Cần mở rộng chế tài xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

(PLVN) - Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 diễn ra mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị bổ sung, mở rộng các chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề xuất chế tài hình sự riêng đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) cho biết, để khắc phục bất cập của việc tổ chức thực hiện Luật hiện hành khi xử lý các vụ việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng, xử lý chậm đóng, xử lý trốn đóng, để phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, qua đó có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã thống nhất tiếp thu ý kiến đại biểu QH, chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp (DN) trốn đóng, chậm đóng BHXH. Bởi, việc áp dụng chế tài này đồng nghĩa với việc DN dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cả người lao động (NLĐ) và DN. Bên cạnh đó, dự thảo Luật do Chính phủ trình quy định việc áp dụng chế tài này, nhưng không có quy định nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho DN từng bước khắc phục việc chậm đóng. Quy định như vậy chưa xử lý được vướng mắc trong mối quan hệ khi DN chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế...

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đánh giá nội dung tiếp thu nêu trên là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, để tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH; đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động, Đại biểu đề xuất dự thảo Luật cần bổ sung các chế tài không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị bằng nguồn vốn của Nhà nước; không được tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo cho NLĐ..., từ đó tăng tính răn đe đối với trường hợp người sử dụng lao động cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Tán thành với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, bên cạnh quy định về xử lý hành chính, cần nâng cấp xử lý theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. “Điều 216 Bộ luật Hình sự đã quy định tội danh chậm đóng BHXH. Trong Luật BHXH hiện nay chưa có quy định về việc xử lý hình sự đối với tội danh chậm đóng BHXH của chủ sử dụng lao động. Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung cho đồng bộ, thống nhất”, Đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung biện pháp xử lý đối với 2 hành vi vi phạm chậm đóng và trốn đóng BHXH bắt buộc cho phù hợp. Cùng với đó, cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu sẽ được xem là trốn đóng BHXH. Đối với hành vi trốn đóng BHXH, Đại biểu đề nghị xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung vào Bộ luật Hình sự như tội trốn thuế và có chế tài hình sự riêng. Theo Đại biểu, quy định như vậy mới xử lý đúng, trúng, nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm trong trách nhiệm đóng BHXH.

Quy định cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, giúp NLĐ được ghi nhận thời gian tham gia BHXH và hưởng các chế độ BHXH theo quy định, góp phần giải quyết một phần khó khăn, vướng mắc thực tế nhiều năm qua, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung Điều 41 quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ.

Về vấn đề này, Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) nêu thực tế, có những DN khi giải thể, phá sản, đẩy NLĐ lâm vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, quy trình, điều kiện để NLĐ hưởng các quyền lợi từ BHXH chặt chẽ và phức tạp, NLĐ không được ưu tiên chi trả. Có những DN sau khi bị phá sản, bán tài sản đấu giá nhưng số tiền thu về không đủ để chi trả các sổ BHXH cho NLĐ, buộc NLĐ phải theo đuổi kiện cáo rất dài mà kết quả là vẫn không đòi được quyền lợi. Bên cạnh đó, trên thực tế cũng xảy ra những trường hợp NLĐ chẳng may gặp tai nạn hoặc đột tử. Những trường hợp này chỉ được hưởng chế độ tử tuất và không thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định trong dự thảo Luật do không chết bởi tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp.

Theo Đại biểu, trong số những trường hợp nêu trên, nhiều người có thời gian đóng BHXH rất lâu năm và nhiều người cũng là trụ cột gia đình, việc họ ra đi đột ngột gây ra gánh nặng về tài chính cho gia đình. Vì vậy, Đại biểu mong muốn dự thảo Luật cần có thêm những cơ chế đặc thù hoặc phương án hợp lý, hợp tình đối với các trường hợp này, nhằm vừa bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH, vừa bảo đảm quyền lợi tối đa cho NLĐ.

Đọc thêm