Cần quy định rõ “kinh tế hóa” ngành tài nguyên, khoáng sản

(PLVN) - Cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tại phiên họp vừa diễn ra, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần nghiên cứu để quy định rõ việc xử lý trong trường hợp khoáng sản đó gồm nhiều loại khoáng sản khác nhau. (Ảnh: Quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần nghiên cứu để quy định rõ việc xử lý trong trường hợp khoáng sản đó gồm nhiều loại khoáng sản khác nhau. (Ảnh: Quochoi.vn)

Làm rõ căn cứ, nguyên tắc về phân loại khoáng sản

Dự thảo Luật trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có một số điểm mới. Trong đó, về phân nhóm khoáng sản, dự thảo Luật quy định phân thành 4 nhóm khoáng sản, tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Thảo luận về nội dung này, các ý kiến trong UBTVQH đề nghị rà soát các quy định về phân loại khoáng sản, làm rõ căn cứ, nguyên tắc về phân loại khoáng sản để bảo đảm quy định về phân loại khoáng sản khả thi, phù hợp với thực tiễn, không tạo kẽ hở dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí, nhất là nhóm khoáng sản là vật liệu thông thường và nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp để xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập không phù hợp hiện nay trong quản lý, cấp phép khai thác, sử dụng các loại vật liệu này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh ủng hộ việc phân loại khoáng sản thành 4 loại theo công năng sử dụng và mục đích sử dụng để thực hiện các quy trình từ quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác, đến thu hồi mỏ và đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng cần nghiên cứu để quy định rõ việc xử lý trong trường hợp khoáng sản đó gồm nhiều loại khoáng sản khác nhau. “Theo công năng, mục đích thì có 4 loại nhưng có những loại nằm xen kẹp giữa các nhóm khoáng sản này, cần có cách xử lý kỹ thuật trong trường hợp xen kẹp để tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị.

Cũng có ý kiến chỉ ra rằng, một số loại khoáng sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh. Do đó, cần rà soát để quy định cho phù hợp.

Quy định rõ “kinh tế hóa” ngành tài nguyên, khoáng sản

Dự thảo Luật cũng có một số điểm mới khác đáng chú ý như tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...

Các ý kiến trong UBTVQH lưu ý, trong các văn kiện của Đảng đã đề cập rất nhiều đến việc quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất, nước, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại dự án Luật nhằm thể hiện rõ quan điểm này, thúc đẩy “kinh tế hóa” ngành tài nguyên, khoáng sản. Dẫn chứng, ý kiến trong UBTVQH chỉ ra rằng, Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng nguồn dữ liệu điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản. “Vậy khi các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế sử dụng, khai thác kho dữ liệu này thì đây có được coi là một tài sản không và nguyên tắc thu phí thế nào?”, ý kiến đề cập...

Quan tâm đến việc thăm dò, khai thác, chế biến cát biển, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường dẫn thống kê của Tổng cục Địa chất, khoáng sản cho biết, trữ lượng cát sông của chúng ta chỉ đủ cho nhu cầu san lấp, còn xây dựng thì đang thiếu. “Khai thác cát, sỏi lòng sông cũng để lại rất nhiều hệ quả, nhất là liên quan đến ảnh hưởng môi trường, biến đổi dòng chảy...”, Tổng Thư ký QH chỉ rõ. Vì vậy, ông Bùi Văn Cường đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật về quy hoạch khai thác cát biển để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong tương lai, từ đó hạn chế, tiến tới dừng việc cấp phép khai thác cát sỏi ở lòng sông, chuyển dần sang cát biển thay thế.

Đọc thêm