Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, đến hết tháng 12/2016, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, trong đó có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước; hỗ trợ nhà ở cho 91.903 gia đình người có công. Bên cạnh hoạt động trợ cấp đột xuất cho các địa phương bị thiên tai, cả nước có gần 2,7 triệu đối tượng được trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí 15.000 tỷ đồng. Cùng với đó là mạng lưới 418 cơ sở trợ giúp xã hội đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 42.000 người.
Tuy nhiên, một số chương trình an sinh xã hội chưa thực sự hiệu quả, triển khai chậm và chưa được bố trí kinh phí kịp thời như Chương trình 135, các chương trình hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm... Lĩnh vực lao động việc làm và dạy nghề vẫn chưa có chuyển biến tích cực khi tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường không kiếm được việc làm còn lớn; thông tin, kết nối thị trường lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành cũng đã chỉ ra những bất cập chưa được giải quyết, đó là nhiều chính sách tốt được ban hành nhưng nguồn lực thực hiện thiếu hoặc không có; nhiều địa phương không chủ động bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương mà chỉ tập trung vào những vấn đề bức xúc trước mắt nên dẫn đến kết quả hạn chế so với mục tiêu đặt ra đối với các chính sách an sinh xã hội.
Giải quyết những vướng mắc, bất cập trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ LĐTB&XH cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải có những cơ chế, giải pháp hết sức quyết liệt; cần phải sâu sát, đổi mới hơn nữa khi thực hiện công tác an sinh xã hội. Phó Thủ tướng cũng gợi ý Bộ LĐTB&XH nghiên cứu cơ chế huy động doanh nghiệp, người dân, cộng đồng trong công tác vận động và tự quản lý hiệu quả các nguồn lực, tài chính dành cho những đối tượng khó khăn, người nghèo, các chương trình thiện nguyện. Ưu tiên các chương trình an sinh xã hội ở những vùng hay bị thiên tai, bão lũ, vùng sâu, vùng xa…