;
+ Theo quy định tại các Điều 18, 35 và 37 ca Luật Quốc tịch;
+ Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Đối với trẻ em sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam (Điều 15 Luật Quốc tịch).
- Đối với trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam (Điều 16 Luật Quốc tịch).
- Đối với trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là người không quốc tịch: Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam (Điều 17 Luật Quốc tịch).
- Đối với trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam (khoản 1 Điều 18 Luật Quốc tịch). Khoản 2 Điều 18 cũng quy định, những trẻ em này chưa đủ 15 tuổi không còn quốc tịch Việt Nam trong 02 trường hợp sau đây: (1) Tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài, (2) Chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài.
Một số vấn đề đặt ra từ quy định về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam
Theo quy định tại Điều 11 nêu trên thì những giấy tờ được quy định tại Điều này có giá trị chứng minh một người có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, cần đặt quy định này trong mối liên hệ với Điều 14 (căn cứ xác định có quốc tịch Việt Nam).
Bởi lẽ, mỗi loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam khi được cấp cho một người sẽ tương ứng với một căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó. Ví dụ: nếu căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam là do sinh ra theo các quy định tại Điều 15, 16 và 17 Luật Quốc tịch thì giấy tờ phát sinh đầu tiên và tương ứng để chứng minh người đó có quốc tịch Việt Nam là Giấy khai sinh trong đó ghi quốc tịch Việt Nam (trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ). Trên cơ sở Giấy khai sinh, cơ quan Công an sẽ cấp Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho người đó... Có thể nói, đây là những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam phổ biến nhất của công dân Việt Nam.
Hoặc, một người nước ngoài sẽ chỉ có quốc tịch Việt Nam nếu họ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Quốc tịch và được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, để chứng minh quốc tịch thì trường hợp này phải xuất trình được quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước....
Thực tế triển khai những quy định trên cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập nhất định. Có khá nhiều những trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam nhưng hiện họ không còn là công dân Việt Nam; hay mặc dù có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam nhưng lại không thuộc một trong những căn cứ được xác định có quốc tịch Việt Nam (do được cấp giấy tờ sai quy định).
Vì vậy, không thể thực hiện quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch một cách máy móc (người dân cứ xuất trình những giấy tờ quy định tại Điều này là khẳng định họ có quốc tịch Việt Nam) mà việc thực hiện quy định này cần phải có mối liên hệ chặt chẽ với căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam (nếu có nghi ngờ cần xác minh thêm), để từ đó có căn cứ để khẳng định một cách chắc chắn rằng người đang sử dụng những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp trên cơ sở một trong các căn cứ xác định người đó có quốc tịch Việt Nam.