[links()] Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, việc thống nhất hay chưa nên thống nhất tổ chức giám định tư pháp cấp tỉnh nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đối với lĩnh vực giám định tư pháp nói chung, giám định pháp y nói riêng và dự thảo Luật Giám định Tư pháp đang được ĐBQH cho ý kiến đóng góp, thông qua có rất nhiều khái niệm, quan điểm mà ngay cả người trong cuộc vẫn chưa hiểu rõ để từ đó đưa ra một quyết định đúng đắn nhất.
Để rộng đường dư luận, PLVN đã có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia với tư cách một nhà chuyên môn để nhằm làm sáng tỏ vấn đề:
|
Gốc rễ vấn đề là sự nhầm lẫn về chức năng, nhiệm vụ
Thưa Tiến sĩ Vũ Dương, là người trong nghề hẳn ông rất quan tâm đến vấn đề đang làm nóng nghị trường hiện nay của dự thảo Luật Giám định Tư pháp. Nhưng có thể nhận thấy rằng không phải ai cũng hiểu sâu, cặn kẽ “câu chuyện” này với hàng loạt các khái niệm, ví dụ như thế nào là pháp y y tế, kỹ thuật hình sự công an… Là nhà chuyên môn, ông có thể giải thích rõ hơn?
Trong quá trình trò chuyện, TS. Vũ Dương có đề cập tới hai vấn đề. Thứ nhất, đó là hiện nay nhiều người quan niệm pháp y là phải mổ ngay tại hiện trường và từ quan niệm đó dẫn đến sự nhầm lẫn nhiệm vụ đó là của công an – lực lượng chiếm lĩnh hiện trường đầu tiên khi vụ việc xảy ra. Nhưng chính xác mà nói, việc giám định viên phải mổ tử thi ngay tại hiện trường như hiện nay chỉ là “khoảnh khắc” của việc đất nước còn nghèo, chưa đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ khoa học. Khám nghiệm pháp y đặc biệt là tử thi là nhiệm vụ đảm bảo tính khoa học và khách quan nên có rất nhiều thao tác tỷ mỷ từ mẩu da, mạch máu… đòi hỏi phải có ánh sáng, phòng ốc, thời gian, an ninh để tiến hành. Nên chuyện mổ tại hiện trường chỉ là giải pháp tình thế và rất dễ dẫn đến sai sót. Thứ hai, TS Vũ Dương đặt ra vấn đề tới đây nên hướng tới mô hình một cơ quan giám định độc lập trực thuộc thẳng Chính phủ ở cấp trung ương, chính quyền tỉnh thành ở cấp địa phương. Nhân lực của tổ chức đó sẽ do cả pháp y y tế và khoa học hình sự công an cung cấp. Theo TS Vũ Dương, sâu xa mà nói, việc tranh cãi thống nhất hay chưa nên thống nhất tổ chức giám định tư pháp cấp tỉnh, nên chăng quy pháp y một mối về ngành y tế thực ra là một bước thụt lùi so với Nghị định 117/HĐBT năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng theo đó cả và y tế và công an đều hoạt động chung trong Tổ chức pháp y do UBND tỉnh hoặc Sở Y tế quản lý. |
Đúng là muốn đưa ra một quyết định đúng đắn thì trước hết phải hiểu rõ thế nào là pháp y y tế và kỹ thuật hình sự công an cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn và phạm vi hoạt động của nó trong quá trình phục vụ tố tụng.
Có thể nói một cách ngắn gọn dễ hiểu thế này, pháp y y tế là cơ quan sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ y học để phục vụ cho hoạt động tư pháp, tố tụng; kỹ thuật hình sự công an là cơ quan sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ điều tra để phục vụ cho quá trình điều tra chứng minh hành vi phạm tội.
Về cơ bản, hai cơ quan này trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ có một số điểm chung nhưng nếu đi vào những vấn đề chuyên sâu thì hoàn toàn khác biệt.
Tôi ví dụ như thế này để dễ hình dung, khi có án mạng do súng thì cơ quan điều tra (bao gồm khoa học hình sự) và pháp y cùng đến hiện trường. Khoa học hình sự sẽ khám nghiệm hiện trường cùng cơ quan điều tra và cùng pháp y khám nghiệm tử thi.
Nói về việc khám nghiệm tử thi, pháp y và kỹ thuật hình sự khi khám nghiệm có phần chung nhưng phần lớn là riêng biệt.
Công việc chung giữa pháp y và kỹ thuật hình sự, liên quan đến dấu vết trên tử thi, khi khám ngoài cả hai bên cùng khám quần áo, tư trang dấu vết thân thể bên ngoài. Nhưng khi giám định bên trong (nói nôm na là mổ tử thi) thì hoàn toàn do pháp y đảm nhiệm. Nhiệm vụ của pháp y là xác định nạn nhân chết do đạn thẳng, hay do đạn ria, bị bắn tầm gần hay tầm xa…
Còn nhiệm vụ của kỹ thuật hình sự là phải xem cụ thể viên đạn ấy được bắn ra từ cây súng nào để sau đó trưng cầu pháp y giám định hung khí xem có phù hợp với dấu viết trên tử thi hay không.
Nếu bác sĩ nghi dấu vết trên tường là máu, nghi dấu vết trên giường, quần áo có nguồn gốc sinh học (trong vụ án hiếp dâm) thì kỹ thuật hình sự có nhiệm vụ thu và bảo quản dấu vết này và cơ quan điều tra trưng cầu pháp y giám định dấu vết sinh học đó, thậm chí giám định gene để so sánh với nghi phạm nhận diện hung thủ…
Với quy trình làm việc như vậy, có thể nói nhiệm vụ của pháp y và kỹ thuật hình sự rất rạch ròi nhưng luôn xen kẽ, có từng giai đoạn cộng hưởng và tách ra độc lập. Không thể ra mệnh lệnh bắt bác sĩ pháp y làm thay kỹ thuật hình sự được và ngược lại vì kỹ thuật hình sự và pháp y là hai chuyên ngành được đào tạo khác nhau, sử dụng kiến thức khác nhau để phục vụ những nhiệm vụ khác nhau.
Nếu nói như vậy thì phải chăng có hai bản kết luận giám định và điều này có gây khó cho Tòa án trong quá trình tố tụng?
Khi vụ án kết thúc quá trình điều tra và được đưa ra xét xử ở Tòa thì không thể có hai bản kết luận giám định được mà chỉ có một bản duy nhất do pháp y cung cấp. Lý do vì sao? Vì với chuyên môn nghiệp vụ và chức năng quyền hạn của mình, khoa học hình sự chỉ chịu trách nhiệm về các vấn đề tại hiện trường và biểu hiện tổng thể bên ngoài của vụ án như đã nói trên để cùng với pháp y đưa ra kết luận cuối cùng.
Pháp y nằm riêng biệt với cơ quan điều tra và phối hợp với cơ quan điều tra để sáng tỏ vụ án - mô hình này, cách xử lý vấn đề này đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm tránh tình trạng oan sai, tạo niềm tin trong tố tụng. Tuy nhiên ở Việt Nam vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chủ quan mà chúng ta chưa đạt đến được điều này.
|
Một ca khám nghiệm tử thi. Ảnh minh họa |
Pháp y không làm khó Công an
Có ý kiến cho rằng khi có vụ việc xảy ra pháp y thường đến hiện trường chậm gây khó khăn cho cơ quan điều tra và nếu để pháp y tiến hành giám định trong những vụ việc liên quan đến y tế dễ có sự bưng bít, thiếu khách quan. Ý kiến của ông là thế nào?
Tôi có thể khẳng định ngay rằng chiếm lĩnh hiện trường không phải là nhiệm vụ của pháp y vì từ khi có tin báo cho đến khi tiến hành khám nghiệm tử thi (ví dụ vụ án mạng) phải trải qua nhiều khâu và nhiều thủ tục như: có người chết do chất nổ cơ quan công an phải có thời gian đảm bảo rằng không còn vụ nổ tiếp theo tại hiện trường, khi nghi người chết do đầu độc thì phải có thời gian xác định không còn chất độc ảnh hưởng đến giám định viên, phải có thời gian để kỹ thuật hình sự khoanh vùng mở lối đưa tử thi ra khỏi hiện trường để không mất đi dấu vết, chứng cứ quan trọng, phục vụ cho điều tra…
Như vậy, không phải pháp y đến là khám nghiệm tử thi ngay. Hơn nữa, vì từ khi có pháp y đến nay, không có quy định nào cho pháp y trực khám nghiệm như trực cấp cứu ở bệnh viện, trực chiến đấu ở công an nên chỉ khi có yêu cầu giám định viên mới tập trung. Vì vậy nói pháp y y tế đến hiện trường muộn là do nhận định chủ quan của cơ quan trưng cầu, cơ quan điều tra xuất phát từ sự lầm lẫn chức năng nhiệm vụ giữa pháp y và lực lượng kỹ thuật hình sự của công an.
Còn nếu nói để pháp y tiến hành giám định trong những vụ việc liên quan đến y tế dễ có sự bưng bít, thiếu khách quan thì sao không đặt ngược lại vấn đề điều đó cũng hoàn toàn có thể xảy ra với tổ chức khác. Nhưng phải hiểu rằng một vụ việc xảy ra liên quan tới y tế, pháp y tham gia giám định không có nghĩa là làm tất cả mọi việc mà đó chỉ là một khâu chuỗi trong quy trình điều tra, phá án. Ví dụ có vụ chết người ở bệnh viện, phòng khám tư nhân, pháp y chỉ giám định tử thi, còn khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai… là do cơ quan điều tra thực hiện.
Nhân tiện đây nói thêm rằng có ý kiến cho rằng cứ để nhiều cơ quan giám định, để cơ quan trưng cầu có sự lựa chọn khách quan và làm nhiệm vụ đối trọng. Ý tưởng đó không thuyết phục vì nơi đáp ứng trưng cầu giám định, nhất là giám định tử thi là độc quyền của cơ quan pháp y, không như món hàng để người dân thấy nơi nào tốt rẻ hợp lý thì mua
Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện thú vị này!
Theo tài liệu lưu trữ, trước năm 1945, giám định pháp y chủ yếu do các giáo sư, bác sĩ thuộc trường đại học y, bệnh viện trung ương và bệnh viện các tỉnh đảm nhận. Ngày 12/12/1956, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế có Thông tư liên bộ số 2759/HC-TP quy định về một số điểm cụ thể trong công tác giám định pháp y, quy định cho các Sở y tế, Ty y tế thực hiện công tác này. Sau đó, những năm 1975-1980, do điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, bác sĩ ở miền Nam di tản, bác sĩ miền Bắc tăng cường cho miền Nam, sự dàn trải ấy làm cho lực lượng bác sĩ mỏng đi. Hơn nữa, chế độ chính sách cho những người làm pháp y chưa được quan tâm, mặt khác cũng không có chế tài khi từ chối làm pháp y do vậy lực lượng giám định viên y tế bị mai một. Để đáp ứng yêu cầu công việc, lực lượng công an buộc phải tự hình thành bộ phận pháp y. Năm 1988, Nghị định 117/HĐBT của Hội động Bộ trưởng được ban hành, thành lập các Tổ chức giám định pháp y, lúc này y tế và công an đều hoạt động chung trong tổ chức pháp y do UBND tỉnh hoặc Sở Y tế quản lý. Từ khi Pháp lệnh Giám định Tư pháp ra đời ngày 29/9/2004 thì ở một số tỉnh, pháp y công an đã tách ra trực thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh. Theo tài liệu của Bộ Công an báo cáo năm 2010 trên cả nước có 61.547 vụ phải giám định pháp y thì pháp y y tế giải quyết 50.712 vụ (chiếm 82,45%), pháp y công an giám định 10.835 vụ (chiếm 17,6%). |
Xuân Hoa (thực hiện)