Cần đột phá hơn trong cắt giảm điều kiện kinh doanh

(PLVN) - Hôm qua (21/8), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ  làm việc với 14 bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn nợ đọng và cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của  Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc.

Điều kiện kinh doanh “hóa thân” vào quy chuẩn, tiêu chuẩn

Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết: Thủ tướng luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng thể chế và luôn đôn đốc các bộ, cơ quan ban hành các văn bản quy định chi tiết, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục hành chính.

“Thủ tướng đặc biệt quan tâm trong nhiệm kỳ này và được thường xuyên đặt ra trong các phiên họp Chính phủ, họp chuyên đề. Đây cũng là nội dung được Quốc hội liên tục đốc thúc, đề cập, gần nhất là phiên chất vấn Phó Thủ tướng, 15 bộ trưởng, trưởng ngành tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 vừa qua”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

“Về mặt cơ học đã cố gắng rất quyết liệt, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Dũng đánh giá. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn còn “kêu”, còn “than” nhiều. Các ý kiến cho rằng các bộ, ngành cần xem xét việc cắt giảm ĐKKD thực chất hơn nữa.

“Có ý kiến cho rằng, cải cách quản lý chuyên ngành chuyển biến chậm chủ yếu từ tiền kiểm sang hậu kiểm thay vì giảm số lượng các mặt hàng như yêu cầu. Có ý kiến cho rằng, việc đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, sửa đổi văn bản nghị quyết còn chậm so với yêu cầu thực tế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. 

Đặc biệt, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng “than” là các bộ, ngành chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng. “Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng vẫn có tình trạng ĐKKD hóa thân vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, tình trạng xin  - cho còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn.

Rồi thủ tục “chào hỏi” qua biên giới, tức thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa”, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nói và cho biết, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cũng đánh giá, các chi phí không chính thức có giảm nhưng vẫn còn rất cao. Việc cắt giảm ĐKKD, có đơn vị chạy theo cơ học, chạy theo thành tích mà không tăng cường công tác quản lý.

Nhấn mạnh lại yêu cầu của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Việc cắt giảm thủ tục hành chính thừa, thiếu trong chính sách đã qua rồi. Giờ đây các bộ, ngành phải cắt giảm mạnh hơn những thủ tục gắn với quyền lợi của các bộ, các ngành và cần có đột phá hơn nữa”.

Không được vì lý do quản lý mà đặt ra rào cản

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Y tế cho biết đã giảm 1.392/3.005 ĐKKD, đạt 69,43% và cắt 167/245 thủ tục hành chính. Theo tính toán, việc này giúp tiết kiệm 8.000 ngày công, tương đương 3.332 tỷ đồng/năm, đó là chưa tính tới chi phí cơ hội.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, số liệu cắt giảm của Bộ Y tế rất cao, như Nghị định 155 Bộ Y tế trình Chính phủ cắt giảm trên 90%  nhưng cần xem xét lại về thực chất. “Bởi vì nhiều doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế, liên quan đến phòng khám, dược còn kêu nhiều lắm, chỉ có lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm phản hồi tốt”, ông Mai Tiến Dũng lưu ý.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ có 8 ngành nghề kinh doanh với 121 điều kiện nằm ở 3 lĩnh vực chính: Sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chuyển giao công nghệ. Theo đó, Bộ đã trình nghị định để Chính phủ cắt giảm 63/121 ĐKKD đạt 52%.

Đánh giá về việc làm này, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cắt giảm các thủ tục rất tốt. Tuy nhiên liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành mà nhiều bộ kiểm tra của một sản phẩm, như bình nước nóng, nồi hơi, quạt điện, bóng đèn huỳnh quang, tủ lạnh, điều hòa không khí… gồm Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Công Thương kiểm tra.

 Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu thế nào để thuận tiện cho doanh nghiệp khi kiểm tra tại cửa khẩu. Ngoài ra, trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát cắt giảm hơn nữa hoặc không cắt giảm phải đơn giải hóa thủ tục để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Đối với Bộ Công Thương, Tổ trưởng Tổ Công tác đánh giá cao Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về phương án cắt giảm ĐKKD theo Nghị quyết 02, một số bộ khác như Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết riêng về vấn đề thủ tục kiểm tra formaldehyte với sản phẩm dệt may của Bộ Công Thương. Hiện có 6 nghìn doanh nghiệp dệt may, nhưng tỷ lệ vi phạm về kiểm tra formaldehyte rất nhỏ, lại kiểm tra 100% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng này.  

“Vậy có thể thay đổi phương thức kiểm tra không, như quản lý rủi ro, phân luồng xanh, đỏ, vàng để có hình thức kiểm tra phù hợp trong thời gian tới?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề. Đại diện Bộ Công Thương hứa sẽ rà soát và có báo cáo về việc này.

 Nhắc đến Nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trong quý III năm 2019. “Phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhưng không vì lý do đấy mà đặt ra rào cản, kìm hãm phát triển”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.  

Đọc thêm