Bộ luật Hình sự: Góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng
Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định 7 tội danh về tham nhũng (từ Điều 353 đến Điều 359), bao gồm tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tội giả mạo trong công tác. Ngoài ra, BLHS còn quy định một số tội phạm hoặc tình tiết định khung tăng nặng hình phạt ở một số tội phạm khác để thể hiện đầy đủ các hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng.
Ngoài tội phạm và hình phạt đối với các tội phạm tham nhũng, BLHS cũng quy định đầy đủ các biện pháp tư pháp được áp dụng trong xử lý tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng. Cùng với Luật Phòng, chống tham nhũng, những quy định về tội phạm tham nhũng trong BLHS góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khắc phục những bất cập trong quá trình đấu tranh với tội phạm này trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, BLHS còn thiếu những tội phạm mà trong đó tham nhũng “ẩn nấp” như tội làm giàu bất chính, tội nhận quà biếu có giá trị lớn. Pháp luật quy định tài sản bị tịch thu gồm tài sản tham nhũng và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng gây ra một số khó khăn trong thực tiễn khi phải chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng. Trong bối cảnh tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, tài sản tham nhũng thường được đối tượng phạm tội tẩu tán ra nước ngoài, chuyển đổi hình thức sở hữu để được “tẩy rửa” nguồn gốc hợp pháp. Ngoài ra, hình phạt tiền, tịch thu tài sản đối với tội phạm tham nhũng chỉ mang tính tùy nghi mà không bắt buộc; cho nên thực tiễn rất ít được áp dụng.
Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS Trần Văn Độ, mặc dù BLHS 2015 có quy định người tham ô, nhận hối lộ bị kết án tử hình mà nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng thì được chuyển sang tù chung thân và quy định này đã có hiệu lực từ đầu năm 2016 nhưng chưa có người bị kết án nào thực hiện điều này để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Việc tương trợ tư pháp trong giải quyết các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, thời gian thường bị kéo dài nên ảnh hưởng đến kết quả xử lý tội phạm tham nhũng.
Cần bổ sung thêm một số tội phạm
PGS.TS Trần Văn Độ đề nghị tiếp tục hoàn thiện BLHS nghiên cứu theo hướng, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, vì BLHS chưa có quy định tội danh hành vi làm giàu bất hợp pháp. Hình sự hóa hành vi này để có thể phòng chống các tội tham nhũng và rửa tiền nhằm thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, cũng cần lường trước một số khó khăn khi bổ sung tội danh này trong BLHS , bởi nếu luật hóa ngay sẽ có thể “bất khả thi” với đòi hỏi các công chức, viên chức phải chứng minh nguồn gốc thu nhập của họ, các nguyên nhân như thiếu công cụ pháp lý và hành chính để thực hiện việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Hầu hết các giao dịch ở Việt Nam đã và đang được thực hiện không qua hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, cần bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm tham nhũng.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng cho rằng cần bổ sung các tội phạm liên quan đến tài sản bất minh vào BLHS. Trên cơ sở đó khởi tố với người có tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc và hình phạt đầu tiên với người đó phải là tịch thu tài sản. Đây là biện pháp trước mắt tôi cho là rất khả dĩ, là giải pháp hữu hiệu khi ta chưa kiểm soát được tài sản. Kiểm soát tài sản không những chống tham nhũng mà còn chống rửa tiền, chống trốn thuế, gian lận thương mại, tín dụng đen.
Chung quan điểm, đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích, BLHS 2015 đã tiếp tục chỉnh sửa các điều luật về rửa tiền nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và chuẩn mực quốc tế có liên quan. Thời gian qua, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của Việt Nam chủ yếu tập trung vào việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tiền thân của tội rửa tiền, do đó phải đến đầu năm 2017 Việt Nam mới khởi tố, xét xử thành công 1 vụ án với tội danh rửa tiền.
Trên thực tế một số hành vi cấu thành tội rửa tiền đã được xử lý theo điều khoản về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, mà không xét xử theo tội rửa tiền. Đại diện này cũng đề nghị, nghiên cứu việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập đơn vị điều tra chuyên trách tại Bộ Công an và đảm bảo đủ nguồn lực về nhân lực, tài chính, kỹ thuật cho đơn vị này thực hiện nhiệm vụ điều tra các hoạt động rửa tiền và các tội danh khác liên quan đến rửa tiền.