Bám tàu mưu sinh
Cách đây hơn 1 năm, tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long được nhiều người ví là chuyến tàu chạy chậm nhất thế giới bởi tính cả lượt đi và lượt về phải mất tới hơn 15h đồng hồ. Và cũng chẳng giống các chuyến tàu khác, tuyến Yên Viên – Hạ Long chỉ chạy 2 chuyến/ngày (lượt đi và về). Tuy nhiên, nhiều năm qua, chuyến tàu đặc biệt này đã là “chiếc phao” mưu sinh của nhiều người buôn bán nhỏ lẻ.
Cảnh tượng trên đoàn tàu chợ Yên Viên – Hạ Long có thể khiến nhiều người lần đầu tiên nhìn thấy sẽ choáng ngợp bởi nó giống cảnh tượng bao cấp từ mấy chục năm trước. Dù số lượng các tiểu thương “buôn thúng, bán mẹt” không nhiều nhưng hàng lên, xuống chất đầy các khoang. Mỗi lần tàu dừng lại ở các ga là cảnh mua bán tấp nập trên tàu, dưới ga lại diễn ra. Nhưng hàng hóa cũng chỉ toàn các sản phẩm nông sản như rau, quả, gà, vịt, hay hàng lâm sản như măng rừng...
Các chuyến tàu an sinh dừng chạy khiến cho việc di chuyển, buôn bán, mưu sinh của người dân vùng cao gặp nhiều khó khăn. Bởi tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng qua nhiều xã nghèo, miền núi khó khăn, giao thông đường bộ không thuận tiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Tuyến Hà Nội – Hạ Long phục vụ bà con ở khu vực ga Bảo Sơn, Mạo Khê, Đông Triều, Lan Mẫu. Những vùng này, hành khách chủ yếu là các đồng bào dân tộc Nùng mang nông sản, lâm sản để cung cấp cho vùng biển Hạ Long. Còn tuyến Long Biên - Quán Triều (Thái Nguyên) phục vụ nhiều bà con người Sán Dìu, Tày, Nùng.
Một lý do nữa, theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Đông Anh, các chuyến tàu an sinh phải dừng chạy là do việc khai thác không hiệu quả, chi phí bỏ ra quá nhiều. Bình quân mỗi chuyến tàu đông khách cũng chỉ thu được 2 - 4 triệu đồng, trong chi phí lại cao gấp 3 - 4 lần (khoảng 13 triệu đồng). Do vậy, mỗi năm công ty vẫn phải chịu lỗ từ 25 - 35 tỷ đồng trên 3 tuyến tàu an sinh này.
Bao giờ tàu lăn bánh trở lại?
Theo ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ngoài phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, việc tổ chức chạy tàu còn để duy trì tuyến, tránh lãng phí hạ tầng. Đồng thời, việc chạy tàu còn có thể thực hiện nhiệm vụ an ninh – quốc phòng khi cần thiết.
Những năm qua, đứng trước thực trạng nói trên, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét đưa các mác tàu này vào diện tàu an sinh để được Nhà nước hỗ trợ theo Luật Đường sắt 2017 và các văn bản pháp luật khác nhưng chưa được phê duyệt.
Trước đó, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội. Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện chính sách chạy tàu an sinh phải theo đúng quy định của pháp luật về đường sắt, ngân sách nhà nước, không để xảy ra tình trạng lạm dụng gây thất thoát.
Theo đó, căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 68 Luật Đường sắt năm 2017, quy định về việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội: Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt được hỗ trợ chi phí vận tải trong các trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, vận tải phục vụ an sinh xã hội. Đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được hỗ trợ phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt phần trực tiếp liên quan đến chạy tàu để tổ chức chạy tàu phục vụ nhiệm vụ vận tải đặc biệt, vận tải phục vụ an sinh xã hội.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chạy lại tàu an sinh trên các tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Hạ Long, Long Biên - Quán Triều trong năm 2022 để xin ý kiến các địa phương và báo cáo các bộ, ngành.
Bà Nguyễn Thị Chín (Bắc Giang) hàng ngày vẫn đón tàu ở ga Kép (Bắc Giang) để xuống Mạo Khê (TX Đông Triều) chạy chợ. Suốt 20 năm gắn bó với tuyến đường sắt này bà thấy biết ơn nó nhiều.
“Tàu đi chậm nhưng giá cước rẻ hơn đi xe khách, hàng hóa cồng kềnh nhưng có khoang rộng để xếp sắp gọn gàng. Việc di chuyển bằng tàu khi phải chở những chuyến hàng cả trăm cân cũng an toàn hơn nếu đi bằng xe máy. Giờ buôn bán khó khăn hơn trước, nên chúng tôi phải tiết kiệm, đi tàu vẫn hơn”, bà Chín nói.
Tuy nhiên, ba chuyến tàu an sinh mà trước tháng 3/2020 phía đường sắt vẫn cho vận hành là: Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Đồng Đăng và Yên Viên – Hạ Long, đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến toàn bộ ngành đường sắt. Những chuyến tàu an sinh được Nhà nước hỗ trợ chi phí, giúp bà con dân tộc vùng cao, khó khăn đi lại thuận tiện, an toàn hơn.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"