Nhiều vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân
Trong năm vừa qua, công tác thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến tín dụng, ngân hàng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hệ thống cơ quan THADS cũng đã triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các quy định pháp luật, các hướng dẫn, chỉ đạo.
Tuy nhiên, kết quả thi hành án các vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng năm 2018 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 cả về việc và tiền. Số tiền, việc còn phải thi hành án lớn.
Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan như: một số Thủ trưởng cơ quan THADS chưa phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Ở một số địa phương, hiệu quả hoạt động của Tổ công tác giải quyết án tín dụng, ngân hàng (Tổ xử lý nợ xấu) chưa cao. Một số Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành án thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Mặt khác, còn có nguyên nhân khách quan xuất phát từ sự bất cập về mặt thể chế mà cụ thể là Nghị quyết (NQ) 42, đặc biệt là quy định về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân còn gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trong thực tế.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của NQ 42 thì việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Vì vậy, khi xử lý tài sản là bất động sản thì người có tài sản bị xử lý (ở đây chính là người phải thi hành án) thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân (theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của thuế thu nhập cá nhân).
Tuy nhiên, Điều 12 của NQ 42 lại quy định rằng số tiền thu từ tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho TCTD trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Thực tiễn trong công tác THADS cho thấy trong hầu hết các trường hợp thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ để thanh toán cho TCTD nên sau khi đã thanh toán cho TCTD theo quy định nêu trên thì không còn để thanh toán nghĩa về vụ thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, Công văn số 4606/BTC-TCT ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính về quán triệt thực hiện NQ 42 cũng không có nội dung hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Vì vậy, hầu hết tại các địa phương, các cơ quan thuế khẳng định nếu không hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá.
Theo báo cáo của các cơ quan THADS địa phương, có 100 việc thi hành án còn vướng mắc tiền thuế thu nhập cá nhân chưa xử lý được với số tiền thuế hơn 4 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh như: Cần Thơ, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận…
Tăng cường công tác phối hợp
Từ khó khăn, bất cập này, đã tạo tâm lý bức xúc từ phía người mua tài sản bán đấu giá, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, thậm chí dẫn đến người mua trúng đấu giá khởi kiện yêu cầu cơ quan THADS phải nộp khoản thuế chuyển nhượng tài sản hoặc yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá và bồi thường thiệt hại do không hoàn tất được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp người mua trúng đấu giá không đồng ý nhận tài sản nếu người phải thi hành án chưa hoàn thành các khoản thuế, phí liên quan đến tài sản nên chưa thực hiện được việc thanh toán tiền thi hành án cho các TCTD theo đúng quy định.
Mặt khác, hiệu quả từ việc bán tài sản thi hành án để thu hồi các khoản nợ xấu của các TCTD bị giảm sút do tâm lý e ngại mua tài sản vì sợ không giao được hoặc không được chuyển quyền theo quy định.
Để tháo gỡ vướng mắc và bất cập trên, Lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác THADS liên quan đến việc thu hồi nợ xấu của các TCTD.
Đồng thời tiếp tục phối hợp có hiệu quả với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác xây dựng thể chế, chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên, nhất là công tác thẩm định cho vay; phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp với các cơ quan THADS cũng như các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong công tác thu hồi nợ xấu.
Đối với các cơ quan THADS địa phương, khi tổ chức thi hành các bản án, quyết định được điều chỉnh bởi các quy định của NQ 42, phải thông tin nghĩa vụ của chủ tài sản liên quan đến tài sản đó, tình trạng tài sản (như: ghi rõ vào hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản, thông báo bán đấu giá tài sản về các khoản nợ thuế, phí có liên quan...) đến người tham gia đấu giá để người tham gia đấu giá tài sản biết, tránh việc khiếu nại, tố cáo và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua trúng đấu giá tài sản.