Cần phải nội soi tầm soát sớm ung thư đại trực tràng

(PLO) - Một trong những loại ung thư phổ biến nhất, gieo rắc kinh hoàng nhất thời nay là ung thư đại trực tràng. Đây là căn bệnh thường hay gặp, chỉ đứng thứ 4 sau ung thư phổi, dạ dày, vú (tính cả nam và nữ).
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Trưởng Khoa Khám bệnh cấp cứu, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức): Ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, tuổi thường mắc phải căn bệnh này bắt đầu từ 30, tăng cao ở độ tuổi 40 và cứ tăng 10 tuổi, tần số tăng gấp 2. Độ tuổi mắc cao nhất khoảng 70. Ở Việt Nam, tuổi mắc bệnh cao nhất từ 40 – 60 tuổi. Bệnh thường gặp nhiều hơn ở nam giới. Ở Pháp, tỷ lệ đánh giá là 37,3 trên 100.000 nam và 23 trên 100.000 nữ. Ở Việt Nam, trong một nghiên cứu tỷ lệ nam/nữ là 54% và 46%.
Ung thư đại trực tràng chủ yếu phát triển từ các tế bào tuyến của niêm mạc đại tràng, xâm lấn vào thành ruột lan ra các tổ chức xung quanh. Bệnh di căn theo hai đường: Đường bạch huyết tới các nhóm hạch và đường máu tới gan, phổi, xương... Ung thư sẽ gây các rối loạn bài tiết phân, gây cản trở, bít tắc lòng ruột và chảy máu vào trong lòng ruột, khiến người bệnh gặp phải tình trạng đi ngoài ra máu. Các u niêm mạc đại tràng (hay còn gọi là polip) từ quá phát lành tính, thoái hóa thành ung thư đặc biệt ở người trên 45 tuổi. Polip dạng nhung mao có nguy cơ gây ung thư cao nhất.
Còn theo Ths.BS Trần Quốc Vĩnh (Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin), Ung thư đại trực tràng là sự phát triển bất thường và ác tính của các tế bào đại trực tràng, gây những tổn hại nặng nề về mặt cấu trúc, chức năng của đại trực tràng, có khả năng xâm lấn vào những mô khác. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng được coi là "thủ lĩnh" trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Cần phải nội soi tầm soát sớm ung thư đại trực tràng
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay y học chưa biết chính xác nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng, nhưng yếu tố nguy cơ đã được xác định như tuổi tác, thói quen ăn uống nhiều chất béo nhưng lại lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu… Ngoài ra, các yếu tố di truyền cũng được kể đến như người có bệnh viêm đường tiêu hóa, viêm loét đại tràng…
Hơn nữa, chế độ dinh dưỡng không hợp lý như ăn ít chất xơ (chất xơ có tác dụng hấp thụ muối mật và các chất sinh ung thư, làm thay đổi PH đại tràng).  Ăn nhiều mỡ động vật, cholesterol sẽ làm tăng axit mật thứ phát (axit Deoxycholic, Lithocholic). Các axit này sẽ bị các vi khuẩn ở đại tràng chuyển hóa thành các chất có khả năng gây ung thư, đồng thời làm thay đổi PH ruột tăng tác dụng của các chất gây ung thư.
Một căn bệnh nữa cũng có thể gây ung thư đại trực tràng đó là bệnh Crohn (bệnh viêm tại đường ruột, gây loét đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Bệnh gặp nhiều ở đoạn cuối ruột non, ít gặp ở dạ dày, thực quản, tá tràng và đại tràng).
Phòng và điều trị bệnh
Biểu hiện của ung thư đại trực tràng ban đầu chỉ là những triệu chứng như: đau bụng, gầy sút, mệt mỏi, da xanh, rối loạn tiêu hóa và có lúc đi ngoài ra máu... Chính vì thế, khi gặp những triệu chứng trên, người bệnh thường nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa thông thường nên tự mua thuốc về uống. Sau một thời gian, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, người bệnh thấy tắc ruột, bí trung tiện, nôn, đau quặn bụng, có khối u ở bụng mới đi khám thì đã quá muộn. Một khi bệnh đã di căn thì việc điều trị không còn hiệu quả nữa.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh, ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt  điều độ, lành mạnh. Nên ăn nhiều hoa quả, ăn ít mỡ và phải lựa chọn thực phẩm an toàn (không hóa chất). Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để giữ gìn sức khỏe. Khi có biểu hiện bất thường như rối loạn tiêu hóa, thay đổi thói quen đại tiện, trong phân có chất bất thường như nhầy, máu…nên đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện và điệu trị sớm.
Ths.BS Trần Quốc Vĩnh cho biết thêm, hiện nay phương pháp nội soi đại trực tràng đang là tiêu chuẩn vàng về tầm soát và điều trị ung thư. Các nhà khoa học đã cải tiến ống soi để cuộc soi ngày càng nhẹ nhàng và không gây khó chịu cho bệnh nhân. Nếu phát hiện polyp, bệnh nhân sẽ được cắt bỏ ngay trong cuộc soi. Việc nội soi đại trực tràng cũng giúp người bệnh phát hiện các tổn thương khác như viêm loét đại tràng, túi thừa đại tràng, trĩ…
Theo Ths.BS Trần Quốc Vĩnh, có 3 phương pháp thăm dò ung thư đại trực tràng phổ biến tại Việt Nam hiện nay:
- Xét nghiệm tìm máu trong phân: Nên được thực hiện mỗi năm
- X-quang đại tràng cản quang kép hay nội soi ảo bằng CT: Nên làm 3 năm 1 lần
- Nội soi đại trực tràng: Nên được thực hiện mỗi năm nếu có yếu tố nguy cơ và 3-5 năm nếu không có yếu tố nguy cơ.

Đọc thêm