Cần cụ thể hoá hơn nữa các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ phân chia tài sản chung của vợ chồng

(PLVN) - “Để có cách hiểu, áp dụng thống nhất và hạn chế ý chí cá nhân của người xét xử, cần cụ thể hoá hơn nữa các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ phân chia tài sản chung của vợ chồng”, đây là quan điểm của Thạc sĩ Luật Nguyễn Mạnh Thuật trong một vụ án ly hôn được xét xử mới đây.

Tài sản chung của vợ chồng nhưng Tòa chia 70-30?

Theo Thạc sĩ Luật Nguyễn Mạnh Thuật, Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) chỉ nêu nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác theo khoản 2, Điều 59, còn mức độ, tỷ lệ như thế nào còn phụ thuộc vào Thẩm phán, HĐXX quyết định nhưng họ phải diễn giải các căn cứ cho việc phân chia tỷ lệ đó.

Tuy nhiên, trên thực tế việc phân chia tài sản chung trong nhiều vụ án ly hôn đang gặp phải những vấn đề bất cập, rắc rối vì quy định không rõ ràng. Vụ án dưới đây là một minh chứng.

Theo Bản án sơ thẩm xét xử vụ án tranh chấp ly hôn, con chung và tài sản và Bản án phúc thẩm mới đây giữa chị Đ.T.A là bị đơn và anh T.Đ.H là nguyên đơn, tại phần quyết định của Bản án phúc thẩm xác định rất rõ:

Tài sản chung của vợ chồng anh chị gồm: 01 thửa đất ở diện tích 319,3m2, diện tích đo thực tế là 329,5m2 trị giá 5.931.000.000đ; 01 nhà ở hai tầng, diện tích 80,4m2 trị giá 438.307.200đ; 01 dãy nhà trọ gồm 15 phòng trọ trị giá 1.227.772.800đ; 01 bán mái trước nhà hai tầng trị giá 3.135.600đ; 01 bán mái đầu hồi nhà và đoạn sân trị giá 17.547.300đ; 01 kiốt loại B trị giá 9.720.000đ; 01 cổng sắt trị giá 10.506.240đ; 01 nhà bếp trị giá 10.534.050đ; tường rào trị giá 1.263.600đ; 01 sân lát gạch Kinh Bắc diện tích 67,8m2 trị giá 1.762.800đ. Tổng cộng tài sản trị giá 7.651.549.590đ.

Tại phần phân chia tài sản chung, Bản án nêu rõ: Giao cho chị Đ.T.A quản lý phần diện tích đất ở 108,4m2 đất ở trị giá 1.951.200.000đ, đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tổng giá trị tài sản chị A được giao là 3.184.571.720đ.

Anh T.Đ.H được chia 221,1m2 đất ở trị giá 3.979.800.000đ, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tổng tài sản anh H được giao là 4.466.977.870đ.

Tuy nhiên, chị Đ.T.A phải trả anh T.Đ.H 540.996.925đ tiền chênh lệch tài sản (gồm tiền chênh lệch tài sản trên đất là 367.345.885đ; tiền chênh lệch giá trị đất là 171.900.000đ) bản án nêu.

Theo hai bản án tuyên thì việc phân chia tài sản chung của vợ chồng thì tổng tài sản anh H nhận được sẽ là 5.007.974.795đ, còn chị A nhận được tổng tài sản là 2.643.574795đ.

Pháp luật không thể ngầm hiểu hoặc hiểu nhầm

Trao đổi với phóng viên, người đại diện theo ủy quyền của chị Đ.T.A bày tỏ: “Trong khi anh H là người có lỗi (có video kèm theo) và cũng chính anh H làm đơn bỏ vợ. Từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, chị Đ.T.A phải nuôi dạy 2 con, anh H không đóng góp cho vợ 1 xu nào (mặc dù Tòa án tuyên anh H phải đóng góp cho chị A tiền nuôi con hàng tháng).

Vì vậy, tôi đã khiếu nại toàn bộ phần phân chia tài sản chung, đồng thời tôi cũng đề nghị làm rõ phần phân chia tài sản chung của vợ chồng anh H và chị A tại sao lại có tỉ lệ là 70-30 trong khi người chồng có lỗi? Hiện chị A là người bệnh tật, ốm đau thường xuyên nhưng Tòa án đã không quan tâm tới điều này?”.

Cũng theo người đại diện theo ủy quyền của chị Đ.T.A, chị đã gửi đơn khiếu nại và đề nghị lần 2 tới cơ quan tố tụng, nhưng chị chưa nhận được câu trả lời. Hiện người đại diện theo ủy quyền của chị A đã gửi đơn tới Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm đối với bản án nêu trên.

Liên quan tới việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật nêu quan điểm: “Khi ly hôn, Tòa án giải quyết chia tài sản chung vợ chồng theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật HN&GĐ 2014 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật HN&GĐ 2014.

Vì thực tế mức độ mâu thuẫn, tình trạng quan hệ, tình trạng tài sản, công sức đóng góp, tình trạng mỗi bên trong quan hệ… của mỗi vụ việc đều rất khác nhau, không định lượng, định tính được nên không thể quy về một công thức chung.

Do vậy, Luật HN&GĐ chỉ nêu nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác theo khoản 2 Điều 59, còn mức độ, tỷ lệ như thế nào sẽ giao cho Thẩm phán, HĐXX quyết định nhưng họ phải diễn giải các căn cứ cho việc (tỷ lệ) chia đó. Bản chất định tính, định lượng quan hệ xã hội sẽ rất khó và không thể tuyệt đối.

“Để có cách hiểu, áp dụng thống nhất và hạn chế ý chí cá nhân của người xét xử, theo tôi nên ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết cụ thể hoá hơn nữa các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ phân chia tài sản chung vợ chồng.

Ví dụ, 4 yếu tố quy định tại khoản 2 Điều 59 thì mỗi yếu tố có thể làm thay đổi tỷ lệ phân chia theo một khung biên độ nhất định. Nếu cho 4 yếu tố đó làm thay đổi tỷ lệ phân chia 50% thì mỗi yếu tố thay đổi 12.5%. Như vậy, thêm hoặc bớt một yếu tố mà chia tăng hay giảm. Tuy nhiên, cần hướng dẫn chi tiết hơn việc yếu tố cũng như các tình tiết loại trừ”, Thạc sĩ Thuật bày tỏ.

Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho hay: “… Luật HN&GĐ nêu nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác theo khoản 2, Điều 59, còn mức độ, tỷ lệ như thế nào sẽ giao cho Thẩm phán, HĐXX quyết định nhưng họ phải diễn giải các căn cứ cho tỷ lệ chia đó. Đặc biệt phải tính đến lỗi của các bên và nghiêng về bảo vệ người phụ nữ để làm căn cứ phân chia tài sản chung của vợ chồng".

Cũng nêu quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ - nguyên Trưởng bộ môn Luật HN&GĐ Đại học Luật Hà Nội: “Về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là chia đôi (50-50), tuy nhiên có tính đến công lao đóng góp và lỗi của các bên để tính nhưng tỉ lệ chia không thể quá chênh lệch. Có thể là 60-40; 65-35, tùy từng vụ việc cụ thể. Hiện nay không có những văn bản cụ thể để quy định chi tiết hoặc hướng dẫn áp dụng phân chia tỉ lệ tài sản chung của vợ chồng cho nên khi Thẩm phán, HĐXX áp dụng cũng rất khác nhau.".

"Nhiều vụ án phân chia tài sản quá chênh lệch khiến cho đương sự bức xúc… Tại điểm D của Điều 59 Luật HN&GĐ cũng tính đến lỗi của vợ/chồng nhưng cũng không chỉ ra cụ thể phải chịu phần tài sản ít hơn là bao nhiêu. Đây là điều bất cập”, TS Nguyễn Văn Cừ phân tích.

Khoản 2, Điều 59 Luật HN&GĐ: “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Đọc thêm