Điều hành phiên họp sáng nay là Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Tại phiên thảo luận hôm nay, nhiều ĐB đề nghị cân nhắc việc thông qua nghị quyết này, bởi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có đồng vốn nhiều hơn.
Các ĐB cho rằng quy đinh như vậy là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào tài chính, chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. Do đó, cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt.
Liên quan đến quy định cho phép HĐND Thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố, nhìn chung các ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ đều nhất trí.
Tuy nhiên các ĐB đề nghị tăng thu nhập phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. Hơn nữa, đã ủy quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh việc không hoàn thành lại đùn đẩy lên cấp trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng trao cho TP HCM những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP HCM thì Thành phố cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Với nghị quyết này, Thành phố sẽ không cần phải loay hoay “xé rào” mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước.
ĐB đồng ý với cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách đem lại nguồn thu lớn cho thành phố. Tuy nhiên, chính sách này cũng ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và người dân, nên cần lường trước những phản ứng của những đối tượng này.
Cũng theo ĐB Mai Hoa, không chỉ phát triển kinh tế hạ tầng mà mục tiêu còn là phát triển giáo dục, y tế, môi trường, văn hoá, sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sống. Từ đó lựa chọn chính sách tăng giảm thuế một cách hợp lý.
"Cần bổ sung nguyên tắc có sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Phải có đánh giá tác động trước khi triển khai nhằm tránh những phản ứng không đáng có. Các dịch vụ công phải tốt hơn, minh bạch trong thông tin và công bằng trong ứng xử", bà Mai Hoa nói và nhấn mạnh vấn đề không phải ở chỗ tăng giảm mà là tăng giảm hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng đồng tình với việc cần có chính sách đặc thù để TP HCM phát triển hơn nữa, xứng đáng với Thành phố mang tên Bác. Tuy nhiên, việc ban hành luật tài sản để thí điểm ở TP HCM thì cần hết sức cân nhắc.
“Việc thí điểm cơ chế đặc thù thì cần sự khác biệt nhưng vấn đề nào tác động đến tâm lý, lợi ích người dân thì cần hết sức thận trọng” – nữ đại biểu nêu ý kiến.
Trước đó, vào ngày 14/11, Chính phủ đã trình QH về việc ban hành thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Các cơ chế, chính sách được đề xuất thí điểm cho TP HCM chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP HCM. Đa số các Đại biểu (ĐB) cho rằng TP HCM cần có cơ chế đặc thù và vượt trội từ việc tự quyết tổ chức bộ máy hành chính đến các vấn đề khác, nhằm kéo cả nền kinh tế của đất nước.
Tinh thần dự thảo Nghị quyết, TP HCM được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền của các vấn đề này thuộc Thủ tướng Chính phủ, nay phân quyền cho Thành phố thực hiện. Đối với một số nội dung pháp luật hiện hành chưa quy định, trình Quốc hội cho phép Thành phố nghiên cứu, xây dựng để báo cáo Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cho thí điểm trên địa bàn Thành phố, đồng thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, giao thẩm quyền cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng Nghị quyết phải giới hạn “trần” diện tích được quyết là bao nhiêu, có thể như đề nghị của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội là quy hoạch diện tích đã được duyệt 5 năm.