Cân nhắc thí điểm tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

(PLVN) - Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc cho thực hiện thí điểm trong một thời gian, tại một số địa phương nhất định để có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Công an xã dôi dư sẽ vào lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã được sắp xếp thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự”, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm.

Đại tướng Tô Lâm thông tin, đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với con số gần 30.000.

Điều đó làm phát sinh thực tế là có 126.084 Công an bán chuyên trách đang dôi dư và phải bố trí tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã. Do đó, dự luật ra đời sẽ kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng này tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Trình bày thẩm tra sơ bộ dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt. (Ảnh: Quochoi.vn)
 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tuy nhiên, còn có những ý kiến khác nhau như các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác có thể làm phát sinh kinh phí, trùng dẫm với một số quy định của pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cũng cho hay nội dung của dự thảo Luật chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc cho thực hiện thí điểm trong một thời gian, tại một số địa phương nhất định để có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật; hoặc đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, mà chưa cần ban hành Luật.

“Bỏ qua” các tổ tự quản, hiệp sĩ?

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề tại sao Luật chỉ điều chỉnh 3 lực lượng mà chưa đề cập các mô hình tổ chức tự quản của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự như “hiệp sĩ đường phố”, công nhân tự quản... khi thực tế cho thấy có hiệu quả.

Luật này cần phải đặt ra mối liên hệ với các tổ tự quản đã có, phát huy hiệu quả để đúng với mục tiêu và tên gọi của dự luật là “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn) 

Bày tỏ băn khoăn về kinh phí, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cần có quy định nhưng chính sách, điều kiện phải đúng tính chất của tổ chức tự nguyện quần chúng để đảm bảo khả thi với sức chịu đựng của ngân sách. Bên cạnh đó cần rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Báo cáo giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các lực lượng tự quản khác hoạt động với mô hình khác nhau, đơn lẻ ở địa phương, không bao trùm toàn quốc nên cần nghiên cứu đánh giá thận trọng cả về lý luận và thực tiễn. Nhưng Bộ trưởng khẳng định, không có chuyện Luật ra đời sẽ làm giảm vai trò tham gia của các lực lượng này mà còn được phát huy.

Đại tướng Tô Lâm cũng giải thích vì sao Chính phủ đánh giá sau khi bố trí, sắp xếp lại 3 lực lượng sẽ giảm khoảng 500.000 người.

Cụ thể, với số đơn vị cấp thôn trên cả nước hiện nay, ngân sách Nhà nước phải chi 600 tỷ đồng/tháng cho gần 2 triệu người thuộc 3 lực lượng theo quy định hiện hành. Còn theo dự thảo Luật này, lực lượng chỉ còn khoảng 1,5 triệu người với mức chi vào khoảng 450 tỷ đồng/tháng, tức cắt giảm được 150 tỷ đồng/tháng.

Đọc thêm