“An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”, do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 27/11, đã nêu bật những lợi thế của nền kinh tế số cùng những thách thức, đồng thời đề xuất lời giải cho bài toán về đảm bảo an toàn thông tin khi mà "tất cả mọi thứ" đều được đưa lên nền tảng số.
Toạ đàm quy tụ các diễn giả, khách mời, chuyên gia uy tín trong ngành.
Toạ đàm quy tụ các diễn giả, khách mời, chuyên gia uy tín trong ngành.

Toạ đàm quy tụ các diễn giả, khách mời, chuyên gia uy tín trong ngành như Thượng tá Lê Minh Hải - Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM; GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – ĐH Kinh tế TP HCM; TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự - Trường ĐH Luật TP HCM; ông Trương Đức Lượng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ANM Việt Nam...; cùng lãnh đạo Sở ban ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí.

Cơ hội và thách thức trong kỉ nguyên số

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình cho biết: Kỷ nguyên số đã và đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa của Việt Nam cũng như toàn cầu. Đặc biệt, nền kinh tế số đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cốt lõi, giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 1

Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình phát biểu khai mạc.

Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ, trong đó có vấn đề an toàn thông tin - yếu tố then chốt trong sự bền vững của chuyển đổi số.

Những sự cố an ninh mạng, từ các cuộc tấn công có tổ chức đến những lỗ hổng trong việc quản lý thông tin, đang đặt ra nguy cơ nghiêm trọng không chỉ đối với doanh nghiệp hay cá nhân, mà còn với các cơ quan nhà nước, thậm chí là an ninh quốc gia. Chính vì vậy, việc xây dựng những giải pháp hiệu quả để bảo vệ thông tin và dữ liệu không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là trách nhiệm chung của cả xã hội.

“Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam hy vọng rằng, thông qua sự kiện này, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sẽ có thêm những hiểu biết sâu sắc và những công cụ hữu ích, những góc nhìn đa chiều để từng bước hoàn thiện hành lang bảo vệ an toàn thông tin, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam”, Nhà báo Hà Ánh Bình nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM (Phòng ANM) đã đưa ra những con số thực tế đáng “giật mình” về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại TP HCM trong thời gian qua.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 2

Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM nêu thực tế về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian qua

Theo ông Hải, sự bùng nổ công nghệ thông tin và hoạt động trên môi trường mạng gắn liền với đời sống xã hội, sinh hoạt hàng ngày của người dân, bên cạnh những thông tin tích cực, phục vụ các hoạt động kinh doanh sản xuất thì song song đó là tình trạng tội phạm phát triển mạnh, các loại tội phạm truyền thống có xu hướng chuyển dịch lên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao, nhất là lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.

Trong năm 2023, Phòng ANM đã phối hợp với phòng nghiệp vụ công an các quận huyện, TP Thủ Đức, ghi nhận 1488 vụ việc, 174 đối tượng và đã tiến hành khởi tố 363 vụ với 51 bị can có liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với 1438 vụ và đã bắt giữ 26 đối tượng, khởi tố 356 vụ việc, xử lý 20 đối tượng. Tội phạm tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc trực tuyến là 27 vụ, 59 đối tượng, đã khởi tố 3 vụ và xử lý 19 bị can. Hoạt động lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi tội phạm khác như mại dâm, mua bán vũ khí, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân... có 24 vụ, 89 đối tượng, xử lý 17 vụ và khởi tố 4 vụ. Trong đó, ghi nhận 48 đối tượng là người nước ngoài liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng địa bàn Việt Nam ẩn nấp. Cơ quan công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan để trục xuất các đối tượng.

Thời gian qua, Phòng ANM đã hỗ trợ cơ quan công an các tỉnh thành điều tra, phát hiện nhiều đối tượng người nước ngoài, trong đó có những đối tượng nằm trong danh sách truy nã quốc tế, chọn TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung để ẩn nấp, làm nơi thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến công nghệ cao.

Về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng công nghệ cao để tấn công, chiếm đoạt, uy hiếp, đe dọa nạn nhân thông qua môi trường mạng mà chủ yếu là liên quan đến các loại tội phạm xâm hại, lừa đảo, tống tiền, làm nhục và các hành vi khác có tính chất xâm hại tình dục và các loại tội phạm khác có liên quan trên không gian mạng. Đối với loại tội phạm xâm hại tài sản, các đối tượng chủ yếu đe dọa nạn nhân thông qua hình thức mạo danh lực lượng thực thi pháp luật. Tội phạm trên mạng còn sử dụng các hoạt động thao túng tâm lý làm nạn nhân lo sợ, sập bẫy lừa đảo. Ngoài ra Phòng ANM cũng đã phát hiện các hành vi đe dọa, tống tiền bằng các thủ đoạn khủng bố tinh thần, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm...

Các đối tượng thường lợi dụng sự phát triển của các loại hình dịch vụ do các công ty cung ứng xuyên biên giới vào Việt Nam như các mạng xã hội, dịch vụ lưu trữ, ngoài ra một số loại hình dịch vụ khác như dịch vụ viễn thông, ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán cũng bị lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo ông Hải, nạn nhân của các vụ lừa đảo cũng đến từ một số người có lối sống thiếu lành mạnh, chủ động tìm kiếm, tham gia các hoạt động có tính chất tệ nạn trên không gian mạng; truy cập vào những nội dung đồi trụy, cờ bạc…

Khuyến cáo người dùng mạng, ông Hải nhấn mạnh, mỗi người phải trang bị kiến thức bằng nhiều hình thức, chịu khó tìm hiểu đọc, hỏi thông tin từ nhiều nguồn chính thống. Đặc biệt là không chia sẻ thông tin cá nhân cho các đối tượng trên mạng. Quan trọng nhất là phải có ý thức tự bảo vệ chính mình trên mạng xã hội.

Nhiều giải pháp thiết thực về pháp lý, công nghệ

Trình bày tham luận, GS. TS. Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – UEH nhấn mạnh, trong tương lai, ANM toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức ngày càng lớn, đặc biệt khi công nghệ 5G và IoT được triển khai rộng rãi, mở ra các lỗ hổng bảo mật mới. Để đối phó, các quốc gia cần tăng cường đầu tư vào công nghệ bảo mật tiên tiến, nâng cao nhận thức cộng đồng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm xây dựng một không gian mạng an toàn và bền vững.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 3

GS. TS. Võ Xuân Vinh đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng một không gian mạng an toàn và bền vững.

GS. TS. Võ Xuân Vinh đưa ra một số giải pháp: Đầu tư vào hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý và lưu trữ dữ liệu. Cấu hình an toàn cho thiết bị và phần mềm. Quản lý tài khoản và quyền truy cập. Quản lý lỗ hổng bảo mật. Giám sát và bảo vệ an ninh mạng…

Đặc biệt, ông Vinh lưu ý cần nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng an ninh mạng. Đào tạo nâng cao nhận thức ANMl là hoạt động bắt buộc để xây dựng văn hóa bảo mật trong tổ chức. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp với vai trò của từng cá nhân, bao gồm cả việc nhận diện các nguy cơ như lừa đảo, tấn công phi kỹ thuật, và cách ứng phó. Ngoài ra, lực lượng chuyên biệt bảo vệ ANM cần được thành lập và huấn luyện với các kỹ năng chuyên sâu nhằm sẵn sàng ứng phó với các sự cố nghiêm trọng.

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng bộ môn Luật Hình sự (Trường ĐH Luật TP HCM) nhấn mạnh khía cạnh an toàn dữ liệu cá nhân, đây không còn là vấn đề của một cá nhân, quốc gia, cộng đồng mà còn là vấn đề toàn cầu. TS Hồng nhận định, hiện nay, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được nêu tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật khác, nhưng còn thiếu quy định về quyền được khôi phục dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba...

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 4

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng bộ môn Luật Hình sự (Trường ĐH Luật TP HCM) nhấn mạnh khía cạnh an toàn dữ liệu cá nhân tại tọa đàm

Hiện nay, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho chủ thể dữ liệu cá nhân. Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán. Dữ liệu các đối tượng mua bán, trao đổi chứa thông tin rất chi tiết về các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, như: họ tên, ngày sinh, CCCD, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng (bao gồm cả số dư), thân nhân, chức vụ, vị trí công tác…

“Cần một đạo luật về vấn đề này, chứ không chỉ là văn bản dưới luật. Tôi cho rằng yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần xây dựng, ban hành “Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân” nhằm tạo khung pháp lý để bảo đảm việc bảo vệ thông tin cá nhân, xử lý triệt để các vi phạm”, TS. Hồng nhấn mạnh.

Ông Trương Đức Lượng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP ANM Việt Nam chia sẻ liên quan đến các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin cho các tổ chức. Ông Lượng cho hay, tấn công mạng luôn hiện hữu và ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin và xu thế trực tuyến. Quý 3 năm 2024, hơn 5 triệu mối đe dọa được Kaspersky phát hiện, 18,7% người dùng Internet Việt Nam là đối tượng của tấn công mạng.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 5

Ở góc độ chuyên gia, ông Trương Đức Lượng đề xuất các định hướng về bảo vệ hệ thống Công nghệ thông tin.

Do vậy, để bảo đảm an toàn thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp cần tự trang bị: tường lửa, endpoint; thiết lập trung tâm giám sát và đánh giá bảo mật thường xuyên.

Ông Lượng đề xuất 3 định hướng về bảo vệ hệ thống Công nghệ thông tin như xây dựng nền tảng văn hoá đảm bảo ATTT; Thiết lập chính sách, quy định và đào tạo tuân thủ thường xuyên; Đánh giá mức độ an toàn thường xuyên để cải tiến kịp thời…

Buổi Toạ đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận rất sôi nổi của các chuyên gia, khách mời. Luật sư Nguyễn Thành Tựu, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Nguyễn và cộng sự trăn trở về câu chuyện vì sao thực trạng dùng sim rác lừa đảo qua điện thoại ngày càng phổ biến và khó ngăn chặn.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 6

Luật sư Nguyễn Thành Tựu, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Nguyễn và cộng sự đặt câu hỏi cho chuyên gia

TS. Ngô Đăng Hà An, đến từ Học viện Hàng không Vietjet mong muốn có sự tư vấn về cách thức bảo mật thông tin hiệu quả, cũng như những vấn đề liên quan đến quy định pháp luật về AI.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 7

TS. Ngô Đăng Hà An, đến từ Học viện Hàng không Vietjet mong muốn có sự tư vấn về cách thức bảo mật thông tin hiệu quả

Về phần mình, bà Sầm Thị Như Lan - Chi hội Kết nối ngành làm đẹp Việt Nam VNB, Hội DN Tư nhân Việt Nam thì quan tâm đến các vấn đề làm sao để tăng cường giáo dục kiến thức, kĩ năng chống lại tội phạm mạng cho các đối tượng người dùng, từ trẻ em cho đến doanh nghiệp. Các câu hỏi đều nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các chuyên gia, diễn giả.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 8

Bà Sầm Thị Như Lan - Chi hội Kết nối ngành làm đẹp Việt Nam VNB, Hội DN Tư nhân Việt Nam nêu các thắc mắc tại tọa đàm

Còn rất nhiều câu hỏi được người tham gia đặt ra tại buổi tọa đàm, mà với thời lượng có hạn không thể đáp ứng hết, Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận, chuyển câu hỏi đến các cơ quan chức năng và chuyên gia để có phản hồi đến người quan tâm.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 9

Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình tặng hoa, cảm ơn các diễn giả.

Kết thúc tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình bày tỏ: “Những chia sẻ tâm huyết của các diễn giả, những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ các chuyên gia, đại biểu và sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của quý vị là minh chứng cho tầm quan trọng của vấn đề an toàn thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Qua chương trình, Báo Pháp luật Việt Nam tin rằng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã có thêm nhiều góc nhìn mới, những bài học kinh nghiệm và giải pháp hữu ích để đối mặt và vượt qua các thách thức về an ninh mạng, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế số an toàn và bền vững, đồng thời nâng cao được bảo mật cho mỗi chúng ta”.

Cần làm gì trước vấn nạn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoành hành? ảnh 10

Đại diện ban tổ chức trao hoa cho các nhà tài trợ Tọa đàm

Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ như Ngân hàng SHB Sài Gòn, Công ty Luật TNHH Quốc tế Nguyễn và Cộng sự, Công ty CP Vacxin Việt Nam, Tập đoàn Bất động sản Hưng Lộc Phát, Công ty TM-DV-ĐT Thắng Lợi Group, Tổng Công ty Điện lực TP HCM, Công ty TNHH Công nghệ Di động Việt, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát, Trường ĐH Luật TP HCM, Nhãn hàng sữa Skysure, Công ty bao bì TTP…

Đọc thêm