Nỗ lực kiểm soát nhưng thuốc lá thế hệ mới vẫn “lọt lưới” vì thiếu quy định
Tại hai địa phương được khảo sát là Bắc Ninh và Thanh Hóa cho thấy, các địa phương đã có sự vào cuộc rõ nét trong việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Ban Chỉ đạo chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá được thành lập ở cả 2 tỉnh, do Sở Y tế làm cơ quan thường trực, phối hợp với các ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể từ tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm cho đến tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện.
Tại Bắc Ninh, trong 2 năm qua, ngành Y tế đã phối hợp tổ chức kiểm tra giám sát về thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại 45 cơ quan, đơn vị; kiểm tra thực thi pháp luật tại 30 đơn vị. Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện, xử lý 12 vụ, phạt hành chính 361 triệu đồng, tiêu hủy hơn 142.000 sản phẩm thuốc lá điện tử, trị giá hơn 5,4 tỷ đồng.
Lũy kế đến tháng 12/2024, trong các khu công nghiệp có 12 dự án sản xuất, gia công linh phụ kiện có liên quan đến thuốc lá điện tử, không phải là sản phẩm thuốc lá điện tử hoàn chỉnh. Các sản phẩm này xuất khẩu 100% đi nước ngoài, không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Từ ngày 30/11/2024, tỉnh và các doanh nghiệp cũng đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội, có liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tương tự, tại Thanh Hóa, hoạt động PCTHTL cũng được triển khai rộng khắp từ tuyến tỉnh đến cơ sở, với việc phối hợp tuyên truyền và kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc lá. Trong hai năm 2023 - 2024, Thanh Hoá đã xử lý 93 vụ vi phạm, phạt 287 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 138 triệu đồng.
Cần "lời giải" để thực thi chính sách kịp thời
Mặc dù các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về PCTHTL như: Kiểm soát kinh doanh, quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng; Công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra đối với việc buôn bán, nhập khẩu thuốc lá lậu; Chế tài xử phạt liên quan đến thuốc lá, quản lý và xử phạt hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng… Trong khi những sản phẩm này đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ, nhất là thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, qua mạng xã hội, quảng cáo trá hình trong khi khung pháp lý hiện hành vẫn chưa đủ rõ ràng để kiểm soát hiệu quả.
Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội đã đánh dấu một bước chuyển rõ rệt khi chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm tương tự từ năm 2025 nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống, cần một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể kèm theo cơ chế tổ chức thực hiện rõ ràng.
Thực tế tại các địa phương cho thấy, chính các cán bộ thực thi, lực lượng thanh tra, quản lý thị trường… cũng đang lúng túng trong xác định đối tượng bị điều chỉnh và áp dụng chế tài phù hợp.
Để nhằm giải quyết thực trạng buôn lậu các sản phẩm này, đảm bảo tính khả thi khi ra quyết định xử phạt, đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha... Cùng với đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, mở rộng diện tích cảnh báo sức khỏe trên bao bì cũng được đề xuất như những biện pháp mạnh để giảm sức hút của sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng, đặc biệt với giới trẻ.
Là địa phương có nhiều khu công nghiệp và hoạt động sản xuất linh phụ kiện, mặc dù đã nỗ lực trong công tác PCTHTL nhưng Bắc Ninh vẫn còn gặp phải nhiều vướng mắc. Do đó, ông Lê Xuân Lợi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể nhằm phân biệt rõ việc các doanh nghiệp sản xuất linh kiện để xuất khẩu với việc thực hiện cấm hoàn toàn hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc lá mới, thuốc lá điện tử trong nước.