Cần tháo “nút thắt” trong thực hiện chính sách tiền tệ

Cho rằng, nhiều chính sách của Chính phủ hiện nay rất đúng về mặt chủ trương nhưng thực hiện còn nhiều “nút thắt”, nhiều ĐBQH đề nghị phải có kiểm tra, giám sát và tìm bằng được căn nguyên để có biện pháp xử lý.

Hôm qua (5/8), Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm; thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 và việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011.

Lo đời sống khó khăn, sản xuất cầm chừng

Trước đó, đầu giờ chiều ngày 5/8, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã báo cáo sơ bộ tình hình thảo luận nội dung này ở tổ của ĐBQH vào sáng ngày 4/8. Theo đó, nhóm vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, bảo vệ chủ quyền…

hrh
 Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011

Tại phiên thảo luận hôm qua, phần lớn các ĐB nhận định, tình hình kinh tế thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp của Chính phủ, sự nỗ lực các cấp, ngành, doanh nghiệp và nguời dân tình hình KTXH đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ĐBQH cũng bày tỏ nhiều lo lắng, đặc biệt về sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự khó khăn của đời sống nhân dân do giá cả tăng cao.

Dẫn chứng việc tăng giá vàng và nhiều mặt hàng thiết yếu trong những ngày qua, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng: “Điều chỉnh tăng giá nhiều mặt hàng của Chính phủ không  phù hợp” và đề nghị “Chính phủ quan tâm phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, giảm mặt bằng lãi suất một cách phù hợp; quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số”

Ghi nhận những chuyển biến trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại chỉ ra thực tế chất lượng cuộc sống của người dân đang đi xuống do đồng tiền mất giá, lãi suất ngân hàng quá cao, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân. ĐB Thuyền cơ bản đồng tình 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhưng nói rõ hơn: “Cần có gói kích cầu như trước đây nhưng theo hướng  khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân và doanh nghiệp, sử dụng kích cầu trực tiếp mới mang lại hiệu quả thiết thực”

Thuật lại câu chuyện của ngư dân vùng biển Phú Yên, ĐB Đào Tiến Lộc (Phú Yên) thẳng thắn: Nhiều ngân hàng không muốn cho vay để phát triển nông ngư nghiệp, hoặc cho vay với lãi suất cao dẫn đến ngư dân phải đi vay “nóng” bên ngoài. “ Chính phủ đã có biện pháp tháo gỡ nhưng chính sách lại chưa có tác dụng, cần có chế tài ưu tiên cho vay trong khu vực nông ngư nghiệp”, ĐB Lộc đề nghị

Cần nhìn nhận đúng mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ

Vấn đề này, từ phiên thảo luận tại tổ nhiều ĐBQH đã phân tích cho rằng, việc thắt chặt chính sách tài chính, tín dụng trong thời gian qua là phù hợp. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc tăng lãi suất tín dụng, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, cho sản xuất kinh doanh…

Nhiều ĐBQH đề nghị thắt chặt cho vay đầu tư bất động sản, những dự án đầu tư dài hạn, chưa rõ hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH cũng nêu rõ quan điểm “chính sách tiền tệ thắt chặt chỉ nên coi là giải pháp tình thế nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, về lâu dài, không nên áp dụng chính sách này”.

Với tư cách chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) thẳng thắn: Cần phải nhìn nhận đúng mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ, những khó khăn của sản xuất, đời sống vẫn sẽ còn tiếp diễn trong những tháng còn lại và đề nghị Chính phủ phải cụ thể hóa nhanh những chính sách đã có và sắp có, cần lựa chọn các giải pháp mang tính đột phá. Đặc biệt, với các vị Bộ trưởng mới, cần cụ thể hóa nhanh chương trình hành động…

Nhiều ĐB khác cũng đồng tình cao với việc cắt giảm đầu tư công đối với các dự án không hiệu quả tuy nhiên, cũng đề nghị không cắt giảm đối với các dự án cần thiết, cấp bách, những dự án đang dang dở, đặc biệt là những công trình giao thông trọng điểm, những dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, y tế, phục vụ người nghèo.

Cho rằng, nhiều chính sách của Chính phủ hiện nay rất đúng về mặt chủ trương nhưng thực hiện còn nhiều “nút thắt”, nhiều ĐB đề nghị phải có kiểm tra, giám sát và tìm bằng được căn nguyên để có biện pháp xử lý.

Bình An

Đọc thêm