Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự, gồm các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Vậy, căn cứ vào đâu để xác định được chi phí phát sinh đối với người vi phạm các hành vi trên gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên để xử lý?
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời: Căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ, UBND các cấp có thẩm quyền quyết định cách ly hoặc phong tỏa đối với một khu vực, một địa giới hành chính (thôn, xã, huyện, tỉnh) để kiểm soát, hạn chế việc lây lan của dịch bệnh.
Đối với người chưa bị xác đinh mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa, có nghĩa vụ phải chấp hành nghiêm các quy định về việc cách ly, phong tỏa. Nếu người sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, phong tỏa, thực hiện một trong các hành vi (trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối; trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối), làm phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị xử lý hình sự về “Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự (theo văn bản hướng dẫn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19).
Chi phí phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh, bao gồm: chi phí cho lực lượng (Y tế, Công an, Quân đội…) được huy động tham gia phòng, chống dịch (chế độ phụ cấp cho lực lượng tham gia chống dịch được quy định tại Nghị định số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ); chi phí về phương tiện, kỹ thuật: xe cấp cứu, xe ô tô, mô tô của các lực lượng; chi phí trang thiết bị vật tư y tế, hậu cần (khẩu trang y tế, nước rửa tay; quần áo bảo hộ…); chi phí hỗ trợ ăn uống; chi phí phun thuốc khử trùng; chi phí bộ Kit test xét nghiệm phát hiện Covid-19 và các chi phí khác cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh và cho những người ở khu vực bị ảnh hưởng do chính hành vi của người vi phạm gây ra.
Ví dụ: Chi phí phát sinh cho lực lượng, phương tiện tham gia truy tìm người trốn khỏi nơi cách ly; chi phí cho việc truy vết, xác định những nơi người trốn khỏi nơi cách ly đến; chi phí cho việc rà soát, xác định những người tiếp xúc với người trốn khỏi nơi cách ly, biện pháp cách ly đối với những người tiếp xúc (nếu có)… Chính quyền địa phương, cơ sở cách ly y tế nơi có sự việc xảy ra, thường là đầu mối được giao trong việc thống kê, lập danh mục chi trả các chi phí phòng, chống dịch bệnh và lập hồ sơ thanh quyết toán theo quy định.
Để xác định tổng giá trị thiệt hại do hành vi của người vi phạm gây ra, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phối hợp, đề nghị chính quyền địa phương, cơ sở cách ly y tế và cơ quan đoàn thể nơi có sự việc xảy ra, thống kê, lập danh mục, bảng kê chi tiết các khoản chi phí đã chi trả cho việc phát sinh phòng, chống dịch bệnh; tiến hành điều tra xác minh, thu thập các tài liệu chứng cứ thể hiện giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu đã sử dụng và các khoản chi khác cho công tác phòng, chống dịch bệnh (hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu và hồ sơ thanh quyết toán kinh phí đã duyệt chi)…
Nếu hành vi của người vi phạm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh; hành vi của người vi phạm có đủ yếu tố cấu thành “Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra Quyết định khởi tố vụ án và Quyết định khởi tố bị can đối với người vi phạm về “Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”, theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.