Trong khuôn khổ Diễn đàn “Hợp tác Quản trị an ninh phi truyền thống (ANPTT) khu vực ASEAN”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Viện ANPTT, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tọa đàm “ANPTT và thách thức đặt ra” vào sáng 18/10.
Vấn đề ANPTT rất rộng trong xã hội hiện đại
Dưới lăng kính của một nhà khoa học, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện ANPTT (ANPTT), Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong xã hội, hai vấn đề là an ninh và phát triển bền vững luôn gắn chặt với nhau. Với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có quan niệm về an ninh riêng của mình.
Đối với Việt Nam, Luật An ninh quốc gia 2004 đã quy định an ninh quốc gia là sự phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và theo quan điểm hiện nay, chúng ta gọi đây là vấn đề an ninh truyền thống.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, có nhiều rất nhiều vấn đề chúng ta gọi là ANPTT, tác động bằng các mối đe dọa phi quân sự, làm cho một đất nước hoặc một quốc gia, thậm chí một khu vực của thế giới không an toàn, không vững bền. Những vấn đề thuộc về ANPTT như thế thực chất làm mất ổn định của xã hội hoặc quốc gia từ những mối đe dọa phi quân sự, ví dụ như an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh mạng hoặc là an ninh năng lượng, an ninh lương thực…
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm. |
Chúng ta có thể nhận diện ngoài những vấn đề xác định là an ninh truyền thống là an ninh quân sự, an ninh chính trị thì tất cả những mối đe dọa, những vấn đề làm cho nền kinh tế phát triển không bền vững, môi trường sống xã hội không an toàn, vấn đề lương thực không được đảm bảo, du lịch không được phát triển tốt để phục vụ cho người dân…, theo Luật An ninh quốc gia 2004, chúng ta đều gọi đó là phạm trù ANPTT. Như vậy, có thể nói vấn đề ANPTT rất rộng trong cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay mà đại dịch COVID-19 vừa qua là một trong những ví dụ điển hình.
PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhấn mạnh, chúng ta cần chú trọng an ninh, an toàn là một trong nhưng yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân, chúng ta phải chủ động phòng ngừa là chính, đồng thời ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với các đe dọa ANPTT, an ninh xã hội, an ninh con người. Trong tất cả các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, chúng ta đã đổi mới, nhấn mạnh bảo đảm an ninh con người.
Trong đó, ANPTT quyết định sự bền vững của mỗi cá nhân con người và chúng ta cần đối phó với nó, tức là phải xây dựng chiến lược, ứng phó với từng mối đe dọa ANPTT. Đấy là tính cấp thiết cần chúng ta phải trao đổi tại Tọa đàm cũng như là nghiên cứu gắn với đào tạo, tư vấn chính sách và nâng cao nhận thức của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị, điều hành cả khu vực công và tư trong lĩnh vực này.
Tán thành với 2 đại biểu, Phó Tổng Giám đốc VNPT Vinaphone Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, từ khi chúng ta bắt đầu đổi mới, chuyển dần sang các mạng truyền dữ liệu và công nghệ số thì chúng ta đã rất chú ý đến vấn đề an ninh, an toàn mạng.
Bộ Công an hiện đã phát triển ứng dụng xác thực định danh điện tử, điều này rất quan trọng vì người dân giao tiếp trực tiếp với các cấp chính quyền thông qua môi trường mạng chứ không phải thông qua thủ tục hành chính, giấy tờ. Từng người dân là những nhân tố, thành tố tham gia vào quá trình bảo đảm an ninh, an toàn cho các giao dịch của Chính phủ, các giao dịch của chính mình và cả hệ thống quốc gia. Khái niệm đó đã thay đổi theo thời gian, đặc biệt là trong thời gian dịch COVID-19, trẻ em không được đến trường, các em học online thì mối đe dọa từ an ninh mạng kéo đến từng nhà, từng cá thể học sinh. Đây là vấn đề đặt ra để chúng ta thấy rằng trong vấn đề an ninh, an toàn mạng không có biên giới, khoảng cách và trách nhiệm của chúng ta là phải nhận dạng được.
Cần biện pháp kiểm soát, giảm thiểu mối đe dọa từ ANPTT
Để kiểm soát và giảm thiểu sự chuyển hóa từ ANPTT nói chung, an ninh môi trường nói riêng thành an ninh truyền thống, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia Tội phạm học, Phó Viện trưởng Viện ANPTT, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mỗi chủ thể liên quan phải nâng cao năng lực quản trị của chính mình, từ vấn đề xây dựng chính sách đến triển khai thực hiện, tổ chức thực hiện, kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự giác, tính chủ động của mỗi chủ thể đó.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn. |
Như vậy, chúng ta mới từng bước ngăn ngừa, hạn chế những rủi ro dẫn đến những biến động mà chúng ta thấy trong thực tế. Ông Thìn nhấn mạnh, đây là một biện pháp rất căn cơ, rất căn bản và trách nhiệm này thuộc về các chủ thể, của cả Nhà nước, tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp và cả người dân.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm lại phân tích, cũng giống như giải quyết mối đe dọa về an ninh truyền thống, giải quyết mối đe dọa ANPTT cũng có rất nhiều biện pháp. Vấn đề đầu tiên là chúng ta phải có đầy đủ và càng ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… để chúng ta phòng ngừa ứng phó trong lĩnh vực này.
Vấn đề thứ hai là như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII có nêu, phải tăng cường ứng phó trong vấn đề này; hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là tăng cường quản trị quốc gia, quản trị ANPTT.
Vấn đề thứ ba là phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta phải có nguồn nhân lực tốt. Trong đó, có khuyến nghị Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cho các bộ, ngành, cơ quan chức năng đưa chương trình tập huấn về quản trị ANPTT thành chương trình bắt buộc trong giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục khác cho các cơ quan Đảng, chính quyền, địa phương.
Một vấn đề nữa là cần phải đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Những nghiên cứu này có thể sẽ huy động cho các ngành, các cấp, các bộ ngành, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là một trong những mũi nhọn đi tiên phong. Ngoài ra chúng ta phải tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.